Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Trên cơ sở các văn bản của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm góp phần thể chế hóa các định hướng trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.


Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được đặc biệt coi trọng
* Xin ông cho biết Đảng đã có những văn bản nào đề ra những chủ trương, chính sách lớn về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam?
- Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Trong thời gian vừa qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có chủ trương, chính sách lớn trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý Nhà nước bằng pháp luật cũng đã được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng, theo đó: “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN…”; “Nhà nước tiếp tục hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nhân dân và các tổ chức này tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát việc thực hiện luật pháp, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường” (điểm 4, Mục IV).
Ngay tại Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng ta cũng đã xác định: “Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội” (điểm 2 Mục 14).  
Đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này, Đảng ta cũng đã có sơ kết 10 năm, tổng kết đánh giá 15 năm và có Kết luận về vấn đề này để tiếp tục thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 cũng đã đề cập đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luât. Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, theo đó đề ra nhiều chủ trương, định hướng lớn, gắn với hệ thống các giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá; đồng thời có giải pháp hoàn thiện pháp luật về tố tụng và cơ quan tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng, phụng sự công lý, phục vụ Tổ quốc và nhân dân, tạo cơ sở quan trọng cho công cuộc cải cách tư pháp đi vào chiều sâu, nhất là việc thay đổi về chất các thể chế tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Đi sâu về từng lĩnh vực, Đảng ta cũng đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề có liên quan tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Như vậy có thể nói, Đảng ta đặc biệt coi trọng đến việc định hướng chủ trương, chính sách trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển đất nước.
* Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã thể chế hóa được những chủ trương, chính sách gì và đâu là những thành quả nổi bật?
  - Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Trên cơ sở các văn bản của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm góp phần thể chế hóa các định hướng trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật, pháp lệnh và đã khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ Tư pháp như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, các đạo luật làm cơ sở cho việc tăng cường tính minh bạch trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được ban hành như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Đây là một đạo luật quan trọng với nhiều quy định mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo tiêu chí của Nhà nước pháp quyền, trong đó yếu tố rất quan trọng là bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, công bằng, ổn định và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn đất nước; đồng thời tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hội nhập. Xác lập cơ chế bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp một cách thực chất; đảm bảo để pháp luật không chỉ là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.
Song song với công tác xây dựng thể chế pháp luật, các công cụ kiểm soát, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật như thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được tăng cường và ngày càng được thực hiện bài bản. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đến nay đã đi vào nề nếp, góp phần quan trọng đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo tính thống nhất, tính khả khi, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thông qua công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy định, cơ chế mang tính bất bình đẳng hoặc không phù hợp đã được kiến nghị bãi bỏ. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đang phát huy vai trò tích cực, tạo cơ chế quan trọng để ngăn ngừa việc các cơ quan nhà nước đưa ra những quy định, chính sách không phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường; góp phần nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về TTHC làm cản trở sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường được phát hiện và gỡ bỏ nhờ việc đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực của quản lý nhà nước và các quy định về kiểm soát TTHC. Việc triển khai công tác này đã góp phần cải cách mạnh mẽ TTHC theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Cần những giải pháp đồng bộ để khắc phục các tồn tại, hạn chế
* Vậy theo ông, đến nay còn những điểm nghẽn về hoàn thiện thể chế nào cần khắc phục?
- Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Về vấn đề này, qua kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW cho thấy: (i) hệ thống pháp luật đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, toàn diện, đầy đủ và đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng; (ii) hệ thống pháp luật bảo đảm cân đối, hài hòa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, các đạo luật ngày càng giữ vị trí trung tâm, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội; (iii) hệ thống pháp luật đã có tiến bộ nhiều về chất, cơ bản đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch…
Để đạt được kết quả này, một yếu tố không thể phủ nhận được đó là sự lãnh đạo của Đảng ta trong việc định hướng về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế; bảo đảm việc thể chế hóa kịp thời, đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Bên cạnh những kết quả đó, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là: (i) trong hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong một số lĩnh vực cụ thể chưa được pháp luật điều chỉnh kịp thời; (ii) công tác xây dựng pháp luật còn có hạn chế; quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có lúc chưa được tuân thủ triệt để.
Nguyên nhân của bất cập này, về mặt chủ quan, qua tổng kết thi hành Nghị quyết số 48-NQ/TW cho thấy sự lãnh đạo của một số tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW có nơi, có lúc chưa thường xuyên, sâu sắc; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Đảng đối với hoạt động xây dựng pháp luật chưa được thường xuyên. Số lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế chưa tương xứng với nhiệm vụ trong tình hình mới…
Một vấn đề quan trọng khác mà thực tế hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế đã chỉ ra là vẫn còn sức ỳ, sự ngần ngại, thiếu kiên quyết trong đổi mới các chế định pháp lý hiện hành để phục vụ tốt hơn, có hiệu quả hơn cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ XHCN, nhất là chế định tư pháp nói riêng.
Vì vậy, Đảng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ cho vấn đề này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế được coi là điểm nghẽn trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
* Xin cảm ơn ông!
Song Thư
 
 
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text