Tìm đến nơi người dân cần
Những cơn mưa mùa xuân vẫn rơi đều, le lói những ánh nắng muộn, con đường quanh co uốn lượn, những vết xe lầy lội tạo thành từng vệt khổng lồ như những con mương đầy nước. Chiếc xe Uoát cũ nát mà Đoàn mới thuê được đang ì ạch, gầm rú lăn bánh đưa chúng tôi đến các xã vùng cao. Có lẽ hành trình 52 là một trong những kỷ niệm khó quên đối với những người thực hiện công tác TGPL, bước đầu đã đem lại nhiều niềm vui cho người dân nghèo.
Ở Quảng Nam, một trong những khó khăn đối với hoạt động TGPL là điều kiện thời tiết thường xuyên mưa lụt kéo dài, đường giao thông đến các xã bị sạt lở, lầy lội khó đi. Bên cạnh đó là việc kinh phí của Trung ương phân bổ về trong dịp cuối năm nên việc triển khai thực hiện không được kịp thời. Trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy, Trung tâm TGPL tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng và triển khai Kế hoạch TGPL lưu động thuộc Chương trình 52 đến các huyện Phước Sơn, Tây Giang trong thời trước Tết Nguyên đán và huyện Nam Trà My sau Tết Nguyên đán đạt kết quả.
Đời sống nhân dân ở các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, vẫn còn đợi chờ ở các chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, từ những phong trào thi đua yêu nước, phát động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điển hình, các khu dân cư, thôn nóc văn hóa, gia đình văn hóa, các câu lạc bộ pháp luật... đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và một trong những mơ ước lớn nhất của dân nghèo là được tiếp cận, tìm hiểu nhiều hơn về các văn bản pháp luật, các chính sách liên quan thiết thực đến đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Song hành cùng dân nghèo
Từ những chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng chính phủ về chính sách TGPL nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng LĐTB&XH, Phòng TN&MT các huyện nghèo tổ chức TGPL lưu động tại các xã Phước Năng, Phước Đức huyện Phước Sơn; xã Bhlee, ANông, A Vương huyện Tây Giang; các xã Trà Tập, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Nam huyện Nam Trà My. Đã có 653 lượt người tham gia, tiếp nhận 157 đơn trong đó Chính sách: 79, Đất đai: 22, Ưu đãi xã hội: 23, Dân sự: 02, Bảo hiểm: 01, HN&GĐ: 02, khác: 28.
Hiện tại các Chuyên viên, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đang tiến hành tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ, trực tiếp hướng dẫn thủ tục hành chính và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số hồ sơ liên quan đến chính sách người có công, các trường hợp này tuy đã được khen thưởng nhưng chưa được hưởng chế độ theo quy định. Trong thời gian tới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục tổ chức Trợ giúp pháp lý lưu động ở các huyện Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức, qua đó tư vấn, trợ giúp pháp luật cho các đối tượng, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của những người dân nghèo.
Những kết quả tuy chưa nhiều, trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí... nhưng đã khẳng định sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của các cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh.
Đời sống pháp luật của những người dân nghèo, yếu thế có được thay đổi toàn diện và đem lại hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của đội ngũ công chức, viên chức, những người thực hiện Trợ giúp pháp lý tại địa phương. Chính vì vậy, Trợ giúp pháp lý là một bộ phận không thể thiếu về đời sống tinh thần, là thể hiện phục vụ, trách nhiệm vì dân, luôn đi cùng dân.
Thành Lê