Tại Lễ công bố Cuộc thi viết vinh danh Gương sáng Tư pháp được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có Thư chúc mừng Chương trình vinh danh “Gương sáng Tư pháp” năm 2015, trong đó khẳng định rõ:“Chương trình vinh danh “Gương sáng Tư pháp” có ý nghĩa thiết thực đối với việc đẩy mạnh phong trào thi đua, lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp và những ngày lễ lớn của đất nước, là hình thức ghi nhận, biểu dương những cán bộ tư pháp nỗ lực vượt khó, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp Tư pháp, đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành Tư pháp phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao; tạo sức lan tỏa và đồng thuận, ủng hộ của xã hội đối với công tác tư pháp và sự nghiệp cải cách tư pháp”.
Ngay sau khi phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các cán bộ, công chức trong và ngoài ngành Tư pháp, sự quan tâm, ủng hộ tích cực của các nhà báo và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Thể lệ Cuộc thi, đối tượng phản ánh của cuộc thi viết vinh danh “Gương sáng Tư pháp” là những người làm công tác tư pháp, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương; Những người làm công tác hòa giải cơ sở cấp thôn và cấp xã, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tuyên truyền viên thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật sư, công chứng viên, giám định viên, trọng tài viên; Cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành. Thể loại của tác phẩm dự thi có thể là phóng sự, ký sự, bài phản ánh. Nội dung tác phẩm phải phản ánh trung thực, chính xác về nhân thân, đời sống, kết quả công tác của đối tượng phản ánh. Các tác phẩm không được hư cấu hoặc đưa những thông tin không có thật về đối tượng, nhân vật được phản ánh (kể cả đối với thể loại tác phẩm dự thi là phóng sự, ký sự).
Để việc lựa chọn các nhân vật bài viết được chính xác, Báo Pháp luật Việt Nam đã báo cáo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu về phương án lựa chọn nhân vật và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã có Công văn số 644/BTP-PLVN ngày 6/3/2015 gửi các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự yêu cầu tăng cường phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tuyên truyền về công tác tư pháp địa phương. Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có Công văn và trực tiếp phân công lãnh đạo Báo tới làm việc với lãnh đạo các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự đề nghị giới thiệu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến để Báo cử phóng viên tới viết bài tuyên truyền, phục vụ Cuộc thi.
Kể từ bài viết dự thi đầu tiên được đăng tải ngày 9/3 đến hết ngày 30/6/2015, các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải được hơn 100 bài viết với các nhân vật được phản ánh hết sức đa dạng: từ cán bộ tư pháp cơ sở đến lãnh đạo các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự ở mọi tỉnh, thành trên toàn quốc (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…). Cuộc thi cũng phản ánh những tấm gương, điển hình tiên tiến trong công tác pháp chế Bộ, ngành, những người làm công tác bổ trợ tư pháp có nhiều đam mê, cống hiến (Pháp chế Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Giám định pháp y, Luật sư, Công chứng…).
Để việc bình chọn “Gương sáng Tư pháp” năm 2015 được khách quan và chính xác, Hội đồng bình chọn “Gương sáng Tư pháp” với sự tham gia của các thành viên gồm: đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ Thi đua khen thưởng, Cục Trợ giúp pháp lý, Văn phòng Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Chuyên viên cao cấp Dương Thị Thanh Mai ...đã tổ chức nhiều cuộc họp công tâm và khách quan để đánh giá và thống nhất lựa chọn 30 gương sáng tư pháp trình Bộ Tư pháp xem xét, quyết định trước khi Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vinh danh.
Theo đó, 30 gương sáng tư pháp được lựa chọn là những người có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Tư pháp. Đó là các lãnh đạo ngành Tư pháp đã nghỉ hưu, các giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Thi hành án dân sự, các giám định viên, luật sư, công chứng, các tổ chức pháp chế bộ, ngành… Đặc biệt, trong 30 gương sáng tư pháp được lựa chọn có nhiều cán bộ làm những công việc hết sức bình lặng ở cơ sở như tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, các già làng, trưởng bản, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện, xã…
Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã xem xét khách quan và quyết định trao giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích) cho 16 tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi.
Theo Kế hoạch, Lễ Vinh danh Gương sáng Tư pháp năm 2015 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 16/7 nhân dịp Báo Pháp luật Việt Nam kỷ niệm 30 năm Ngày xuất bản số đầu tiên (10/7/1985 – 10/7/2015). Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng thông báo kết quả Cuộc thi và cảm ơn sự dõi theo, quan tâm, ủng hộ Cuộc thi của bạn đọc gần xa.
