Thông tư quy định chi tiết về thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BKH ngày 28/10/2010 (Thông tư 21) quy định chi tiết về thẩm định hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12/2010.
 

Thông tư 21 gồm hai phần, phần Thông tư và phần mẫu Báo cáo thẩm định HSMT, HSYC. Trong đó, phần Thông tư gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nội dung thẩm định; yêu cầu đối với thành viên cơ quan, tổ chức thẩm định; quy trình thẩm định, mẫu Báo cáo thẩm định; tổ chức thực hiện.

Sau đây là một số điểm đáng chú ý của Thông tư 21:

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư 21 quy định về thẩm định HSMT, HSYC đối với gói thầu của dự án, dự toán mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Như vậy, Thông tư 21 đã làm rõ quy định của Nghị định 85/2009/NĐ-CP là tất cả HSMT, HSYC đều phải được thẩm định.

Về đối tượng áp dụng của Thông tư 21 là cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thẩm định HSMT, HSYC (gọi tắt là cơ quan, tổ chức thẩm định) được quy định tại Điều 59 Nghị định 85/2009/NĐ-CP (khoản 2, khoản 3 và khoản 6). Cơ quan, tổ chức đã tham gia lập HSMT, HSYC không được tham gia thẩm định HSMT, HSYC đối với cùng một gói thầu.

Khi thực hiện phân cấp phê duyệt và thẩm định trong đấu thầu theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, nhiều chủ đầu tư còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ quan, tổ chức thẩm định HSMT, HSYC. Theo quy định, chủ đầu tư giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình việc tổ chức thẩm định HSMT, HSYC, trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một tổ chức tư vấn hoặc tư vấn cá nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định. Việc lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân thẩm định HSMT, HSYC được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Điều này có nghĩa là sẽ được lựa chọn thông qua áp dụng một trong các hình thức như: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc quy trình lựa chọn tư vấn cá nhân. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định HSMT, HSYC (khoản 6 Điều 59 Nghị định 85/2009/NĐ-CP).

Thứ ba, trong quá trình thẩm định HSMT, HSYC, cơ quan, tổ chức thẩm định cần thẩm định các nội dung bao gồm: Tài liệu là căn cứ để lập HSMT, HSYC theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật khác có liên quan; Nội dung của HSMT, HSYC; Những nội dung còn thiếu, chưa rõ, không phù hợp của HSMT, HSYC với mục tiêu, phạm vi công việc, thời gian thực hiện dự án và nội dung gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và pháp luật khác liên quan; Những ý kiến khác nhau (nếu có) của tổ chức, các nhân tham gia lập HSMT, HSYC; Nội dung khác (nếu có).

Thứ tư, thành viên cơ quan, tổ chức thẩm định (bao gồm cả tư vấn cá nhân) phải có đủ 5 điều kiện sau đây: Có chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu; Có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu; Có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến công việc được phân công; trường hợp đối với gói thầu được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chỉ yêu cầu tối thiểu 1 năm; Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế; Không phải là cá nhân đã tham gia lập HSMT, HSYC đối với cùng một gói thầu.

Thứ năm, quy trình thẩm định được quy định chi tiết số lượng, thành phần tài liệu đính kèm từ bước đơn vị lập HSMT, HSYC trình chủ đầu tư phê duyệt đến bước cơ quan, tổ chức thẩm định lập và trình chủ đầu tư báo cáo thẩm định HSMT, HSYC.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức thẩm định trong quá trình tổ chức thực hiện thẩm định và chủ đầu tư khi phê duyệt HSMT, HSYC, Bộ KH&ĐT đã ban hành kèm theo Thông tư Mẫu Báo cáo thẩm định HSMT, HSYC.

Việc ban hành Thông tư quy định chi tiết về thẩm định HSMT, HSYC được đánh giá là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và cơ quan, tổ chức thẩm định; góp phần khắc phục tình trạng thẩm định chỉ là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng HSMT, HSYC.

Hà Thư