Buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn – Khu di tích Tân Trào - là trở về với những địa chỉ đỏ có ý nghĩa lớn về chính trị như Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… và khu di tích lịch sử Trụ sở kháng chiến của Bộ Tư pháp. Đây là buổi sinh hoạt giáo dục tư tưởng chính trị cho các đảng viên và quần chúng về truyền thống yêu nước được hun đúc và phát triển suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; cảm nhận, ghi nhớ và tri ân sâu sắc công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp - Nơi cội nguồn của ngành Tư pháp
Trở về nguồn cũng là dịp để các đảng viên, cán bộ công chức, viên chức của đơn vị ôn lại truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp. Vào cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều Bộ, ngành Trung ương rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuyên Quang là địa danh vinh dự được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chọn làm Trung tâm cách mạng của cả nước, và được đồng bào cả nước gọi là "Thủ đô kháng chiến". Đây cũng là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1949 – 1951. Thời gian đóng trụ sở tại Tuyên Quang không dài nhưng đây lại chính là khoảng thời gian diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước và của ngành Tư pháp.
Chính tại nơi đây, trong sự che chở đầy tình nghĩa của đồng bào xã Minh Thanh, những cán bộ tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác Tư pháp trong toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Địa danh này đã và mãi là nơi cội nguồn, là biểu tượng của ý chí vượt khó vươn lên, là sự cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến vì đất nước của cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp qua các thời kỳ.
Cũng trong buổi sinh hoạt chuyên đề giàu ý nghĩa chính trị, lịch sử này, thay mặt Đảng bộ Bộ Tư pháp, đồng chí Tạ Thành Trung đã trao Quyết định công nhận đảng viên chính thức cho hai đồng chí đảng viên dự bị là Nguyễn Việt Tú và Quách Mai Ngọc. Đồng chí nhấn mạnh, chuyến đi về nguồn lần này có ý nghĩa lớn, không chỉ là giáo dục tư tưởng, chính trị, lý tưởng cách mạng cho đảng viên và quần chúng, mà còn là tri ân sự chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng cán bộ của đồng bào các dân tộc chiến khu Việt Bắc đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền của các cơ quan Trung ương trong những ngày đầu công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có Bộ Tư pháp. Đồng chí mong rằng, các cán bộ, đảng viên Chi bộ Cục Công nghệ thông tin thấm nhuần lý tưởng, đạo đức cách mạng, tiếp tục rèn luyện, trau dồi chuyên môn, góp phần bồi đắp lòng tự hào, tình yêu đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tại buổi sinh hoạt về nguồn, cán bộ, đảng viên Chi bộ đã cùng nhau ôn lại truyền thống đáng tự hào của các thế hệ cán bộ công chức Bộ ngành Tư pháp gắn liền với các địa danh lịch sử như Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, mái đình Hồng Thái với niềm tự hào và biết ơn sâu sắc.
Lán Nà Nưa – Phủ Chủ tịch bằng che nứa giữa núi rừng Tân Trào
Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã đến, sống và làm việc từ ngày 21/5/1945 đến ngày 22/8/1945 với tổng cộng là 92 ngày đêm – đây cũng chính là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.
Tại đây, theo sự bố trí của cán bộ lãnh đạo Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Bác Hồ đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh của xã, nằm ở trung tâm thôn Tân Lập. Ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm). Sở dĩ Bác Hồ chọn Lán Nà Nưa là nơi làm việc vì nó nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. “Gần nước, gần dân” là Lán Nà Nưa nằm ở xã Tân Lập – trước đây là xã Kim Long, ngay dưới chân núi là dòng suối nhỏ bắt nguồn từ bên Định Hóa của Thái Nguyên chảy qua; “xa đường quốc lộ”, tức là vào thời điểm năm 1945 muốn đi vào Tân Trào chỉ có con đường mòn độc đạo duy nhất; “thuận đường tiến” là từ nơi đây có thể trở lại trung tâm huyện lị Sơn Dương cách đây khoảng 15km, từ đó có thể lên Tuyên Quang đi Thái Nguyên, về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi; “Tiện đường thoái” vì đây là 1 thung lũng nhỏ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, toàn bộ chân núi Hồng là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên. Do đó, nếu có bất trắc xảy ra thì Bác và cán bộ của chúng ta đều có thể thoát được an toàn.
Tại lán Nà Nưa với chiếc máy chữ đặt trên phiến đá trước Lán, mọi văn bản, chỉ thị, chủ trương chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám được Bác Hồ chính tay khởi thảo. Suốt thời gian Bác Hồ ở Tân Trào, để bảo đảm bí mật và an toàn cho An toàn khu, người dân đại phương cũng chỉ biết Bác Hồ dưới cái tên thân mật là Ông Ké và Bác lúc nào cũng ăn mặc rất giản dị trong trang phục của người dân tộc Tày.
Ở Tân Trào, điều kiện làm việc của Bác Hồ hết sức gian khổ và thiếu thốn, với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh, rừng nhiều muỗi, vắt, cộng với sức khỏe của Bác bị giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc nên cuối tháng 7/1945 Người bị ốm nặng, sốt liên miên. Lúc đó, người cận kề nhất với Bác là đồng chí Võ Nguyên Giáp nhưng cũng đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân, ở thôn Tân Lập, hàng ngày lên lán Nà Nưa để báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm, lên báo cáo công việc, thấy Bác rất yếu, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác và Bác đã đồng ý. Đêm ấy, tỉnh lại sau những cơn sốt liên miên, Bác tưởng chừng như không thể qua khỏi nên Bác đã có ý giao phó lại công việc cho đồng chí Võ Nguyên Giáp như một lời trăng trối. Đêm đó, Bác đã dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp một câu nói bất hủ nhận định về thời cơ cách mạng đó là: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trong xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định ý chí, quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập dân tộc của Bác Hồ khi thời cơ chín muồi.
