Ngay sau khi giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc lập hiến là một trong “những vấn đề cấp bách hơn cả”. Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (Chế Hiến ủy viên hội) gồm có 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáu thành viên còn lại là: Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, Giáo sư Đặng Thai Mai, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Trường Chinh.
Công việc trọng đại, mới mẻ, vô cùng khó khăn, trong thời gian gấp rút. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Giáo sư Đặng Thai Mai và Luật sư Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên. Hai ông tập trung trí tuệ và sức lực phác thảo đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua, rồi chia nhau bắt tay vào việc chấp bút chi tiết. Theo Giáo sư Đặng Thai Mai: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật. Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng ba phần tư dự án. Tôi chỉ viết một phần tư còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết, rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp” .
Trong quá trình dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến của Luật gia Võ Nguyên Giáp, hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhiều trí thức nổi tiếng thời đó như Luật sư Phan Anh, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đồng thời tham khảo cả những văn kiện tiếng Pháp (như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Pháp …) như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu. Ngày 26/10/1945, dựa vào phần Giáo sư Đặng Thai Mai và mình đã viết, Luật sư Vũ Trọng Khánh tổng hợp thành một bản dự thảo Hiến pháp do chính ông viết lại. Ngày 30/10/1945, sau khi đọc xong bản tổng hợp trên, Luật gia Võ Nguyên Giáp làm việc lần cuối cùng với hai ông, tán thành về cơ bản, chỉ góp ý nên rút bớt khoảng một phần ba. Ngày 2/11/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 6/11/1945, bản dự thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.
Ngày 8/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946.
Trương Thị Hòa