Đôi nét về trụ sở Bộ Tư pháp – 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội

10/03/2015
Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1995 trụ sở Đại sứ quán thu hẹp lại và chuyển về Trụ sở cơ quan Thương vụ Liên Xô tại gần Trường Đại học Giao thông vận tải. Khi đó, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan khác đều có mong muốn  được giao quản lý, sử dụng. Một số nước cũng có ý định được thuê làm trụ sở cơ quan đại diện.

Do được thành lập lại vào năm 1981 với quy mô nhỏ bé ban đầu nên việc bố trí nơi làm trụ sở cho Bộ Tư pháp có nhiều khó khăn so với các cơ quan trung ương khác. Từ năm 1992, Bộ Tư pháp khi đó đang đóng trụ sở tại 25 A Cát Linh với khuôn viên chật hẹp, không có khả năng mở rộng tương xứng với sự phát triển của cơ quan Bộ trước yêu cầu tăng cường, mở rộng sự chỉ đạo, quản lý công tác tư pháp trong tình hình mới sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, theo đó vai trò xây dựng pháp luật, quản lý hành chính tư pháp, thi hành án dân sự được đặt lên tầm cao, đòi hỏi phải lập thêm đơn vị mới, bổ sung lực lượng cán bộ, công chức, trang thiết bị cho cơ quan Bộ Tư pháp. Nếu Bộ được giao khuôn viên 58 – 60 Trần Phú làm trụ sở thì rất phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó là ông Nguyễn Đình Lộc đã lập Tổ công tác gồm các Thứ trưởng, hầu hết các Vụ trưởng: Uông Chu Lưu, Hà Hùng Cường, Đinh Trung Tụng, Vũ Văn Tuấn… để xây dựng Đề án, Tờ trình, gặp gỡ, thuyết phục những cơ quan có thẩm quyền trong việc chuyển giao trụ sở mới là khuôn viên 58 – 60 Trần Phú cho Bộ Tư pháp.

Đích thân Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, các Thứ trưởng, Vụ trưởng gặp riêng hoặc tranh thủ gặp trong các cuộc họp với các đồng chí Lãnh đạo để nêu đề nghị. Lý lẽ, lập luận nêu ra rất đơn giản: Trụ sở hiện tại của Bộ Tư pháp, yêu cầu nâng cao vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền thì các anh đã biết quá rõ. Chúng tôi chỉ xin báo cáo là khi Nhật hoàng Minh Trị khởi sự công cuộc canh tân đất nước, Bộ đầu tiên cho lập là Bộ Tư pháp. Quần thần tấu xin ý chỉ của Vua về nơi đặt trụ sở của bản Bộ. Vua Minh Trị khoát tay: “Đặt ở đâu thì tùy. Miễn là khi mặt trời lên, ta đứng ở cổng thành thì nhìn thấy”. Vì vậy, trụ sở Bộ Tư pháp Nhật Bản đóng ở ngay trước cổng Hoàng thành như ngày nay.

Cách đặt vấn đề và ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện xứ Mặt trời mọc xem chừng rất có hiệu quả. Có lần đi họp Chính phủ về, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc hồ hởi nói: Hôm nay, cụ Khải (Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lúc đó) nói với mình: Cụ Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) đã có ý kiến nên giao trụ sở Đại sứ quán Liên Xô cũ cho Bộ Tư pháp. Vậy là các cậu có thêm một phiếu rồi nhé.

Khỏi phải nói toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp (lúc đó chưa đông như bây giờ) vui sướng, hân hoan như thế nào khi cơ quan được nhận trụ sở mới: rộng hơn, đẹp hơn, đàng hoàng hơn, gần Lăng Bác hơn, gần Quốc hội, Chính phủ hơn. Và điều có thể thấy rõ là anh em …đoàn kết hơn, gần nhau hơn! Nếu có điều kiện như bây giờ chắc chắn có liên hoan to.

Có thể nói, việc giao Bộ Tư pháp quản lý, sử dụng một trong những khu nhà đẹp nhất Thủ đô thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với công tác Tư pháp, pháp luật, đặc biệt là ước vọng xây dựng Nhà nước pháp quyền của chế độ ta.

Việc đầu tiên là phải cải tạo, tu sửa. Ban quản lý dự án do Thứ trưởng Lê Thị Thu Ba làm Trưởng ban đã làm việc cật lực, rất có hiệu quả. Bộ Xây dựng có ý kiến là không được thay đổi kiến trúc của các tòa nhà. Tuy nhiên do yêu cầu của trụ sở là nơi làm việc của cơ quan Bộ nên cần thay đổi cấu trúc bên trong. Hành lang đi lại trước đây được bố trí ở mặt trước, phía đường Trần Phú, nay được thiết kế ở phía sau, phía đường Lê Hồng Phong. Nhà N4 hiện nay được xây dựng lại, bên ngoài giống phong cách kiến trúc của ba tòa N1, N2, N3.  Trước đó tòa nhà này là nơi ở của cán bộ Đại sứ quán, được Nhà nước ta xây tặng theo kiến trúc hình hộp của thời bao cấp.

