Ban hành Kế hoạch theo dõi TH THPL trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng bị thiên tai

01/06/2016

Sau khi thống nhất bằng văn bản với các Bộ, ngành có liên quan, ngày 26/5/2016, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai (kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-BTP). Theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ (Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai (xem Kế hoạch kèm theo).

 
Để thực hiện một trong những mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch là xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực này, Kế hoạch đã nêu ra 05 nội dung chính cần thực hiện gồm: (1) Xây dựng và ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; (2) Xây dựng và ban hành Danh mục các Văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; (3) Tổ chức thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; (4) Kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; và (5) Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai.
Kế hoạch theo dõi có một số điểm mới đáng chú ý như: (i) Việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai sẽ không mang tính bắt buộc, mà các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình có thể lựa chọn lĩnh vực này để đưa vào Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của địa phương mình; (ii) Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan lựa chọn 06 địa phương (tạm gọi là “địa phương điểm”) để tiến hành kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai (gồm các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình, Lai Châu, Bình Dương, Đồng Nai); (iii) Kế hoạch đã huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân thông qua đại diện là Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam với chức năng thực hiện giám sát và phản biện xã hội đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và tại các Điều 4, Điều 6, Điều 11 và Điều 13 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP…
Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai năm 2016 cũng đã xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch của Bộ Tư pháp, các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL