​

Khi việc học tập pháp luật trở thành thói quen…

08/11/2013
Từ sáng kiến ở một vài địa phương, đến nay, Ngày Pháp luật (9/11) đã được đưa vào Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai trên quy mô toàn quốc. Những người làm công tác tư pháp vui không phải vì sáng kiến của mình được “luật hóa” mà vì việc học tập pháp luật ngày càng được chú trọng, trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống, giống như thức ăn, nước uống hàng ngày.

Nhớ về những ngày đầu tiên thực hiện Ngày pháp luật, bà Trương Thị Nga, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội không khỏi bồi hồi: “Mô hình Ngày Pháp luật ngày ấy (cách đây khoảng 7,8 năm-PV) ban đầu cũng chỉ thực hiện manh nha, nhỏ lẻ ở một số ban ngành, huyện, thị của Hà Tây cũ. Với cách làm là mỗi tháng các đơn vị dành một ngày để tập trung cán bộ của mình lại để nghe phổ biến về nội dung một văn bản pháp luật mới. Sau thời gian thử nghiệm và thấy rằng đây là một hình thức rất có hiệu quả, làm sinh động hơn các hình thức tuyên truyền pháp luật vốn được coi là sơ cứng, ngành Tư pháp quyết định nhân rộng”.

Đầu tiên, việc thực hiện Ngày Pháp luật chỉ nhắm đến đối tượng là cán bộ, công chức với mục tiêu cán bộ công chức phải là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật cho người dân noi theo, nhưng sau đó “lan” ra đến cả cấp xã phường, tổ dân phố, cụm dân cư…Càng trải nghiệm, mô hình Ngày Pháp luật càng khẳng định tính ưu việt trong đời sống. Cho đến khi sáp nhập vào Hà Nội, Ngày Pháp luật càng được quan tâm, đầu tư để học tập pháp luật trở thành một thói quen trong cán bộ, công chức và người dân thủ đô.

Cũng trong thời điểm Hà Nội thử nghiệm Ngày Pháp luật, với trăn trở làm thế nào đổi mới các hình thức tuyên truyền, thu hút cán bộ, công chức và nhân dân tham gia học tập pháp luật, ngành Tư pháp Tiền Giang, An Giang…cũng bắt tay triển khai “Ngày Pháp luật”. Khi ấy, Ngày Pháp luật không cứng nhắc là dành cả ngày hay một buổi, tập trung đông người, rầm rộ mà tùy theo điều kiện và công việc của mỗi ngành mà Ngày Pháp luật được tổ chức khác nhau. Có thể một buổi, hay vài giờ, thậm chí là lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt nghiệp vụ, giao ban…Nội dung ban đầu cũng chủ yếu phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức. Lâu dần, Ngày Pháp luật đã được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn hơn.

Từ sáng kiến của một số địa phương, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã có hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Tính đến 31/8/2011, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này và qua đánh giá bước đầu cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các địa phương, cơ quan đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Chính phủ trình dự án Luật PBGDPL ra trước Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong dự thảo Luật PBGDPL. Trong Ngày Pháp luật này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hoạt động thiết thực. Ngày Pháp luật cũng là cơ hội để các cơ quan, đoàn thể tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL. Ngay tại lần đầu tiên trình Quốc hội, Ngày Pháp luật đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao.

Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua tại lỳ họp thứ 3 đã chính thức quy định ngày 09/11 hàng năm (đây  là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

 Luật PBGDPL có hiệu lực (1/1/2013) nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai luật, trong đó Ngày Pháp luật được coi là một điểm nhấn quan trọng. Không chỉ trong đợt cao điểm, nhiều địa phương xác định nhiệm vụ tuyên truyền phải làm thường xuyên, có như vậy pháp luật mới được thẩm thấu đến từng người dân, trở thành thói quen trong đời sống.

Nga Minh