Khuôn viên trụ sở Bộ có nhiều cây đẹp, được trồng từ ngày đầu xây dựng khu nhà, phần lớn đã có tuổi thọ gần 200 năm được giữ nguyên vẹn. Hai cây Trang trắng trước sảnh nhà N1 rất hiếm thấy. Trước cổng có hai cây bách đại thụ. Tiếc rằng không gió bão gì mà bị bị đổ. Nhiều ô tô đỗ ngay giữa sân, dưới gốc cây bách mà cây ngã xuống không chạm vào chiếc ô tô nào. Giữa nhà N1 và N4 có một cây xà cừ rất to. Trong thiết kế ban đầu sẽ xây chiếc cầu nối hai tòa nhà và cây đó phải chặt bỏ. Nhưng khi tra cứu hồ sơ cây xanh tại Công ty cây xanh Hà Nội do người Pháp để lại mới biết  cây xà cừ đó đã 3 lần bị sét đánh cháy mà không chết. Vì vậy Bộ quyết định thôi không xây cầu nối, để cho cây xà cừ được sống cuộc đời của mình.

Khi cải tạo xong nhà N1, N2, N3, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị có quan hệ làm việc trực tiếp, thường xuyên với Lãnh đạo Bộ (tổ chức, văn phòng, xây dựng pháp luật …) chuyển trước. Riêng nhà N3 dành cho Vụ Hợp tác quốc tế vì khi ấy còn chuyên gia nước ngoài làm việc, cần bố trí cách biệt với các đơn vị khác của Bộ. Nhà N1 được bố trí cho Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính vì khi đó dự án Bộ luật hình sự của thời kỳ đổi mới đang bước vào giai đoạn nước rút, Lãnh đạo Bộ cần có sự làm việc thường xuyên với Vụ. Khi nhà N4 được cải tạo xong, việc bố trí nơi làm việc cho các đơn vị còn lại được hoàn tất.

Có lẽ cũng giống các cơ quan khác, nhiều cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp coi cơ quan là một phần của cuộc đời mình. Có được trụ sở đẹp, khang trang, ai cũng tự hào, hãnh diện và càng thêm nhiệt tình, thêm niềm vui để làm việc tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Trụ sở Bộ Tư pháp, từ nét đẹp kiến trúc, địa thế toát lên vẻ uy nghiêm nhưng hài hòa, đạo mạo mà gần gủi, từ ngoài nhìn vào có sự giao lưu, không có khoảng cách đối lập, khiến ai qua đường, nhất là qua đường Trần Phú, mặt tiền của cơ quan, cũng tấm tắc, trầm trồ. Người đi bộ thường dừng lại ngắm.  Và họ tưởng tượng, hy vọng về những người cán bộ đang làm việc ở bên trong…

Cùng với các tòa nhà, các bức tường bao quanh trụ sở Bộ Tư pháp được thiết kế hài hòa có chủ ý. Trước đây không có những tấm sắt chắn nên trong và ngoài có sự giao lưu vô hình. Những cột trụ dọc theo các bức tường được mô phỏng hình những người lính gác, tạo nên cảm giác uy nghiêm. Các cột trụ của hai cổng được thiết kế đơn giản, không cầu kỳ nhưng chắc chắn, vững chãi, tạo ấn tượng tin cậy, vững bền. Phải chăng đó là những “cảm xúc” về Nhà nước pháp quyền, về một nền Tư pháp nhân văn, vì con người mà chúng ta luôn mong mỏi.

Ước muốn của nhiều cán bộ, công chức của Bộ là có trụ sở mới khang trang, cần xây dựng Phòng truyền thồng để lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật của các thế hệ, là nơi chiêm nghiệm, giáo dục truyền thống, giới thiệu về đóng góp của Bộ, Ngành. Gác lầu ở tầng 3 nhà N1 nơi Đại sứ quan Liên Xô dùng làm Phòng khánh tiết được dự kiến đặt Phòng truyền thống nhưng vì thiếu nơi làm việc nên trước đây giao cho Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, nay giao Văn phòng Bộ sử dụng. Điều đáng mừng là trong Kế hoạch chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, Bộ đang xúc tiến việc xây dựng Phòng truyền thống tại nơi đó.        

Theo thiết kế được phê duyệt, trước cửa chính của Nhà N1, nơi bây giờ dựng Hòn non bộ, sẽ có bức tượng là biểu trưng của Tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc thời đó đã tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các nhà sử học, nhà nghiên cứu mỹ thuật về hình tượng, mô hình của biểu trưng này. Nhiều ý kiến đề nghị nên lấy hình ảnh vua Lê Thánh Tông, người có công kiến tạo nên vương triều hùng mạnh, người sáng tạo nên Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng.

Ước sao một ngày nào đó, khi bước vào cổng cơ quan Bộ, chúng ta được ngước nhìn Người với thanh kiếm đeo ngang lưng và Bộ luật Hồng Đức mở trên tay.

                                                             Đức Giao