Trước tình hình sức khỏe của Bác như vậy, hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc báo tin sức khỏe của Bác cho các đồng chí Trung ương và tìm người chữa bệnh cho Bác, nhưng điều kiện thiếu thốn, nên thuốc men của chúng ta cũng chỉ có vài viên thuốc cảm và ký linh, mời Bác uống nhiều lần rồi nhưng không đỡ. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già người Tày đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi bắt mạch, cụ Lang nhận định: “Sức khỏe của Ông Ké bây giờ rất yếu, chỉ còn có 1 phần tốt thôi, còn đâu là 9 phần đã xấu rồi, không biết bây giờ tôi vào rừng tìm lá cây thuốc về có còn kịp được nữa không”. Nhưng cụ Lang vẫn vào rừng rồi đem về một thứ củ, đốt cháy tán nhỏ hòa vào cháo loãng mời Bác uống, uống vài lần như vậy, cơn sốt của Bác đã nhẹ dần và Bác gượng dậy tiếp tục làm việc và cho triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào để phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 22-8-1945, mặc dù còn mệt nhiều, nhưng Bác Hồ quyết định rời căn lán Nà Nưa về Hà Nội và Bác đã giao nhiệm vụ lại cho các đồng chí cán bộ ở lại Tân Trào là dỡ bỏ toàn bộ Lán của Bác cũng như các Lán xung quanh để đảm bảo bí mật và an toàn cho An toàn Khu. Sau này khi Khu Di tích Tân Trào được thành lập, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại đây để xác định lại địa điểm hình dáng, kích thước để phục dựng lại căn Lán của Bác.
Để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, năm 1972, di tích lán Nà Nưa đã được phục dựng lại tại địa điểm căn Lán cũ. Năm 2009, lán Nà Nưa tiếp tục được tu bổ; đồng thời phục dựng hệ thống các di tích: Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (cách lán của Bác 20m về phía tây bắc), làn cảnh vệ (cách lán của Bác,30m về phía tây), lán điện đài (cách lán của Bác, 30m về hướng nam), lán Đồng minh (cách lán của Bác, khoảng 40m về hướng bắc). Lán Nà Nưa, là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 10-5-2012.
Đình Tân Trào được coi là tiền thân của Hội trường Ba Đình, Quốc dân Đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam
Sau khi dâng hương tại Lán Nà Nưa, Chi bộ đã đến dâng hương tại Đình Tân Trào. Là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Nơi đây đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn là nơi diễn ra cuộc họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày là ngày 16 và ngày 17 tháng 8 năm 1945. Tại đây, các Đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam gồm có 15 đồng chí, Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch nước với tên gọi kính yêu là Hồ Chí Minh. Tên Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố ở trong nước cũng chính là ở ở Đình Tân Trào trong Quốc dân Đại hội, đồng chí Trần Huy Liệu được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Cũng trong cuộc họp này đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây. Quốc dân Đại hội được coi là tiền thân của Quốc hội Việt Nam hiện thời. Hiện nay theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thì 4 chức danh sau khi được Quốc hội bầu phải làm lễ tuyên thệ là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì nghi lễ để làm Lễ Tuyên thệ cho các vị lãnh đạo chính là xuất phát từ Lễ Tuyên thệ của Bác Hồ. Với những ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đó, các chuyên gia lịch sử của Việt Nam đã đánh giá Đình Tân Trào còn được coi là tiền thân của Hội trường Ba Đình sau này và Quốc dân Đại hội họp tại đây còn được ví như Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam.
Sau đó, Chi bộ tiếp tục di chuyển đến thăm quan cây đa Tân Trào, dưới bóng cây Đa của làng Tân Lập, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.
Đình Hồng Thái – Nơi dừng chân đầu tiên của Bác hồ tại cứ địa cách mạng Tân trào
Đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi người từ Pắc Bó, Cao Bằng đến với căn cứ địa Cách mạng Tân Trào. Theo đó, ngày 21-5-1945, sau 18 ngày đêm xuyên rừng, bất đầu từ Khuổi Nậm- Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ về tới Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Điểm dừng chân đầu tiên của Bác khi tới Tân Trào là đình Hồng Thái. Sau khi nắm sơ bộ tình hình, địa thế dự kiến nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương, khoảng 16 giờ ngày 21-5-1945, Bác Hồ và các cán bộ cùng đi rời đình Hồng Thái vượt sông Phó Đáy vào thôn Tân Lập, xã Tân Trào và Bác đã chọn nơi đây là căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đình thuộc địa phận làng Kim Trận (nay là thôn Cả), xã Tân Trào. Đình cất dựng năm 1919, có kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ, đình gồm 3 gian 2 chái, dáng dấp nhà sàn miền núi. Đình Hồng Thái cũng như ngôi đình của Việt Nam với chức năng tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thần Sông, thần Núi và các vị thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung Công Chúa. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp hàng năm của dân làng. Ngày lễ lớn nhất là ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch, trong ngày lễ này, đồng bào tổ chức nghi lễ rước Công chúa Ngọc Dung; phần hội có nhiều trò chơi hấp dẫn như hát then, hát cọi, các trò chơi dân gian…
Buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn đã để lại trong lòng các cán bộ đảng viên Chi bộ nhiều xúc cảm, đó là sự tự hào dân tộc, niềm biết ơn sâu sắc đối với Đảng, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc hồn hậu nơi này. Các cán bộ đảng viên Chi bộ sẽ tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi kiến thức chuyên môn để đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc nói chung.
An Như – Trung tâm Thông tin