Buổi lễ nhiều ý nghĩa
Một buổi sáng thứ bảy, tại phòng hội nghị UBND xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, Long An, có sự xôn xao khác ngày thường. Sáu cặp nam nữ ăn mặc trang trọng, tất cả mặt mày rạng ngời, được coi là "nhân vật chính" của buổi lễ hôm đó. Đó là một buổi "Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn" đã trở thành một thông lệ đẹp tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bến Lức, Long An. Anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1977), quê gốc Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre, lấy vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ngụ Bến Lức, Long An có mặt trong buổi lễ vui vẻ thốt lên: “Chính quyền quê vợ dễ thương thật!”.
Về hình thức lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cho biết: Hình thức này cũng xuất phát từ huyện Bến Lức. Do đặc thù trên địa bàn huyện tỉ lệ thanh niên công nhân chiếm đa số, hầu hết đang ở độ tuổi kết hôn. Trong quá trình họ đi đăng kí kết hôn, cán bộ tư pháp địa phương nhận thấy đời sống thanh niên công nhân không được thư thả cho lắm, bị ràng buộc ngày làm việc, khó lòng xin phép nghỉ giữa tuần để đến chính quyền thực hiện các thủ tục, giấy tờ, cho dù là nhận loại giấy mang tính chất thiêng liêng như Đăng kí kết hôn. Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân gia đình có quy định, UBND địa phương có nghĩa vụ tổ chức buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho người dân. Tuy nhiên, do thời gian ít ỏi, lại cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên hầu như hình thức lễ trao giấy chứng nhận đăng kí kết hôn chưa được thực hiện. Cán bộ tư pháp huyện Bến Lức đã trăn trở: Làm thế nào để có một buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn trang trọng như người dân xứng đáng được hưởng, lại vừa tiện thời gian cho dân? Từ trăn trở đó, những buổi lễ đã ra đời.
Được tổ chức tại hội trường UBND xã, thị trấn, một không gian không rộng lắm, nhưng Lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn không hề thiếu đi sự trân trọng: Có băng rôn, có hoa, nhất là có sự tham dự của đại diện các ban, ngành: Đại diện UBND xã, thị trấn, cán bộ Tư pháp, Công an, phụ nữ địa phương, Đoàn thanh niên... Ông Trần Văn Tươi, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức cho biết, tuỳ theo số lượng đăng kí kết hôn tại UBND xã, thị trấn vào mỗi tuần, UBND sẽ kết hợp tổ chức một buổi lễ để các cặp đôi cùng đến nhận Giấy Chứng nhận kết hôn. Tuỳ vào điều kiện thời gian của các cặp đôi mà buổi lễ sẽ tổ chức vào ngày thứ bảy hoặc các cặp đôi tự liên lạc với nhau để thoả thuận thời gian hợp lý. Đúng thời điểm đã hẹn, các cặp đôi sẽ có mặt, với yêu cầu trang trọng về đồng phục: Người nam sơ vin hoặc vét, nữ mặc áo dài.
Sau khi các cặp đôi nhận giấy chứng nhận và được tặng hoa, đại diện các ban ngành sẽ lần lượt lên phát biểu, mà thực chất là tuyên truyền những kiến thức về pháp luật, về những kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc sống vợ chồng. Đại diện UBND, cán bộ Tư pháp thì phổ biến luật Hôn nhân và gia đình, đại diện Công an xã thì chia sẻ về thủ tục tách, nhập khẩu, đại diện hội phụ nữ tuyên truyền luật bình đẳng giới, Đoàn thanh niên nói về lối sống mới của người thanh niên... Theo ông Tươi, hình thức buổi lễ này tuy giản dị nhưng đầy trang trọng, không ít cặp đôi đã rưng rưng xúc động vì không ngờ được tham dự một buổi lễ đầy ý nghĩa như thế. "Tuy nhiên, tất cả mọi việc chúng tôi làm, cũng trên tinh thần đem lại sự tiện lợi về mặt thời gian, dựa trên sự tự nguyện của người dân là chính. Trước khi tổ chức lễ, chúng tôi đều có hỏi ý kiến các cặp đôi để họ quyết định có tham gia hay không. Một số ít cặp đôi vì những lý do tế nhị từ chối tham gia, còn hầu hết thanh niên địa phương rất nhiệt tình hưởng ứng hình thức này".
Những cái kết đẹp
Không dừng lại ở đó, theo ông Trần Văn Tươi, thời gian tới, hình thức buổi lễ nói trên sẽ được "biến tấu" một chút. Đó là, tại mỗi xã đều có nhà văn hoá. Thời gian tới, Phòng tư pháp huyện có "tham vọng" sẽ tổ chức những buổi lễ tại trụ sở nhà văn hoá, với số lượng cặp đôi đông hơn, cho phép một ít người thân, bạn bè của "cô dâu chú rể" tham dự, thậm chí sẽ có cả trao nhẫn cưới và vài tiết mục văn nghệ góp vui, như một "đám cưới mini". Ông Tươi cho biết, những cán bộ tư pháp khi làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng kí kết hôn luôn có một suy nghĩ: Nếu đám cưới, một hình thức hôn lễ truyền thống, chính là lễ "báo cáo" trước gia đình, bà con, họ hàng được tổ chức trọng thể, thì tại sao sự thành hôn về mặt pháp luật lại không được coi là trang trọng, thiêng liêng? Một buổi lễ nhỏ, đơn sơ mà nhiều ý nghĩa, nếu làm phong phú hơn một chút, thậm chí những cặp đôi có điều kiện kinh tế khó khăn có thể coi đó là lễ cưới chính thức cho mình, không cần phải có đám cưới rình rang tốn kém. Và trên thực tế cũng đã có trường hợp như vậy.
Mỗi năm, trung bình một xã trên địa bàn huyện Bến Lức có 100 cặp kết hôn, huyện có 15 xã, vị chi có một ngàn năm trăm cặp kết hôn mỗi năm. Trong các buổi lễ, tư pháp xã, huyện có vai trò như người "đạo diễn" chương trình, kết nối các đơn vị liên quan trong một mục đích chung là đem đến niềm vui và lợi ích cho dân. Cũng bởi sự gần gũi với dân, hầu hết cán bộ tư pháp xã, thị trấn đã trở thành những người bạn thân thiết của người dân. Một cán bộ tư pháp xã cho biết, từ khi có chủ trương tổ chức lễ nhận Chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi, chị liên tục được mời đi ăn đám cưới, có tháng cao điểm tuần nào cũng có một đám.
Anh Lương Hoàng Phước, (sinh năm 1986) và chị Nguyễn Thị Thanh Hằng đang sống tại ấp 4, xã Phước Lợi, một trong những xã làm rất tốt chương trình lễ nhận Chứng nhận kết hôn. Họ tham gia buổi lễ khoảng cuối năm 2010, hiện nay đã có một con trai kháu khỉnh tên Lương Gia Huy. Anh Phước vẫn còn nhớ thời khắc hai vợ chồng anh tham gia buổi lễ nhận Chứng nhận kết hôn. Anh kể vợ chồng anh đã rất bất ngờ vì tính trang trọng của buổi lễ, cũng như họ đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống vợ chồng. Hiện nay, họ sống êm ấm với nghề nghiệp ổn định.
Khi được hỏi về buổi Lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn, phần lớn các cặp vợ chồng đều cho biết đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của họ.
Ngọc Mai - Đặng Chung