Bám sát địa bàn, bí quyết giảm án tồn đọng ở Phù Yên

06/05/2015
Bám sát địa bàn, bí quyết giảm án tồn đọng ở Phù Yên
Là huyện nghèo, nhiều dân tộc, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân hạn chế, trong khi các vụ việc có tính chất phức tạp, đặc biệt là án ma túy rất khó thi hành ngày càng gia tăng…Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, THA dân sự (THADS) huyện Phù Yên, Sơn La luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đề cao vận động, thuyết phục trong THA

Hằng năm, lượng án ma túy phải thi hành ở Sơn La nói chung, Phù Yên nói riêng đều rất lớn. Án ma túy nhiều đồng nghĩa với việc thi hành hết sức khó khăn, khả năng tồn đọng lớn do các đối tượng phải thụ hình trong trại cải tạo không có tài sản. Thực tế nhiều vụ việc, kể cả đối tượng đã ra tù không trở về địa phương hoặc về nhưng không có nghề nghiệp, thu nhập, sống phụ thuộc vào gia đình nên không thể THA. Điều này tạo cho các chấp hành viên, cán bộ THA áp lực rất lớn khi chỉ tiêu THA hằng năm vẫn được giao đến tận cấp cơ sở.

“THA không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không biết tranh thủ sự quan tâm vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương”, Chi cục trưởng Chi cục THADS Phù Yên Nguyễn Văn Phú mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Xác định rõ vấn đề này, Chi cục đã chủ động tham mưu cho Ban thường vụ huyện uỷ ban hành chỉ thị về tăng cường công tác THADS trên địa bàn. Đây là cơ sở để Ban chỉ đạo THA huyện; các cơ quan ban ngành; cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong toàn huyện cụ thể hoá thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS khi triển khai kế hoạch THA cao điểm giải quyết án tồn đọng, án về ma tuý.

Chi cục cũng tham mưu giúp Trưởng ban chỉ đạo THADS - Chủ tịch UBND huyện duy trì tốt hoạt động thường xuyên các thành viên của Ban chỉ đạo. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, đặc biệt kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc như giải thích án tuyên không rõ, khó thi hành, yêu cầu khấu trừ tiền, thu nhập của người phải THA ở các tổ chức tín dụng, cơ quan chi trả lương, thu nhập. Đặc biệt, thống nhất để thi hành các vụ án khó, phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Địa bàn rộng với 27 xã, thị trấn, nếu chỉ mình THA sẽ không thể “vươn” tới từng thôn bản, trong khi mọi thông tin về tài sản cũng như di biến động của người phải THA “nằm” trong tay chính quyền cơ sở. Do đó, Chi cục THADS Phù Yên luôn chủ động phối hợp, cung cấp thông tin với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, kể cả các già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ , các tổ chức đoàn thể nơi có đối tượng phải THA cư trú. “Việc này ngoài giúp THA có thông tin về đối tượng còn thắt chặt hơn mối quan hệ giữa THA với chính quyền cơ sở, qua đó phối hợp để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động họ THA, kể cả trong trường hợp phải cưỡng chế cũng tạo sự đồng thuận cao”, anh Phú chia sẻ.

Lại nói đến công tác vận động THA. Đây là việc làm vô cùng khó khăn phức tạp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhận thức của bà con rất hạn chế như Phù Yên. Việc vận động THA cũng đòi hỏi chấp hành viên, thư ký phải nắm vững diễn tiến vụ việc cũng như phải có kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục để người phải THA tự nguyện thi hành. Bên cạnh đó, THADS cũng phải giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, thi hành phần nghĩa vụ dân sự sẽ là một điều kiện xét  đặc xá tha tù. Không chỉ giải thích pháp luật về THA, trong các chuyến đi cơ sở, tiếp xúc với dân, cán bộ, Chấp hành viên THADS Phù Yên luôn nỗ lực tuyên truyền pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số như: Nhà nước ngăn cấm, bài trừ việc thách cưới, nhận tiền lễ vật, tổ chức cưới xin linh đình (đây là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn xung đột lớn trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số khi THA chia tài sản trong ly hôn); quyền lợi của cha, mẹ đối với con cái trong các vụ việc giao con chưa thành niên (vấn đề nan giải khi THA các vụ việc đối với đồng bào vùng cao mà xuất phát từ phong tục, tập quán)…

Cần có cơ chế thu hút nhân tài

Cùng với các giải pháp về chuyên môn, ở Chi cục Phù Yên, điểm mạnh là công tác cán bộ. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Chi cục luôn đề cao phương châm kiên trì bồi dưỡng, hướng dẫn, động viên khuyến khích anh em vượt khó đi lên; luôn tạo điều kiện cho anh em nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn; Trong công việc, ngoài bố trí đúng sở trường, năng lực thì “người biết bảo người chưa biết, người biết nhiều bảo người biết ít, từ đó khích lệ lòng yêu ngành, yêu nghề tâm huyết với công việc, và tính tự giác, sáng tạo trong thi hành nhiệm vụ”.

Đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả THADS ở Phù Yên những năm gần đây đều đạt tỷ lệ cao về việc và tiền, hạn chế thấp nhất án tồn đọng. Năm 2014, Chi cục THADS Phù Yên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2013 được Bộ trưởng Tư pháp tặng bằng khen, nhiều năm liền được công nhận tập thể lao động xuất sắc… Nhận xét về Chi cục, ông Nguyễn Ngọc Hải, Cục trưởng Cục THADS Sơn La đánh giá “đây là đơn vị có nhiều sáng kiến, trong công tác chuyên môn luôn đạt kết quả tốt. Anh em nỗ lực, đoàn kết và đạt nhiều thành tích rất đáng ghi nhận”.

Tuy nhiên, trăn trở của Chi cục trưởng Nguyễn Văn Phú thì hiện nay cơ chế chính sách chưa thật sự mền dẻo, chưa đủ để thu hút được những nguồn lực con người; chưa cho phép xác minh tài sản nhanh, chính xác, kịp thời mà đây lại là khâu quyết định đến thành công việc tổ chức thi hành. Luật THADS ra đời đã nâng tầm cơ bản cho hệ thống cơ quan THA. Tuy nhiên với tích chất phức tạp, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm thì cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn nữa các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời có chế độ đãi ngộ tương xứng với nghề nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt đối với các địa bàn vùng núi còn nhiều khó khăn như Phù Yên.

Thu Hằng