Báo Pháp luật Việt Nam
Danh sách 30 Gương sáng Tư pháp được Hội đồng Bình chọn
STT |
Họ tên |
Nơi công tác/Chức vụ |
· 1 |
Ông Nguyễn Đức Chính |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp |
· 2 |
Ông Nguyễn Văn Lực |
Cục trưởng THADS Tp. Hồ Chí Minh |
· 3 |
Ông Ngụy Văn Nam |
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh |
· 4 |
Bà Nguyễn Thị Thu Vân |
Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng |
· 5 |
Ông Huỳnh Quốc Lâm |
Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ |
· 6 |
Ông Nguyễn Thanh Reo |
Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau |
· 7 |
Ông Huỳnh Văn Thu |
Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang |
· 8 |
Ông Huỳnh Thanh |
Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang |
· 9 |
Bà Bùi Thị Lệ Thủy |
Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi. |
· 10 |
Ông Nguyễn Bá Sơn |
Chánh thanh tra thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng |
· 11 |
Bà Nguyễn Thị Thược |
Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang |
· 12 |
Bà Đặng Hoàng Oanh |
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế
|
· 13 |
Luật sư Thomas J. Treutler |
Luật sư của Chi nhánh Tilleke & Gibbins |
· 14 |
Luật sư Trương Thanh Đức
|
Chủ tịch HĐTV Cty Luật BASICO |
· 15 |
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp |
Luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội |
· 16 |
Luật sư Trịnh Văn Quyết
|
Chủ tịch tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Công ty Luật Smic |
· 17 |
Ông Ngô Hường Dũng |
Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Pháp y Quốc gia |
· 18 |
Bà Đinh Thị Duyên |
Giám định viên pháp y Lào Cai |
· 19 |
Ông Chu Văn Khanh |
Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội |
· 20 |
Bà Y Bông |
Cán bộ tư pháp hộ tịch xã Ngok Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
|
· 21 |
Già làng Nay Tơr |
buôn Ama H’ra, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai |
· 22 |
Bà Trần Thị Kim Hoàng |
công chức tư pháp – hộ tịch xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa |
· 23 |
Bà Nguyễn Kim Phượng |
Cán bộ tư pháp- hộ tịch UBND phường 8 (Quận Phú Nhuận, TP.HCM). |
· 24 |
Ông Đoàn Trọng Hà |
Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghĩa Hưng, Nam Định |
· 25 |
Ông Nguyễn Hồng Lai |
Trưởng phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. |
· 26 |
Bà Lý Thị Rơi |
Cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã Na Hỳ, Nậm Pồ, Điện Biên |
· 27 |
Ông Đinh Hoàng Anh |
Cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình |
· 28 |
Ông Hoa Văn Tải |
Cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng |
· 29 |
Ông Nguyễn Văn Dừa |
Trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức, Long An |
· 30 |
Ông Trương Văn Hoàng |
Cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã Tân Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng |
|
Danh sách các tác giả, tác phẩm đạt giải
Giải Nhất: Tác phẩm “Người có công lớn đưa chế định Thừa phát lại vào cuộc sống”. Tác giả: Ngọc Mai.
2 giải Nhì:
- Tác phẩm: “Luật sư Trịnh Văn Quyết: Người truyền lửa”. Tác giả: Thanh Lương.
- Tác phẩm: “Nữ Vụ trưởng Hợp tác quốc tế nhiều sáng kiến”. Tác giả: Hồng Thúy.
3 giải Ba:
- Tác phẩm: “Người phổ luật thành nhạc trên cao nguyên”. Tác giả: Trương Phúc Ân.
- Tác phẩm: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn pháp y”. Tác giả: Hồng Minh.
- Tác phẩm: “Người đưa pháp luật về vùng chân sóng”. Tác giả: Lê Huy Công.
10 giải Khuyến khích:
- Tác phẩm “Tấm gương hướng về biển đảo quê hương”. Tác giả: Hoàng An.
- Tác phẩm: “Một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực”. Tác giả: Đỗ Văn Nhân.
- Tác phẩm: “Cháy hết mình với Tư pháp Sóc Trăng”. Tác giả: Quang Ngọc – Hà Vy.
- Tác phẩm: “Đại sứ” hòa giải của hàng ngàn đương sự”. Tác giả: Mai Long.
- Tác phẩm: “Nữ cán bộ tư pháp người Khơ Mú hết mình với công việc”. Tác giả: Tạ Quang Đạo.
- Tác phẩm: “Người biến tư pháp thành “đặc sản” trên đất cò Thanh Miện”. Tác giả: Đinh Luyện.
- Tác phẩm: “Người Cục trưởng 30 năm gắn bó với nghề”. Tác giả: Bình An.
- Tác phẩm: “Ngọn đuốc” sáng dãy Giăng Màn. Tác giả: Trần Nguyên Phong.
- Tác phẩm: “Người có nhiều sáng kiến đột phá cho ngành Tư pháp”. Tác giả: Lê Minh Hùng.
- Tác phẩm: “Già làng Nay Tơr tận tâm với công tác phổ biến pháp luật”. Tác giả: Hoàng Cư. |