Lãnh đạo trẻ nhất ngành Thi hành án
Sinh năm 1966 nhưng có đến 22 năm công tác ở ngành THADS, có nghĩa là nếu tính tỉ lệ thì Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đến nay đã gần nửa đời gắn bó với công tác THA. Tháng 7/1993, công tác THADS được chuyển giao từ TAND sang cơ quan của Chính phủ, đó cũng là thời điểm ông Lực bước chân vào nghề. Ngay từ thời còn ở An Giang, chấp hành viên (CHV) trẻ Nguyễn Văn Lực đã “toả sáng” trong công tác THADS ở địa phương. Sau 2 năm vào nghề, ông Lực đã được bổ nhiệm Phó trưởng phòng THA tỉnh An Giang, 5 năm sau là Trưởng phòng THA tỉnh. Năm đó, ông Lực mới 35 tuổi, là Trưởng phòng THA trẻ nhất lúc bấy giờ.
Trẻ, nhưng hoàn toàn không yếu nghề, non tay. Trong suốt 10 năm hoạt động tại Phòng THADS An Giang, kinh qua từ CHV đến lãnh đạo, ông Lực luôn được đánh giá là một cán bộ cực kì năng động, đã đưa ra nhiều ý tưởng hay và khả thi để đưa THADS địa phương ngày một đi lên. Những hành động mạnh mẽ của ông lúc bấy giờ mang tính chất quyết định, làm tiền đề cho tương lai của THADS tỉnh An Giang về sau: Kiện toàn tổ chức cán bộ; Chia phòng THA thành nhiều bộ phận (Văn phòng, Nghiệp vụ, Tài chính – Án khiếu nại) và cử cán bộ có năng lực phụ trách từng bộ phận. Đây chính là tiền thân của các phòng chuyên môn Cục THADS hiện nay. Bên cạnh đó, chính tay ông đã tổ chức các đội THA lưu động; phối hợp với UBND huyện tổ chức các đội THA cuốn chiếu ở từng xã. Kết quả của những năm ông làm công tác THA tại An Giang là công tác THA tại địa phương này có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vụ tồn đọng kéo dài được tháo gỡ. Năm cuối cùng ông Lực đương nhiệm lãnh đạo THADS An Giang, Phòng THADS An Giang đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh, và lần đầu tiên, Phòng được vinh dự nhận cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp.
Mốc lớn trong sự nghiệp của ông được đánh dấu ở thời điểm ông nhận nhiệm vụ lãnh đạo Cục THADS TPHCM vào năm 2006. Phải nhắc lại, thời điểm 2006 – 2007 là khoảng thời gian cực kì khó khăn của THADS TP.HCM, khi xảy ra vụ án Epco Minh Phụng, không ít chấp hành viên bị liên đới, bắt giữ. Đó là lúc lòng người rối ren, hoang mang nhất. Không ít người lần lượt rời ngành. Đứng trước “mớ bòng bong” ấy, ông Lực, khi ấy tuổi vẫn còn khá trẻ, cũng có chút nản lòng, có chút ý nghĩ thoái lui. Thế nhưng, cũng vì sức trẻ “dám làm”, cộng với sự động viên của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thành phố, ông quyết tâm nhận nhiệm vụ.
Với con mắt “nhà nghề” của một người có năng lực lãnh đạo, ông biết, trước hết, phải biết làm yên lòng người. Hàng loạt đối sách đã được đưa ra, từ việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, mạnh dạn giao việc, giao quyền hạn cho cán bộ có triển vọng, rồi bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ làm trưởng, phó các Chi cục ở các quận, huyện… Đó là những việc trước nay ít ai dám làm. Cùng với đó là việc củng cố tư tưởng, động viên, khích lệ anh em, tăng tính đoàn kết nội bộ và tạo môi trường làm việc tốt… Tất cả những nỗ lực của ông đã được bù đắp, đội ngũ THA ngày một mạnh lên, ổn định dần.
