Tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước 05 năm (2006 – 2010) do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng “anh cả” trong phong trào thi đua yêu nước 05 năm (2006 – 2010) của ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi và là một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua, đó là đồng chí Phan Tấn Nộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Phan Tấn Nộ đã mong muốn sau này được trở thành một cán bộ công tác trong ngành pháp luật, để đem lại sự công bằng cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo ở nông thôn. Năm 1979, sau khi học hết Phổ thông Trung học, đồng chí đã tự nguyện đăng ký đi bộ đội và được điều đến Chiến đấu và công tác tại C7/D2, E143, F315 ở chiến trường Campuchia. Suốt những năm dài chiến đấu và công tác, đồng chí vẫn không từ bỏ ước mơ cháy bỏng của mình. Vì vậy, tháng 8 năm 1983, hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, giải ngũ trở về địa phương với cấp bậc thiếu úy, sỹ quan dự bị; đồng chí đã đến Sở Tư pháp tỉnh Nghĩa Bình xin việc và may mắn thay, sau khi trình bày nguyện vọng, ước mơ và những đóng góp tích cực của đồng chí khi còn trong quân ngũ, đồng chí đã được lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Nghĩa Bình tuyển dụng và phân công công tác tại Tòa án nhân dân huyện Tư Nghĩa. Trong thời gian công tác tại Tòa án, đồng chí không an phận với những gì đã có, mà tiếp tục phấn đấu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Chính từ sự phấn đấu không mệt mỏi đó, ngày 06/02/1986 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí đã tự đăng ký thi vào Phân viện Đại học pháp lý thành phố Hồ Chí Minh và đã trúng tuyển học chương trình cử nhân luật tại Phân viện Đại học pháp lý thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1987 đến năm 1992). Sau khi hoàn thành xong chương trình cử nhân luật, cộng với việc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, đồng chí đã được bổ nhiệm chức danh chấp hành viên trưởng Tòa án nhân dân huyện Tư Nghĩa.
Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Chỉ thị số 226/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang các cơ quan Tư pháp quản lý, ngày 08/6/1993 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 14/QĐ-THA thành lập Phòng Thi hành án tỉnh thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời Đội thi hành án các huyện, thành phố cũng được thành lập thuộc Phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Chính sự thay đổi về pháp luật và mô hình tổ chức thi hành án đã dẫn đến sự thay đổi có tính chất bước ngoặt đối với đồng chí Phan Tấn Nộ, từ chỗ là chấp hành viên Trưởng Tòa án nhân dân huyện Tư Nghĩa đồng chí đã được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Thi hành án dân sự huyện Tư Nghĩa; tháng 12 năm 1995 đồng chí đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi; tháng 10 năm 1998 do nhu cầu tổ chức cán bộ của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, nên đồng chí được điều động đến nhận công tác tại Phòng văn bản tuyên truyền – Sở Tư pháp với chức danh Trưởng phòng cho đến tháng 01/2002 và cũng trong thời gian này, đồng chí được lãnh đạo Sở Tư pháp quan tâm, tạo điều kiện cho đồng chí hoàn thành xong lớp cử nhân chính trị tại Học viện chính trị quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đến tháng 02 năm 2002 đồng chí được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bổ nhiệm làm chấp hành viên, quyền Trưởng Phòng thi hành án tỉnh; tháng 4 năm 2004 đồng chí được bổ nhiệm Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh. Năm 2008, nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; ngày 06/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2879/QĐ-BTP về việc Thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Với sự thay đổi về tên gọi và mô hình tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự lần này, một lần nữa đã đánh dấu một bước tiến mới về sự nghiệp của đồng chí Phan Tấn Nộ, đồng chí đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục tin tưởng bổ nhiệm chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi; Đồng thời, tại Đại hội Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất, nhiệm kỳ năm 2010 – 2015, tổ chức vào ngày 10 tháng 5 năm 2010, đồng chí đã vinh dự được Chi bộ tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ.
Trong xuyên suốt quá trình công tác, từ vị thế là cán bộ Tòa án đến Cục trưởng – Bí thư Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí luôn sống giản dị, hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp. Do đó, đồng chí luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của đồng nghiệp, đặc biệt là sự tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi, sự quan tâm chỉ đạo sát sao về công tác chuyên môn của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự, đây chính là động lực, là điều kiện thuận lợi để đồng chí phấn đấu trong công tác và đạt được nhiều thành quả đáng được biểu dương. Với vị thế là người đứng đầu ngành thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí luôn có thái độ lịch thiệp, hòa nhã, không cửa quyền, quan liêu đối với cấp dưới, nên đồng chí đã nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm tuyệt đối của cấp dưới. Vì vậy, trong một lần phát biểu tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh vào năm 2008, đồng chí Võ Trung Cường - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ đã nhận xét: “Tôi thấy đống chí Nộ đã hội tụ đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn để được bổ nhiệm vào chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Tại thời điểm hiện nay, trong tổng số gần 139 biên chế của ngành thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, không ai có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ xứng đáng hơn đồng chí Nộ. Bản thân tôi hoàn toàn nhất trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi cho đồng chí Phan Tấn Nộ”. Trong công tác nghiệp vụ thi hành án, đồng chí luôn nghiên cứu kỹ các Quy định của pháp luật, tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân, gia đình, điều kiện sống, tình hình thu nhập và mối quan hệ của đương sự để từ đó nắm bắt được tâm lý, thái độ cũng như điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đưa ra biện pháp và phương thức thi hành án cho phù hợp. Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết án đạt hiệu quả đồng chí đã từng tâm sự: về nguyên tắc án đã có hiệu lực pháp luật phải được tổ chức thi hành, trong quá trình tổ chức thi hành án, bản thân đồng chí luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật và quy trình giải quyết án; đôn đốc, động viên và thuyết phục để người phải thi hành án tự nguyện thi hành; nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng chây ỳ, không chịu thi hành án thì kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, trong những năm qua, bản thân đồng chí Phan Tấn Nộ đã giải quyết xong rất nhiều vụ việc mà người phải thi hành án sau khi được đồng chí phối hợp với Cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Đoàn thể tại địa phương đến tận nhà của đương sự giải thích, động viên, thuyết phục để họ nắm bắt quy định của pháp luật đã vui vẻ tự nguyện thi hành án; nhưng công tác thi hành án dân sự không chỉ đơn giản như thế, do đó không phải, người phải thi hành án nào cũng hiểu biết và tôn trọng pháp luật, có rất nhiều trường hợp, đồng chí phải “bám trụ” hàng tháng trời mới động viên được đương sự tự nguyện thi hành án… Tuy nhiên, ngoài việc động viên, thuyết phục, bản thân đồng chí cũng đã kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án và đã được động viên, thuyết phục nhưng vẫn không tự nguyện thi hành án, nhưng đối với những vụ việc này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với kết quả thi hành án xong của đồng chí. Tâm sự về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, đồng chí Nộ cho rằng: cực chẳng đã đồng chí mới áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, vì khi áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ gây tốn kém nhiều thời gian và công sức của cơ quan Thi hành án, các cơ quan, ban, ngành trong công tác phối hợp với cơ quan thi hành án và đặc biệt là tốn nhiều tiền của của người phải thi hành án (theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, người phải thi hành án phải chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án). Chính vì vậy, trong 05 năm qua, bản thân đồng chí nói riêng và Công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi nói chung luôn tổ chức thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp giao. Để đánh giá cho những thành quả đạt được trong công tác thi hành án, từ năm 2006 đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng 04 cờ thi đua đơn vị xuất sắc ngành Tư pháp (Cục Thi hành án dân sự tỉnh được tặng 02 cờ; Chi Cục THADS huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi mỗi đơn vị được tựng 01 cờ); Riêng bản thân đồng chí Phan Tấn Nộ, từ năm 2006 đến nay, đồng chí đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng 04 bằng khen và được công nhận 04 danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Trên cơ sở những thành tích ấn tượng đó, tại Hội nghị điển hình tiên tiến 05 năm (2006 – 2010) do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, đồng chí đã được Hội nghị tin tưởng và thống nhất bình bầu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua yêu nước 05 năm (2006-2010) và đồng chí cũng vinh dự được Hội nghị lựa chọn, bình bầu dự Đại hội thi đua ngành Tư pháp lần thứ III và Đại hội thi đua toàn tỉnh lần thứ V.
Chia sẽ về những thành quả đạt được, đồng chí Phan Tấn Nộ cho biết “để đạt được thành tích cao trong công tác; được đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng và quý mến, bản thân tôi luôn cố gắng, nghiên cứu quy định của pháp luật, tìm tòi học hỏi những bài học hay, kinh nghiệm quý báu từ đồng chí, đồng nghiệp để vận dụng và áp dụng có hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. Mặt khác, bản thân tôi cũng gương mẫu và đi đầu trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân”.
Từ những chức vụ đã từng kinh qua, đến thành tích đã được ghi nhận trong xuyên suốt quá trình công tác, đặc biệt là những thành tích đã đạt được biểu dương tại Hội Nghị điển hình tiên tiến 05 năm (2006 - 2010) do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức có thể khẳng định đồng chí Phan Tấn Nộ - một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua xứng đáng với tên gọi “anh cả” trong phong trào thi đua yêu nước 05 năm của ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi./.
Phạm Minh Quân