Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ Tư pháp đã làm việc tại nhiều trụ sở khác nhau như 43 Phan Chu Trinh (43 phố Rollandes - Tòa án cai trị cũ); thôn Mới, xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang); số 5 Ông Ích Khiêm; 25A Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội); 60 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội). Bài viết này tập trung giới thiệu trụ sở làm việc Bộ Tư pháp tại 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
1. Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh Pháp
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tài liệu về trụ sở Bộ Tư pháp (60 Trần Phú Ba Đình Hà Nội) hiện còn 38 hồ sơ nằm trong các hộp từ 334 đến 340 thuộc khối tài liệu kiến trúc. Theo các tài liệu hiện có, công trình được xây dựng vào năm 1918 nhưng vì kinh phí hạn chế nên việc thi công không được liên tục.
Công năng sử dụng của công trình là một trường học (1918-1955) với tên gọi Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh Pháp (Ecole primaire supérieure des filles francaises). Toàn bộ công trình quay mặt ra các đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú), Van Vollenhoven (phố Chu Văn An), Brière de l’Isle (phố Hùng Vương) và phía sau là đại lộ Giovaninelli (phố Lê Hồng Phong). Về qui mô xây dựng thì đây là trường phổ thông lớn thứ hai ở Hà Nội, chỉ sau Lycée Albert Saraut, và được dành riêng cho các nữ học sinh người Pháp.
2. Đôi nét về kiến trúc trụ sở Bộ Tư pháp
Theo tài liệu lưu trữ, công trình này được xây theo nguyên tắc đối xứng, gồm nhiều ngôi nhà: ngay cổng đi vào cũng có chòi gác đều nhau ở hai bên (nay là 02 phòng làm việc của Phòng Bảo vệ Văn phòng Bộ).
Trên mặt bằng tổng thể, trường được hợp thành bởi khối nhà học chính ba tầng ở trung tâm, hai nhà điều hành của Hiệu trưởng và Tổng giám thị ở hai bên (nay là trụ sở Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính), được xây dựng giống như hai biệt thự ở hai phía của nhà chính theo qui luật đăng đối. Sân trường và các khu sinh hoạt ngoài trời bố trí phía sau (nay là phía nhà N6).
Nhà học chính có ba tầng (nay là nhà N1), tầng một bao gồm một chính sảnh rất rộng phù hợp với công năng đón/thoát người của một trường học lớn (nay là sảnh nhà N1). Từ chính sảnh có thể theo hai hành lang bên rộng 1,8m tới các lớp học ở hai phía, cuối các hành lang là sảnh nhỏ dùng để thoát người có bố trí cầu thang phụ được chiếu sáng bởi các cửa kính lớn ở đầu hồi nhà và khu vệ sinh. Từ sảnh chính cũng có thể lên tầng hai bằng một cầu thang lớn hình chữ T rộng tới 3,2m. Tầng hai gồm phòng nghỉ giáo viên ở giữa (có lẽ nay là vị trí của Hội trường A) và 12 lớp học được bố trí ở hai phía, các lớp học được bố trí ở một phía hành lang phía sau toà nhà và nhìn ra sân chơi (phía nhà N6). Tầng ba chỉ có ở khu trung tâm và có lẽ chỉ mang yếu tố thẩm mỹ cho mặt đứng chứ không có chức năng gì đặt biệt (nay là Phòng Lễ tân-Quan hệ công chúng Văn phòng Bộ).
Về mặt tổ hợp hình khối không gian kiến trúc thì toà nhà được bố cục theo phong cách đối xứng hoàn toàn với khối trung tâm cao ba tầng nổi bật ở giữa. Khối nhà này được trang trí khá cầu kỳ với lượng mở cửa nhỏ dần theo chiều cao, các cửa cũng được kết thúc theo qui luật cuốn vòm bán kính nhỏ dần theo phương đứng. Các họa tiết trang trí ở phần tiền sảnh, xung quanh các cửa và giữa các tầng được gia công rất tinh tế. Mái ngói bốn mặt tạo ra một đỉnh nhọn, được cấu tạo nhô ra khỏi mặt tường một khoảng cách khá lớn và được đỡ bởi một hệ công son gỗ hình tam giác mảnh. Tháp đồng hồ nhỏ cắt giữa mái mang tinh thần kiến trúc cổ điển tạo ra nét duyên dáng và độc đáo của công trình này (nay được trang trí lại là nơi đặt Quốc huy phía trước nhà N1). Hai khối phòng học bên cao hai tầng với mặt đứng được tạo thành bởi các cửa sổ phòng học kết thúc theo chiều ngang ở tầng một và cuốn vòm ở tầng hai. Các hoạ tiết quanh cửa được bố trí khá cầu kỳ và thống nhất với khối trung tâm. Mái ngói cũng được đưa ra khỏi mặt tường một khoảng cảnh lớn và được đỡ bởi hệ công son kép. Đầu hồi nhà được kết thúc bởi hệ thống cửa lấy sáng cho cầu thang theo kiểu giật cấp khá độc đáo.
Đối xứng qua trục chính của nhà học là ngôi nhà kiểu biệt thự hai tầng giống nhau hoàn toàn (nay là trụ sở Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính) với cấu trúc hành lang giữa rộng 1,8m, hai bên là các phòng làm việc, giao thông theo chiều đứng được đảm nhiệm bởi một cầu thang bố trí phía đầu hồi nhà. Để hài hoà với nhà học chính, kiến trúc của hai biệt thự này cũng có một khối nhô lên ở giữa, tiền sảnh nhô ra tạo thành một hiên nhỏ, tường và cửa được trang trí theo cùng mẫu hình với nhà chính, mái ngói vươn ra khỏi tường và được đỡ bởi hệ công son gỗ đặc biệt cầu kỳ ở khối giữa. Nét duyên dáng riêng của hai biệt thự này là có nhiều ban công trang trí bằng hệ con tiện nhô ra ở cả bốn phía.
Theo đánh giá Ths.KTS Trần Quốc Bảo, với tỷ lệ hình khối độc đáo, phương cách tổ chức mặt đứng hài hoà, các họa tiết trang trí có tính thẩm mỹ cao, trường Nữ học Pháp có thể được coi là trường học đẹp nhất ở Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp
1. Đào Thị Diến (Chủ biên): Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2010
2. Ths.KTS Trần Quốc Bảo: Kiến trúc trường học phong cách địa phương Pháp, tại http://ktshanoi.net/kien-truc-truong-hoc-phong-cach-dia-phuong-phap-o-ha-noi-.htm