Dân chủ trên mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị: Cần đẩy mạnh dân chủ cơ sở trên mạng xã hội và dân chủ trên mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật.

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) tổ chức tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Dân chủ ngày càng thực chất, công khai, minh bạch hơn

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh nêu rõ: Năm 2019, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới ban hành đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất, công khai, minh bạch hơn. Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống; hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân được chú trọng, nâng cao hiệu quả.

Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp quyết liệt, dân chủ, công khai, minh bạch hơn; luôn đồng hành, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, bám sát đối tượng và hướng về cơ sở. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực hiện bài bản, chất lượng hơn.

Đáng chú ý, trong năm 2019, thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Các nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện khá đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ sở. Trong đó, việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được các địa phương triển khai thực hiện sáng tạo và hiệu quả . Tính đến hết năm 2019, có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực còn khoảng 4%..

Cùng với đó, việc thực hiện kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp khu vực nhà nước thực hiện khá tốt. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; các doanh nghiệp đã tổ chức 23 nghìn cuộc đối thoại, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị chính đáng của người lao động; có 22 nghìn bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động, hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh cho biết vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan đến nhân dân có lúc, có việc còn hạn chế; việc lấy ý kiến của nhân dân, của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật còn hình thức và việc tiếp thu, giải trình, lắng nghe ý kiến người dân không đầy đủ, chiếu lệ vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Công tác cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra; việc thực hiện công khai về công tác cán bộ, các khoản chi tiêu nội bộ, các loại quỹ ở  một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, còn hình thức...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: PC 

Lắng nghe, kiên trì, giải thích, đối thoại để dân chủ đi vào thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019 có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói riêng, công tác dân vận nói chung. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, ngày càng nâng cao về chất lượng, đi vào thực tiễn đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công khai, minh bạch thông qua việc sử dụng dịch vụ công, việc làm này được triển khai thực chất, hiệu quả, không hình thức; đồng thời, đẩy mạnh dân vận chính quyền trên không gian mạng, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác các hoạt động, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến nhân dân, phát huy quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, đặc biệt người đứng đầu đơn vị, từ cấp uỷ trở lên phải nêu gương, lắng nghe, giải quyết kịp thời vấn đề của người dân, tạo được đồng thuận của dân.

Trước những vấn đề phức tạp, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần phải tăng cường lắng nghe, kiên trì, giải thích, đối thoại, để cùng nhau giải quyết vấn đề, để dân chủ cơ sở đi vào thực chất hơn, làm sao để người dân thấy được tiếng nói của mình được lắng nghe và qua đó, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu quyết định của chúng ta là phù hợp.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ 2020, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị cần đẩy mạnh dân chủ cơ sở trên mạng xã hội và dân chủ trên mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật; tiếp tục thay đổi nhận thức về dân chủ gắn liền với kỷ cương pháp luật, tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến. Tiếp tục lấy ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thực hiện quy chế dân vận các cấp..../.

 
Phạm Cường
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text