Tọa đàm “Những định hướng lớn về xây dựng khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu”

29/07/2016

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Chính phủ Canada, ngày 28/7/2016 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (Dự án NLD) tổ chức Tọa đàm “Những định hướng lớn về xây dựng khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu”. Tham dự Tọa đàm có đại diện của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn từ các Viện nghiên cứu và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

 
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, để có thể thực hiện tốt hơn quy trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần có Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Các biện pháp mang tính kỹ thuật với các tiêu chí, chỉ số, chỉ tiêu mang tính định lượng sẽ giúp phản ánh, đánh giá khách quan, chính xác thực trạng tình hình theo dõi thi hành pháp luật trên thực tế và việc tổ chức triển khai thực hiện sẽ hiệu quả, khoa học hơn.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia Việt Nam và Canada đã có những trình bày mang tính định hướng lớn cho việc xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Những trình bày này là kết quả của một một quá trình nghiên cứu được thực hiện từ khi khởi động hoạt động xây dựng Khung theo dõi và hệ thống thư thập dữ liệu từ tháng 6/2016 và một tuần làm việc tập trung của chuyên gia, Dự án NLD và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật với ông Eric Milligan chuyên gia Canada. Theo chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp thì theo dõi thi hành pháp luật cần được thực hiện theo cách tiếp cận mới là theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả. Cụ thể, việc áp dụng đánh giá dựa trên kết quả vào quản lý quá trình theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện bằng việc đánh giá theo các chỉ số kết quả (kết quả thi hành chính sách, pháp luật) và cao nhất là chỉ số tác động/ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách, pháp luật so với các mục tiêu tác động được dự báo khi xây dựng chính sách, pháp luật và bằng việc theo dõi các chỉ số đầu vào (các điều kiện thi hành, cơ chế pháp lý bảo đảm) và các chỉ số đầu ra (mức độ thực thi pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật…) và các chỉ số kết quả, tác động dựa trên Hệ thống thu thập dữ liệu. Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu, phạm vi theo dõi và đánh giá thi hành pháp luật theo kết quả được thực hiện trên 03 cấp độ: (1) Tổ chức thi hành pháp luật nói chung - phạm vi rộng nhất - theo dõi và đánh giá thi hành cả hệ thống pháp luật trên phạm vi toàn quốc; (2) Tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ  quan ngang Bộ); (3) Tổ chức thi hành và theo dõi thi hành một đạo luật. Theo đó, cần thiết kế Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của việc theo dõi thi hành pháp luật ở mỗi cấp độ khác nhau.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đã trình bày về phương pháp xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu và ví dụ khung theo dõi thực thi pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các ý kiến tại Tọa đàm nhất trí về sự cần thiết xác định các tiêu chí, chỉ tiêu theo dõi thi hành pháp luật và cho rằng, các chuyên gia đang có một sự tiếp cận đúng đắn về phương pháp luận cho việc xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, một số vấn đề cũng đã được các đại biểu dự Tọa đàm đề nghị cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ, cụ thể như: Theo TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp thì phạm vi theo dõi cần cân nhắc bổ sung theo địa bàn, lãnh thổ - một nội dung quản lý xuyên suốt và các nước luôn đặt ra vấn đề này. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Ngọc Vũ đặc biệt nhấn mạnh tính thực dụng, hiệu quả của các Khung theo dõi này để đảm bảo không lãng phí nguồn lực và đạt kết quả cao góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng công tác theo dõi thi hành pháp luật. Dưới góc độ Sở Tư pháp địa phương, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá việc xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thể hiện sự quan tâm,chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Theo bà Tống Thị Thanh Nam, Khung theo dõi hiện nay mới chỉ chú trọng vào giai đoạn xây dựng chính sách, mà chưa giải quyết hết các nội dung theo dõi trong tổ chức thi hành. Bà Tống Thị Thanh Nam bày tỏ mong muốn thông tin từ các báo cáo thi hành pháp luật của địa phương cần được xem xét sử dung như một dữ liệu đầu vào quan trọng và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Sau Tọa đàm này, Tổ chuyên gia, Dự án NLD và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các hoạt động tiếp theo trong Kế hoạch xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu./.
 
                                      Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL