Một cán bộ tư pháp vùng cao bám bản, bám dân

07/05/2015
Mới ngày nào, chàng trai người dân tộc Giáy Nùng Minh Sưởng (SN 1982) còn bỡ ngỡ với những công việc phải làm của một cán bộ tư pháp: viết một tờ giấy khai sinh, khai đăng ký kết hôn cho người dân như thế nào cho “chuẩn” anh cũng phải chạy đi chạy lại hỏi người tiền nhiệm… Thấm thoát đã hơn 10 năm, giờ Nùng Minh Sưởng đã là một cán bộ tư pháp được bà con xã Nậm Pan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tin yêu.

 

Cán bộ nói tiếng dân tộc mình, đồng bào mừng

Là một người con của xã Nậm Pan nên Sưởng có nhiều lợi thế khi bắt đầu công việc. Anh hiểu được ngôn ngữ, phong tục và thói quen sinh hoạt của mọi người. Nhưng vì xã có nhiều người dân tộc thiểu số nên Sưởng phải học hầu hết các tiếng của từng dân tộc một. Đến giờ anh có thể cùng lúc đối thoại với người Mông, người Tày, người Giáy nên chuyện tuyên truyền hiểu biết pháp luật luôn dễ dàng, thuận tiện.

Cũng giống như nhiều cán bộ cơ sở vùng cao khác, khó khăn nhất với Sưởng là những chuyến đi tuyên truyền vào tận thôn, bản. Đường vào thôn, bản đa phần là đường đất, không phải đất thì là những đường đá tai mèo lởm chởm, đi xe máy không được, đạp xe cũng không xong, anh phải đi bộ cả 14-15 cây số mới vào được đến nơi. Có nhiều hôm tuyên truyền xong, vài người lại có những câu hỏi cụ thể, Sưởng phải ở lại giải đáp cặn kẽ cho từng người, đến lúc ngẩng mặt lên thì đã 8 giờ tối. Lại lặn lội đi ra, về đến nhà đã quá nửa đêm…

Một kỷ niệm “nhớ đời” với anh là ngày mới đầu làm công tác tư pháp, anh dùng tiếng phổ thông nên bị dân …la ó dữ dội. Thế là anh lại tự phiên dịch thành 2-3 thứ tiếng khác. Mỗi khi thấy cán bộ nói tiếng dân tộc mình, đồng bào mừng lắm, lắng nghe rất chăm chú. Hiểu được lòng dân nên mỗi lần đi cơ sở, anh luôn phải dành thời gian gấp đôi, gấp ba để… chuyển ngữ, giúp công tác tuyên truyền hiệu quả hơn. Cũng nhiều khi gặp phải “ca khó”, nhất là trong công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là trong những vụ mâu thuẫn vợ chồng. Sưởng kể, anh đã từng tham gia hòa giải thành một vụ khá khó khăn vì người chồng luôn tỏ ra rất thành ý mỗi khi cán bộ cơ sở đến nói chuyện. Nhưng chỉ được 2-3 hôm rồi đâu lại vào đấy. Anh kiên trì cùng cán bộ cơ sở đi lại đến cả chục lần để vận động, thuyết phục vẫn không mang lại kết quả, chuyện vẫn ra đến tận xã khiến cán bộ xã cũng “lòng như lửa đốt”. Rút kinh nghiệm, đến lần hòa giải thứ 11, Sưởng không mời họ vào hội trường thôn nói chuyện mà đích thân đến tận nhà họ, kiên nhẫn ở lại địa bàn vài ngày chứng kiến cách sống của hai người, rồi loanh quanh hàng xóm lân cận để tìm hiểu thêm và dùng cách nói chuyện gần gũi, dễ chịu và xác đáng nhất để họ hiểu ra. Sau lần hòa giải quyết liệt này, vừa làm việc ở xã, Sưởng vẫn mong ngóng về thôn ấy để nghe ngóng.. 3 ngày đã qua, 5 ngày rồi 10 ngày qua đi mà không thấy có điều tiếng gì từ đôi vợ chồng ấy nữa anh mới yên tâm giải quyết tiếp những vụ việc khó khăn khác.

… đến những trăn trở khôn nguôi

Nùng Minh Sưởng tâm sự, trong hơn 10 năm làm cán bộ tư pháp cơ sở (từ năm 2003 đến nay), việc giải quyết một vụ hôn nhân cận huyết xảy ra vào năm 2012 luôn ám ảnh anh. Anh kể, khi phát hiện ra trường hợp này, việc đầu tiên anh làm là qua nhà bố mẹ hai bên nói chuyện cho họ hiểu và mong họ cùng anh thuyết phục đôi vợ chồng ấy. Được bố mẹ hai bên ủng hộ, anh liên tục qua lại nói chuyện, giải thích. Giải thích không được, Sưởng và đội tuyên truyền cơ sở yêu cầu họ chấm dứt quan hệ thì họ quay sang… “ghét” cán bộ. Khi vừa ra văn bản yêu cầu họ không được ở với nhau thì họ quyết định cắt khẩu, chuyển khỏi địa bàn xã, sang xã khác để Sưởng không thể can thiệp được nữa. Trước khi chuyển nhà đi họ còn đi bêu riếu khắp nơi rằng, ở Nậm Pan cán bộ hạch sách ghê quá nên họ không ở được.

Anh bảo, đến giờ này, anh vẫn không biết mình sai ở đâu. Đôi vợ chồng ấy là họ hàng bên ngoại của Sưởng nên sau khi sự việc xảy ra, họ quay sang ghét luôn cả mẹ Sưởng. Thậm chí, đi ăn đám cưới mà nhìn thấy anh và gia đình ngồi ở đâu là họ tránh mặt ngồi ra chỗ khác… Anh tâm sự: “Cũng đau lắm nhưng đành chịu vì mình không làm gì sai”.

Ở xã Nậm Pan, số lượng đồng bào dân tộc Mông khá nhiều. Những thói quen sinh hoạt từ tục thách cưới, tục kéo vợ đến ma chay của đồng bào Mông thực sự khiến Sưởng và những cán bộ tư pháp ở huyện Mèo Vạc trăn trở nhiều. Hầu hết nhà gái thách cưới khoảng gần 1 tạ thịt, rượu cả 200 lít, thêm khoảng 5-6 triệu đồng tiền mặt… Rồi những đám ma làm cả tuần, mổ tới hơn chục con bò, chưa kể dê, lợn và tiền chi cho thầy cúng cả 6-7 triệu đồng… Mỗi lần vào bản gặp dân nói câu chuyện lãng phí này và lên tiếng muốn thay đổi, Sưởng đều gặp sự phản ứng của dân bản, họ bảo “là phong tục tập quán từ bao nhiêu đời nay, đổi sao được”. Nhưng rồi Sưởng luôn nghĩ, đồng bào Mông vất vả làm lụng cả đời, chỉ 1-2 đám cưới, ma chay là cả tài sản đi hết nên Sưởng đã cùng trưởng thôn, cán bộ phụ nữ… vận động để dân hiểu ra, xây dựng hương ước để bà con tránh được sự lãng phí…

Bây giờ, tục thách cưới đã mất hẳn, thời gian làm đám hiếu cũng đã giảm một nửa nhưng việc phúng viếng bằng cả con bò, con dê, con lợn vẫn còn... Sưởng tâm sự “Anh em cán bộ thôn xóm cũng ủng hộ cán bộ xã hết mình nhưng vướng cái khó vì đồng bào Mông nghĩa khí lắm, vay là trả. Họ luôn cho rằng, trước đấy người ta viếng bố mình con bò, không nhẽ bây giờ chỉ viếng phong bì. Cứ trả nợ đồng lần như thế này thành ra việc vận động bỏ viếng đám hiếu bằng con gia súc rất khó khăn”…

Những trăn trở của Sưởng luôn được anh Nguyễn Văn Hinh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mèo Vạc chia sẻ. Anh Hinh cho biết, Nùng Minh Sưởng nắm rất rõ tình hình địa bàn, cũng nhiều lần nói chuyện với anh về những trăn trở muốn làm cho đồng bào Mông ở Nậm Pan và anh rất ủng hộ nhưng quả thực, để thay đổi được  tập tục của họ không hề dễ dàng… Đó có lẽ là trăn trở không nguôi trong suy nghĩ của anh Nùng Minh Sưởng và những cán bộ tư pháp cơ sở ở vùng cao Mèo Vạc, Hà Giang này.

Huỳnh Phi