Nhớ lại năm 2008, có lần, Cục THADS TP tuyển dụng, chỉ tiêu 60 người, thế mà mãi cũng chỉ có 20 người ứng tuyển. Người trong Cục thì đi hàng loạt, họ xin sang ngân hàng và các công ty lớn. Còn mới đây, trong một đợt tuyển dụng của Cục, thì yêu cầu tuyển là 25 người, thế mà đến hơn 300 hồ sơ nộp vào, nghĩa là một chọi hơn 10. Số chấp hành viên hiện tăng 3 lần so với trước. Và nữa, những năm gần đây, hàng loạt những người cũ đã ra đi, nay khẩn thiết mong muốn quay về… Một ví dụ cụ thể để thấy rằng, sau chưa đầy 10 năm Cục THADS TP dưới sự lãnh đạo của Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã đổi thay ra sao, và trở thành môi trường làm việc tốt như thế nào.
Tất nhiên, kiện toàn bộ máy, giữ yên lòng người chỉ là một trong những kết quả đẹp của Cục THADS TP. Cái hay, ông Lực là một người khá trẻ so với các lớp lãnh đạo Cục THA, nhưng về tuổi nghề thì không kém phần dày dạn. Bản lĩnh không thiếu, mà sáng tạo cũng không ít. Thế nên, người ta thấy THADS TP. Hồ Chí Minh liên tục có những hoạt động hiệu quả, như tham mưu cho Thành uỷ, UBND ban hành các chỉ đạo về công tác THA, biệt phái CHV đến hỗ trợ các đơn vị án nhiều trong và ngoài TP, tổ chức cho CHV đối thoại với người dân, đối thoại với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng… Cũng nhờ tinh thần trẻ, giỏi xoay sở mà ông đã nghĩ ra cách trình TP Đề án thuê 60 sinh viên làm công tác văn bản từ năm 2004 đến nay, “giải tỏa” bao cái khó về con người cho THADS TP.
Làm nghề ở chiều sâu
Với Cục trưởng Nguyễn Văn Lực, đã sống thì phải sống hết mình, còn trong công việc, đã làm thì phải làm ở chiều sâu. Ông đem đến cho công tác THADS những nơi ông phụ trách những luồng gió mới mẻ và những thành tích tốt đẹp, và ông cũng chia sẻ rằng, nghề THA cũng giúp ông trưởng thành, dạy ông rất nhiều điều hay.
Hồi bước chân vào nghề, bỡ ngỡ, cũng như nhiều người chưa hiểu, ông đơn giản nghĩ, THA là “thiên lôi”, chỉ đâu đánh đó. Nhưng dần dần, ông ngộ ra rằng, THA là một nghề đòi hỏi nhiều thứ, trong đó không chỉ có nghiệp vụ, có am hiểu luật, mà phải làm nghề một cách sâu sắc, biết vận dụng cả cái đầu và trái tim. Những câu chuyện từng trải qua từ khi còn là CHV cho đến lúc trở thành lãnh đạo, mỗi một chuyện đều để lại cho ông những bài học làm thay đổi tư duy. Đặc biệt là những kỉ niệm đẹp khi ông làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó là chuyện một bà cụ đã “làm dữ” ở Cục THA vì hiểu lầm chức năng của THA. Tìm hiểu sự việc, ông được biết, do người dân thì chưa hiểu biết, còn CHV thì do thiếu thời gian, đã cắt ngang lời của đương sự. Người phải THA bức xúc, sang THA trình bày, mà cán bộ lại không khéo léo nên mới ra cớ sự. Thế là, ông nhẫn nại lắng nghe bà cụ nói, rồi lựa cách giải thích dễ hiểu nhất, rằng sự phân công công việc nhà nước cũng như chuyện nhà của cụ, con mỗi đứa một việc, đứa rửa bát, đứa nấu cơm… THA làm những việc trong phạm vi của mình, còn khiếu nại của cụ, phải đến Toà án mới giải quyết được. Hiểu ra, bà cụ cứ nhắc đi nhắc lại: “Nông dân chúng tôi chả hiểu biết mà cán bộ cứ cầm quyển luật đọc tới đọc lui, có biết gì đâu, phải cán bộ nào tiếp dân cũng biết lắng nghe và tận tình giải thích như chú, thì tui bức xúc làm gì!”
