Cách đây 170 năm, sau những năm nghiên cứu, khảo sát phong trào công nhân ở các nước Tây Âu, đồng thời được sự uỷ nhiệm của những người cộng sản, ngày 24 tháng 2 năm 1848, tác phẩm quan trọng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. 170 năm đã trôi qua với rất nhiều biến động của lịch sử - xã hội, nhiều vấn đề mới, khó khăn và thách thức được đặt ra, nhưng chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (TNĐCS) đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng. Những tư tưởng đó có ý nghĩa thiết thực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta.
TNĐCS là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý C .Mác và Ph.Ăng ghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng loài người vĩnh viễn thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp, bảo đảm cho loài người được thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. TNĐCS giữ địa vị đặc biệt quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Nội dung Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Nội dung của Tuyên ngôn được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày thành bốn chương. Ngoài ra, mỗi lần xuất bản, hai ông còn viết lời tựa để thuyết minh và làm rõ hơn nội dung tư tưởng của Tuyên ngôn (bổ sung nội dung Tuyên ngôn).
Chương I: Tư sản và vô sản
Chương này nói đến sự phát triển của xã hội loài người; vị trị lịch sử của giai cấp tư sản;
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và sự ra đời của Đảng Cộng sản.
C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, lịch sử phát triển của xã hội loài người từ khi chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã cho tới nay là lịch sử đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa các giai cấp bị áp bức bóc lột và giai cấp bóc lột. Đến xã hội tư bản hiện đại cũng phân chia thành hai giai cấp lớn thù địch với nhau, đó là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Nội dung cơ bản của sự vận động của lịch sử xã hội hiện đại là cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh đó đưa tới sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Giai cấp vô sản hiện đại là người có sứ mệnh đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và sáng tạo ra một xã hội mới tốt đẹp hơn. Đó là điều mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định trong
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản do vị trí kinh tế - xã hội của giai cấp vô sản trong lịch sử quy định.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản là tất yếu để đảm bảo cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Những cuộc đấu tranh đã tạo điều kiện cho giai cấp vô sản đoàn kết thành tổ chức. Sự tổ chức như vậy thành chính Đảng. Sự tồn tại, phát triển của Đảng vì sứ mệnh của giai cấp vô sản. Đảng kết thúc vai trò khi sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản hoàn thành.
Trong cuộc đấu tranh, Đảng Cộng sản không chỉ tập hợp trong hàng ngũ của mình giai cấp vô sản mà cả các tầng lớp trung gian, những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công, nông dân. Song, khi sắp rơi vào hàng ngũ vô sản họ đã tự nguyện từ bỏ quan điểm của chính họ để đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản, bảo vệ lợi ích tương lai của họ. Hơn nữa, khi cuộc đấu tranh giai cấp tiến gần tới giờ quyết định, giai cấp thống trị bị phân hóa, một bộ phận nhỏ tách ra khỏi giai cấp này đi theo giai cấp vô sản. Đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản vươn lên nhận thức được về mặt lý luận toàn bộ cuộc vận động. Thực tiễn đó đã khẳng định rằng, các tầng lớp trung gian và cả giai cấp thống trị (tầng lớp) trên của xã hội cũng có thể từ bỏ lập trường giai cấp của mình để tham gia hàng ngũ của giai cấp vô sản.
Chương II: Những người vô sản và những người cộng sản
Chương này C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày tính tiên phong của Đảng Cộng sản, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và giai cấp, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, một số nguyên lý chiến lược, sách lược cách mạng.
Theo đó, sự trưởng thành của giai cấp vô sản được đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản. Song, Đảng Cộng sản khác với toàn bộ giai cấp vô sản ở tính tiên phong. Tính tiên phong của Đảng thể hiện: tiên phong trong hành động thực tiễn, tiên phong về mặt lý luận. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trình bày: những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản. Vai trò tiên phong của Đảng đảm bảo cho Đảng tập hợp được giai cấp vô sản. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện đảm bảo cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới. Nhưng Đảng Cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, Đảng là một bộ phận gắn liền với giai cấp. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích giai cấp: “Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”. Mục đích của Đảng là mục đích của giai cấp, Đảng là đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào vô sản.
Kết quả của phong trào vô sản không dừng lại ở sự ra đời của chính Đảng mà còn biểu hiện ở chỗ giai cấp vô sản biết hành động theo sự lãnh đạo của Đảng.
Chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa
Các trào lưu xã hội chủ nghĩa xuất hiện như là một tất yếu lịch sử. TNĐCS xác định thái độ cụ thể với từng trào lưu: Phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động của phong kiến tiểu tư sản. Tuyên ngôn dành sự đánh giá thích đáng chủ nghĩa xã hội. Tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi vô sản đều là trở ngại cho việc ra đời của chính Đảng. Tuyên ngôn phê phán những trào lưu đó nhằm bảo đảm thắng lợi cho việc truyền bá học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân.
Chương IV: Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng độc lập
Chương này khẳng định lập trường kiên định của Đảng Cộng sản về những vấn đề chiến lược và sách lược mềm dẻo của Đảng. Nguyên tắc có ý nghĩa chiến lược của người cộng sản là: Chiến đấu cho mục đích trước mắt của giai cấp vô sản, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào.
Những tư tưởng của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đều khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, của TNĐCS nói riêng là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam. Từ bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin năm 1920 - bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn trong điều kiện lịch sử mới, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Việt Nam càng phát triển, càng khẳng định những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn là đúng đắn.
Vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp những nguyên lý nền tảng của TNĐCS, nhất là về mối quan hệ giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, về cách mạng XHCN, về vị trí, vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân... vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ và đang từng bước tiến hành cách mạng XHCN. Trong suốt quá trình cách mạng, mục đích cao cả của Đảng ta đặt ra hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn, đó là giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách áp bức bóc lột, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tính khoa học, tính cách mạng của TNĐCS được Đảng ta tiếp thu, vận dụng sáng tạo, cụ thể thể hiện qua những nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và những văn kiện gần đây của Đảng. Những nội dung lý luận về định hướng XHCN, về mục tiêu, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, về những đặc trưng thể hiện bản chất của xã hội XHCN và con đường, cách thức xây dựng CNXH ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... là thành quả của quá trình đổi mới tư duy, phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng, đồng thời đó cũng chính là sự kế thừa, vận dụng những “tư tưởng cơ bản”, “nguyên lý phổ quát” của Tuyên ngôn.
Tư tưởng cơ bản của TNĐCS được vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xây dựng đảng. Cụ thể:
Về kinh tế, Đảng luôn luôn quán triệt tư tưởng cơ bản của TNĐCS là: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Vận dụng quan điểm đó, Đảng ta xác định, xây dựng CNXH ở Việt Nam trước hết và trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Về chính trị, xuất phát từ các giá trị lý luận về nhà nước và pháp luật trong TNĐCS và các giá trị phổ quát của nhân loại về xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Về xây dựng Đảng, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời khẳng định vấn đề nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Sự thống nhất lợi ích của Đảng và giai cấp - tư tưởng này là cơ sở để xây dựng đường lối chủ trương, chính sách nhằm xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi trong Đảng. Trong đường lối cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn, coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định:“xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH ở nước ta hơn 30 năm qua, đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, TNĐCS nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
170 năm trôi qua, kể từ khi TNĐCS ra đời cho đến nay, thế giới đã có nhiều biến đổi, song lịch sử tiếp tục chứng minh rằng, những tư tưởng vĩ đại của TNĐCS sẽ tiếp tục soi đường cho nhân loại tiến về tương lai ngày càng tốt đẹp hơn./.
ĐTD
Tác phẩm tham khảo:
1. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, NXB st HN 1976
2. Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VIII
3. Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb CTQG, H, 1999.
4. Giá trị thời đại và sự vận dụng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta của Minh Duyên - Ban Tuyên giáo Trung ương