Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng CP kết quả 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL

06/04/2016

Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, thông tin thu thập được thông qua hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, phản ánh kiến nghị của người dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã xây dựng Báo cáo số 65/BC-BTP ngày 31/3/2016 sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

 
Báo cáo nêu rõ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc quản lý nhà nước và xã hội; nâng cao vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thực hiện củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cũng như hiệu lực, hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các ngành, các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như việc theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật còn chưa bài bản, khoa học; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn mang tính hình thức, phong trào, hiệu quả chưa cao; việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa được thực hiện trên diện rộng; cơ chế triển khai thực hiện, quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật ở một số Bộ, cơ quan, địa phương còn khó khăn, lúng túng, chậm được đổi mới; tổ chức và năng lực đội ngũ người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật chậm được thành lập, kiện toàn, không ổn định, nhất là ở các địa phương
Trong bối cảnh tổ chức triển khai Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bám sát kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu“thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật”, Bộ Tư pháp đã đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài để tạo sự đột phá về tổ chức, hoạt động của công tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật; tạo các điều kiện cơ bản và đầy đủ cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương.
Nội dung chi tiết của Báo cáo xin xem file đính kèm.