Đề xuất lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành năm 2015
Để kịp thời đề xuất lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành năm 2015 trong Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 4043/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 23/9/2014 đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, thực tiễn thi hành pháp luật và những thông tin có liên quan khác đề xuất lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Chính phủ.
Đây là năm đầu tiên Bộ Tư pháp thực hiện việc yêu cầu đề xuất lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành. Đây là một bước tiếp nối hướng đổi mới đã được xác định từ năm 2014 trong việc xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật phù hợp với Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 và Thông tư số 14/2014/TT-BTP. Theo đó, Công văn số 4043 /BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 23/9/2014 đã không chỉ yêu cầu các các Bộ, ngành đề xuất mà còn đề nghị sự phối hợp, tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc đề xuất lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý liên ngành.
Trên cơ sở lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật được lựa chọn đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật đảm bảo với lĩnh vực đã được xác định trong Nghị quyết của Chính phủ. Cách thức xây dựng kế hoạch như vậy sẽ đảm bảo sự thống nhất trong lựa chọn lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước trong năm. Từ đó, các đánh giá và nhận định sẽ khách quan, mang tính bao quát, các kiến nghị và giải pháp đưa ra cũng đảm bảo hợp lý trên cơ sở thông tin đầy đủ về tình hình thi hành pháp luật.
Phòng Theo dõi thi hành pháp luật – Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật