Người nặng tình với công tác tư pháp

07/05/2015
Người nặng tình với công tác tư pháp
Ở thành phố Hồ Chí Minh có cả ngàn cán bộ tư pháp, từ xã, phường đến quận, huyện, thị trấn nhưng chị Ung Thị Xuân Hương, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, nay là Chánh án Tòa án nhân dân TP là một “cán bộ tư pháp đặc biệt” bởi chị có cách làm việc nhanh nhẹn, sáng tạo, được nhân dân và đồng nghiệp tin yêu.

Hoạt động tư pháp như đã là máu thịt rồi”

Tháng 10/2014, nghe tin chị Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người vừa mừng, vừa tiếc. Mừng vì chị đã được tin tưởng bổ nhiệm vào một cương vị mới với nhiệm vụ mới rất quan trọng và nặng nề. Tiếc là tiếc một cán bộ tư pháp năng động, đã gắn bó 25 năm với công tác tư pháp, có nhiều đóng góp với Ngành, nay chuyển sang một hướng đi mới. Biết nhiều anh em có tâm tư luyến tiếc, chị chỉ nhẹ nhàng tâm sự: “25 năm gắn bó với Ngành, với mình, hoạt động tư pháp như đã là máu thịt rồi”…

Tốt nghiệp Đại học Luật năm 1988, sự nghiệp tư pháp của chị Ung Thị Xuân Hương bắt đầu từ Trường Cán bộ pháp lý thuộc Sở Tư pháp TPHCM. Năm 1996, chị chuyển về Sở Tư pháp TPHCM làm công tác văn bản, đến năm 2008 được tin tưởng  bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Tư pháp và mới đây là Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM.

Chị tâm sự: Làm công tác tư pháp 25 năm, một trong những tâm đắc của chị là vấn đề thực hiện quy chế liên thông trong công tác hộ tịch, đến nay đã nhân rộng ra trong cả nước. Hoặc công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp nay đã có nhiều bước tiến đáng kể. Cụ thể như thông báo kết quả bằng tin nhắn, trả kết quả đến tận nhà dân thông qua dịch vụ bưu điện. Tuy việc làm rất nhỏ nhưng đem lại nhiều lợi ích cho dân. Theo chị biết, sắp tới đây Sở cũng sẽ có hướng đề xuất cho người dân được ủy quyền đi xin cấp lý lịch tư pháp nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc nhiều người dân ở xa, điều kiện đi lại khó khăn.

Hồi còn ở Sở Tư pháp TPHCM, chị rất tâm huyết với vai trò là người “gác cửa” cho UBND TPHCM về các vấn đề văn bản quy phạm pháp luật, góp ý công tác cải cách thủ tục hành chính, tham mưu cho Ủy ban trong việc ban hành các Quyết định hành chính. Kể từ tháng 10/2014, khi chuyển đổi sang vị trí mới, do môi trường công tác mới, tính chất công việc khó khăn hơn nên chị phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Chị chia sẻ: “Tòa án  là cơ quan tố tụng, áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể, từng con người cụ thể nên áp lực khá lớn. Nếu áp dụng không đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dễ để lại hậu quả khó lường nên phải rất thận trọng”. Thêm vào đó, TAND TPHCM là cơ quan quản lý Tòa 2 cấp (cấp quận, huyện và Thành phố) với nhân sự hơn 1.400 con người nên chị không khỏi lo lắng. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu đảm nhận công việc mới, chị đã đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ và chú trọng thực hiện công tác cải cách tư pháp.

Luôn quan niệm phải vì cái chung

Nói về vị trí hiện tại với vai trò là Chánh án, chị chia sẻ: “Qua gần 6 tháng tiếp nhận công việc mới, bước đầu có khó khăn, có lo ngại nhưng tôi luôn quan niệm mình làm vì cái chung, vì tập thể, làm bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình nên được anh em hỗ trợ rất nhiều và rất tích cực. Tôi cũng luôn dặn mình cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm, làm gì cái tâm cũng phải trong sáng, có vậy mới thuyết phục được mọi người”.  

Nói về chị Ung Thị Xuân Hương, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TPHCM tâm sự: “Chị Hương là một lãnh đạo rất có tâm, có tầm, chịu khó nghiên cứu, có khả năng tập hợp cán bộ, rất thương và chăm lo cho cán bộ dưới quyền, phương pháp làm việc nhẹ nhàng, thuyết phục”. Còn anh Nguyễn Thành Băng, Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp,Sở Tư pháp TPHCM thì quả quyết: “Chị Hương là người có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn vững vàng, luôn quan tâm đến đời sống của anh em. Chị Hương cũng có phương pháp làm việc khoa học, mềm mỏng trong công tác xử lý cán bộ, linh hoạt nhưng rất cương quyết”.

TPHCM là địa phương có lượng án lớn chiếm 1/7 lượng án cả nước, đa số là án lớn, án nhạy cảm, phức tạp, nên dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu của chị Ung Thị Xuân Hương bây giờ là cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm đến mức thấp nhất lượng án quá hạn, án tạm đình chỉ, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu xét xử các loại án mà Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra, tăng cường nâng cao lối sống, đào tạo bồi dưỡng chính trị cho cán bộ công chức để thực hiện lời dạy của Bác về “Phụng công thủ pháp/Chí công vô tư”.

Công việc nhiều áp lực là thế nhưng về nhà, chị vẫn là người vợ hiền, người mẹ đảm đang. Quên đi gánh nặng công việc, chị cười chia sẻ “Mình vừa mới lên chức bà nội”. Và mỗi khi về nhà, gác lại mọi công việc, chị lại là người phụ nữ dịu dàng, tất bật chăm sóc từng bữa ăn cho gia đình.

Hà Phương Thảo

Với thâm niên và những đóng góp trong 25 năm hoạt động trong ngành Tư pháp, chị Ung Thị Xuân Hương nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp; được UBND TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị cũng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.