Kết quả công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và theo dõi thi hành pháp luật tỉnh Hà Tĩnh

31/12/2014

Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, công tác công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh Hà Tĩnh đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

   

Công tác xây dựng văn bản QPPL được triển khai theo đúng quy định, mang tính dự báo chiến lược và bảo đảm ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết. Ngay từ cuối năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2014, gồm 38 văn bản, với 37 Quyết định và 01 Chỉ thị. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã căn cứ vào chương trình này chủ động tham mưu việc ban hành các văn bản QPPL đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2014 UBND tỉnh đã ban hành được 110 văn bản QPPL, trong đó gồm 89 Quyết định và 21 Chỉ thị.

Để hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò, vị thế của ngành Tư pháp trong hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương, Sở Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành 06 văn bản QPPL.

Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản đã được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục ban hành; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại địa phương. Việc huy động sự tham gia của các ngành, các cấp trong xây dựng văn bản QPPL của tỉnh được quan tâm chú trọng nên chất lượng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Công tác thẩm định, góp ý văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ. Trong năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 124 dự thảo văn bản QPPL (nhiều hơn 50 văn bản so với cùng kỳ năm ngoái) và góp ý 105 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh (nhiều hơn 30 văn bản so với cùng kỳ năm ngoái). Điểm nổi bật trong công tác thẩm định, góp ý văn bản thời gian này là đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan đối với những văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng điều chỉnh nhiều, phức tạp, còn có nhiều ý kiến trái chiều, góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL, được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao.

Về tình hình theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 13/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên địa bàn Hà Tĩnh; Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh năm 2014. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chui rau, củ quả, chè ở huyện Hương Sơn và huyện Lộc Hà. Đồng thời, tổ chức rà soát lại 270 văn bản, trong đó có 63 văn bản được giao quy định chi tiết tại địa phương, gồm 34 văn bản đã ban hành và 29 văn bản chưa ban hành (Có 14 văn bản chưa đăng ký vào Chương trình ban hành văn bản QPPL và 15 văn bản đã được đăng ký). Trên cơ sở đó đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các văn bản theo danh mục rà soát.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và theo dõi thi hành pháp luật còn một số khó khăn, tồn tại, cụ thể:

- Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được UBND tỉnh ban hành từ cuối năm 2013 nhưng một số đơn vị chưa hoàn thành việc xây dựng văn bản theo đúng thời gian đã được dự kiến trong Chương trình ban hành văn bản của năm; số lượng văn bản ban hành ngoài chương trình tương đối nhiều do vậy ảnh hưởng đến Chương trình văn bản đã xây dựng.

- Tại các sở, ban, ngành chưa thành lập phòng pháp chế cũng như bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách thực hiện việc xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật nên chất lượng văn bản còn hạn chế.

- Nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị về vai trò, vị trí công tác xây dựng, theo dõi tình hình thi hành văn bản QPPL còn hạn chế, chưa có sự quan tâm thường xuyên đến công tác này nên hiệu quả triển khai thực hiện còn cầm chừng, chưa rõ nét.

- Các điều kiện đảm bảo thực hiện xây dựng văn bản và theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn. Cán bộ thực hiện công tác này còn đang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chưa có kinh phí riêng cho công tác theo dõi thi hành văn bản QPPL, cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công tác này còn hạn chế.

Từ thực trạng trên cho thấy để công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và theo dõi thi hành pháp luật đạt hiệu quả cao hơn nữa, thiết nghĩ trong thời gian tới Bộ Tư pháp sớm ban hành văn bản QPPL quy định cụ thể biên chế, kinh phí bảo đảm cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thẩm định, góp ý theo dõi thi hành pháp luật cho lực lượng cán bộ, công chức địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tham mưu thực hiện quản lý nhà nước các nhiệm vụ này./.

Trần Thị Hải Giang