Tư pháp Việt Nam đã đến với lý luận Mác-Lênin như thế nào?

02/02/2015
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Qua chặng đường 85 năm, lý luận Mác-Lênin đã chứng minh tính đúng đắn và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối lãnh đạo của Đảng. Từ năm 1950, tư pháp Việt Nam đã đến với lý luận Mác-Lênin, từ đó xây dựng nền tảng lý luận mới về pháp lý nhân dân và tư pháp nhân dân với những giá trị nhân văn, vì con người còn sáng rạng mãi cho đến ngày hôm nay. 

Lịch sử phát triển của ngành Tư pháp giai đoạn 1945-1950 có thể được phân kỳ như sau: Từ 2-9-1945 đến 24-1-1946 là giai đoạn đất nước ta nghiên cứu tổ chức tư pháp mới; từ 24-1-1946 đến 19-12-1046 là giai đoạn Tư pháp độc lập với Hành chính thông qua các quy định tại Sắc lệnh 13 và điều 69 Hiến pháp 1946; từ 19-12-46 đến 1949 là giai đoạn xây dựng Tư pháp kháng chiến với yêu cầu hạn chế nguyên tắc phân quyền hành chính và tư pháp vì sự cần thiết phải thống nhất chỉ huy bộ máy kháng chiến; giai đoạn từ năm 1950: Vận dụng, đưa lý luận Mác-Lênin về xây dựng và củng cố chính quyền chuyên chính nhân dân vào thực tiễn công tác tư pháp.

Với nhận định nền tư pháp lúc bấy giờ “tuy đã có mầm mống tính chất nhân dân, nhưng còn mang nặng tàn tích tư sản thực dân”, “ngày càng xa dân” bởi quan niệm “Tư pháp độc lập vô tư đứng trên nhân dân”, “thái độ phong kiến cho rằng tòa án là cha mẹ của dân, ban công lý cho nhân dân”, hệ thống luật lệ cũ nhất là dân luật vẫn là “phong kiến tư sản xưa, chưa hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân”, Bộ Tư pháp đã khẳng định công việc đầu tiên là phải “đả phá lập trường quan niệm phương pháp của pháp lý cũ, đưa lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn kháng chiến, theo hướng tiến của Chính quyền Dân chủ Nhân dân Việt Nam mà xây dựng nền pháp lý mới”. Bên cạnh đó, năm 1950, cùng với những thắng lợi ngoại giao, chiến dịch biên giới đã khai thông tuyến đường nối liền nước ta với các nước dân chủ, tài liệu pháp lý Liên Xô và các nước Đông Âu, Trung Hoa được phổ biến cũng góp phần tạo ra một phong trào pháp lý mới.

Hội nghị học tập tư pháp năm 1950 đã chính thức phát động phong trào tranh đấu tư tưởng, đề ra lý luận Mác-Lênin về tư pháp và pháp lý, xây dựng lý luận tư pháp và pháp lý Việt Nam căn cứ vào lý luận Mác-Lênin, căn cứ vào thực tiễn quá trình tranh đấu của nhân dân và kinh nghiệm hoạt động tư pháp. Qua Hội nghị, “lý luận Mác-Lênin sắc bén, đã giác ngộ cán bộ và phần nào đánh lùi tư tưởng thoái hóa”. Trước lời căn dặn, chỉ dậy trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị, cán bộ tư pháp đã nguyện khẩn trương “cấy những mầm non của tư tưởng pháp lý mới ấy trên nền đất của quần chúng nhân dân”./.

                                   Ths. Nguyễn Xuân Tùng

              Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp