Báo cáo Tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó ban tổ chức cuộc thi – bà Hồ Xuân Hương cho biết để cuộc thi được triển khai rộng khắp, có chất lượng, Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai cuộc thi, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia cuộc thi.
Kết thúc thời hạn nhận bài thi, Ban Tổ chức cuộc thi của các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 390.984 bài dự thi. Trong đó, bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có trụ sở trên địa bàn Hà Nội là: 10.915 bài; bài dự thi của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố là: 45.903 bài; bài dự thi của các quận, huyện, thị xã và nhân dân là: 334.166 bài. Sau khi kết thúc nhận bài dự thi, Ban Giám khảo đã khẩn trương tổ chức chấm thi với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan, chính xác. Theo đó, đã tổ chức chấm vòng loại 16.162 bài dự thi do Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố tiếp nhận và lựa chọn 460 bài thi vào chấm vòng chung khảo theo thể thức chấm chéo (2 Giám khảo chấm một bài).
Cũng theo Phó Giám đốc Hồ Xuân Hương nhiều bài dự thi có chất lượng tốt đã phân tích, bình luận sâu sắc về những điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó, thể hiện sự am hiểu, nghiên cứu kỹ các bản Hiến pháp khi viết bài dự thi. Mặt khác, nhiều bài thi đã thể hiện tốt phần thi tự luận với việc nêu được đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước và người dân trong việc triển khai thi hành Hiến pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, nhân dân trong việc đưa công tác tư pháp nói chung, phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng ở Hà Nội có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, đối với cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp lần này, Thứ trưởng nhấn mạnh, cuộc thi đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng mong muốn thời gian tới Thành ủy, HĐND, UBND tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp, công tác phổ biến pháp luật để tổ chức nhiều hơn các cuộc thi có nghĩa thiết thực như cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp vừa qua.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp trong đời sống, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng cho biết, các bài dự thi sẽ là những tài liệu, tư liệu quý báu, thiết thực để phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp. Phó Chủ tịch mong muốn sau cuộc thi, các tác giả được giải sẽ trở thành những tuyên truyền viên pháp luật hiệu quả tại chính cơ quan, địa bàn dân cư nơi mình sinh sống, góp phần tích cực trong việc đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.
Thu Hằng
Trong số các bài dự thi có nhiều bài dự thi để lại ấn tượng sâu sắc, với sự thể hiện công phu, trình bày độc đáo, sáng tạo, điển hình. Đơn cử bài của ông Nghiêm Quang Tùng – Công ty thuốc lá Thăng Long, bài dự thi được đặt trang trọng ở trên mô hình bằng gỗ, trên mô hình có gắn 5 bức tranh cổ động thu nhỏ thể hiện 5 bản Hiến pháp Việt Nam, mỗi bức tranh cổ động đều thể hiện các nội dung tuyên truyền Hiến pháp. Bài của bà Kim Thị Nhung - Văn phòng UBND Thành phố, bài dự thi gồm 2 tập với tổng số gần 1000 trang được viết tay, chữ đẹp. Bài dự thi trình bày khoa học, sử dụng nhiều tài liệu tham khảo, minh hoạ, trong đó có trích dẫn một số lời dạy của bác Hồ đối với cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ, thanh thiếu niên và người dân. Hay như bài dự thi của ông Nguyễn Huy Ích (80 tuổi) - ở quận Ba Đình. Điểm đặc biệt của bài dự thi là ở phần cuối tác giả đã chuyển thể toàn bộ bản Hiến pháp năm 2013 thành bài thơ song thất lục bát theo thể diễn ca với số lượng 225 khổ thơ mỗi khổ 4 câu, rất có vần. Ngoài ra, nhiều bài dự thi của thí sinh trẻ tuổi và cao tuổi đã mang đến cho cuộc thi nhiều ấn tượng, cảm xúc về sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với cuộc thi và rất đáng được biểu dương.
Căn cứ kết qủa chấm thi của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã chọn, trao 6 giải tập thể và 39 giải cá nhân. Trong đó, giải Nhất tập thể được trao cho Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây; Giải Nhất cá nhân được trao cho các tác giả: Vương Chí Hiếu (Công ty TNHH thuốc lá Thăng Long); Nguyễn Thị Hoà (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Xuyên), Lê Phương Thanh (quận Long Biên, Hà Nội). Ban tổ chức cũng lựa chọn 30 bài có số điểm cao nhất gửi Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương chấm chung khảo.