Một kỉ niệm khác ông nhớ mãi là vụ việc THA chia thừa kế giữa các anh chị em trong 1 gia đình, tài sản là căn nhà cha mẹ để lại. Người em út nhận nhà, nhưng quá khó khăn không có tiền nộp lại để trả cho các anh chị. Gia đình lại chuẩn bị xào xáo. Ông Lực đã kiên trì động viên, phân tích các thành viên trong gia đình, biết thông cảm cho hoàn cảnh của em út, để cho em trả dần, như thế mới bảo đảm giữ lại được căn nhà thờ cúng cha mẹ, cha mẹ nơi suối vàng an lòng, mà anh em có nơi để gặp gỡ đoàn viên… Vừa nói về lý, vừa lấy cái tình ra để thuyết phục, cuối cùng, họ cũng hiểu ra, nhận lời cho em út được nhận nhà và trả tiền dần dần. Anh em lại vui vẻ, hoà thuận, từ đó, mỗi lần giỗ chạp, họ đều mời ông Lực như một khách mời danh dự của gia đình.
Cũng bởi hiểu rằng, không phải người trong ngành nào cũng nhận thức THA không phải là một nghề “chỉ đâu đánh đó” mà cần phải có khối óc tỉnh táo, trái tim nhân hậu, nên ông đã tham gia công tác giảng dạy, nhằm góp phần thay đổi, hoàn thiện tư duy các lớp cán bộ THA. Nhiều năm nay, ông là giảng viên thỉnh giảng quen thuộc cho các lớp đào tạo cán bộ THA của Học viện Tư pháp và các trường đào tạo trong Nam, ngoài Bắc. Điều làm nhiều người nể hơn nữa, phụ trách địa bàn bận rộn, nhiều sáng tạo, lại đi giảng dạy, mà ông còn dành thời gian để học hỏi không ngừng, năm 2013, ông bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ Luật học tại trường ĐH Luật TP.HCM, được trường tuyển thẳng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Có thể nói, sự nghiệp của Cục trưởng Nguyễn Văn Lực là một sự nghiệp đầy nhiệt huyết, sôi nổi và nhiều thành tựu. Cho đến nay, dường như ông vẫn giữ được những năng lượng như thời tuổi trẻ mới bước vào nghề, có chăng là trải nghiệm, bản lĩnh ngày càng sâu sắc hơn.
Có lẽ, chẳng cần nói đến chữ “Tâm” nữa, bởi chắc chắn để làm được những điều như Cục trưởng Nguyễn Văn Lực, người ta đâu chỉ cần có tài năng, có nhiệt huyết, lòng yêu nghề…
Ngọc Mai
TP.HCM, một địa phương được mệnh danh 3A: Án nhiều, án lớn, án phức tạp, thế mà 5 năm nay (2010- 2014) luôn có những kết quả rất “đẹp”: Tổng số việc thụ lý là trên 409 ngàn việc với số tiền trên 105 tỉ đồng, đã giải quyết gần 260 ngàn việc với tổng số tiền trên 38 tỉ đồng. Lượng việc chiếm 1/7, lượng tiền bằng 1/2 cả nước với tính chất phức tạp và nhân sự chỉ bằng 1/18 toàn quốc, thì để có được kết quả như thế, cùng nhiều bằng khen và huân cương lao động hạng 3 năm 2014, quả không dễ dàng.Với những nỗ lực của mình, Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã vinh dự nhận nhiều bằng khen của Bộ trưởng, UBND TP, Thủ tướng Chính phủ và cả huân chương Lao động hạng 3. |