Điểm tin báo chí ngày 15/01/2014

15/01/2014

 

Trong ngày 14/01 và đầu giờ sáng ngày 15/01/2013, một số báo đã có bài phản ánh những thông liên quan đến công tác tư pháp như sau:

 

I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Tiền phong Online có bài Cưỡng chế trái luật?. Bài báo phản ánh: Ngày 14/1, ông Nguyễn Minh Sơn (SN 1955, ở phường Vân Cơ, TP Việt Trì, Phú Thọ) có đơn gửi Cục Điều tra Hình sự - Viện KSNDTC, tố cáo Chi cục Thi hành án Dân sự TP Việt Trì cưỡng chế thi hành án trái pháp luật.

Theo ông Sơn, sáng 14/1, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Việt Trì đã cưỡng chế tài sản của Cty CP Đầu tư thương mại Việt Hưng (số 2256 Đại lộ Hùng Vương, TP Việt Trì), để thi hành Quyết định Công nhận thỏa thuận của các đương sự số 16/2012 ngày 23/7/2012 của TAND TP Việt Trì.

Điều đáng nói, trước khi việc cưỡng chế trên diễn ra, ngày 9/1/2014, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã ký kháng nghị Giám đốc thẩm QĐ 16/2012 và quyết định tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm, vì cho rằng TAND TP Việt Trì đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

2. Báo VietnamNet có bài Đảm bảo địa vị pháp lý cho kiều bào Campuchia. Bài báo phản ánh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại sứ quán VN tại Campuchia phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại giải quyết đảm bảo địa vị pháp lý rõ ràng cho số kiều bào còn chưa có hộ khẩu, khai sinh, chứng minh thư.

Chiều 12/1, tại Phnom Penh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, thăm và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt tại Campuchia.

Một trong những vấn đề kiều bào nêu với Thủ tướng, đó là kiến nghị với chính quyền quốc gia sở tại đảm bảo địa vị pháp lý rõ ràng cho 126 ngàn kiều bào hiện vẫn chỉ có hộ khẩu tạm trú, cũng như kinh phí nghĩa vụ - một trong những điều kiện bắt buộc - dù đã được chính quyền nước sở tại ưu tiên giảm còn một nửa, đóng rải thời gian trong nhiều năm nhưng đối với số bà con nghèo, đặc biệt sinh sống ở khu vực Biển Hồ vẫn là điều kiện khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại giải quyết đảm bảo địa vị pháp lý rõ ràng cho số kiều bào còn chưa có hộ khẩu, khai sinh, chứng minh thư... để bà con yên tâm làm ăn sinh sống lâu dài tại Campuchia, đóng góp cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

3. Báo VTV Online có bài Nam Định: Thủ đoạn trục lợi tiền của người đã chết. Bài báo phản ánh: Cán bộ xã không làm giấy khai tử cho người đã mất để trục lợi tiền hỗ trợ của Nhà nước - câu chuyện bi hài ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, Nam Định.

Ở địa phương này, dù người đã chết nhưng không được báo tử, vẫn coi như người đang sống, ngay cả mọi thủ tục pháp lý vẫn còn giữ nguyên. Thậm chí, có những trường hợp kéo dài đến hơn 17 năm. Câu chuyện tưởng chừng như vô lý này nhưng lại là sự thật ở xã Trực Thuận.

4. Báo Đất Việt có bài Vấn đề '16 tuổi lấy chồng' thổi bùng tranh luận. Bài báo phản ánh: Bộ Tư pháp cho rằng quy định độ tuổi kết hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình đã không còn phù hợp.

Dự luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) trở lại bàn nghị sự tại UB Thường vụ ngày 13/1. Vấn đề “thổi bùng” tranh luận lại là độ tuổi kết hôn.

Về độ tuổi kết hôn, đại diện Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.

Bộ Tư pháp cho rằng quy định độ tuổi kết hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình đã không còn phù hợp. Bởi thực tế hiện nay tại nhiều địa phương dù nam nữ không đủ tuổi theo quy định nhưng vẫn kết hôn vì phong tục tập quán. Do đó, các nhà làm luật đề xuất giảm tuổi được kết hôn thêm 2 tuổi đối với cả nam và nữ.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, với thực tế tảo hôn đang diễn ra, nếu không công nhận thì phần thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu hạ độ tuổi kết hôn thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu chưa đủ cơ sở thì tuổi kết hôn vẫn giữ nguyên quy định 18 với nữ, 20 với nam như hiện nay. “Ngày xưa 3 tuổi lấy chồng, rồi sau đó 7 tuổi lấy chồng. Tuổi lấy chồng dần dần phải nâng lên, sao lại kéo tụt xuống?”, ông Lý đặt vấn đề.

Các ý kiến khác cùng cho rằng độ tuổi kết hôn không nên hạ xuống vì chúng ta đang xây dựng xã hội văn minh, không nên đi ngược lại với xu hướng chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất hạ tuổi kết hôn xuống 2 tuổi được của các nhà làm luật chỉ để phù hợp với thực trạng… tảo hôn chứ không phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ và cũng là khỏa lấp sự yếu kém trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cũng như thiếu năng lực trong công tác quản lý, thực thi pháp luật của giới chức.

Đành rằng việc hạ độ tuổi kết hôn xét trên một khía cạnh nào đó sẽ khiến người phụ nữ ít phải chịu thiệt thòi, nhưng thực tế cho thấy nó làm nảy sinh nhiều vấn đề và không phù hợp với Việt Nam.

Nếu hạ độ tuổi kết hôn sẽ có một số vấn đề nảy sinh như các quy định liên quan đến trẻ vị thành niên, xử lý tội phạm hình sự ở tuổi này, quy định cấm sử dụng lao động vị thành niên trong một số ngành nghề,... Theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (bất động sản, tín dụng,…) cũng đòi hỏi chủ thể phải đủ 18 tuổi trở lên,…

Các chuyên gia y tế cũng phản đối đề xuất này với lý do nữ 18 tuổi vẫn chưa đủ chín chắn, chưa có kiến thức về sức khỏe để có thể làm một người mẹ tốt.

Một bác sĩ chuyên khoa sản tại TP.HCM chia sẻ, hạ độ tuổi kết hôn so với quy định hiện hành là phi lý, không phù hợp nếu xét trên phương diện y học. Bởi phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết; đến 22 tuổi, mới đầy đủ và sẵn sàng cho việc sinh con. Nếu kết hôn sớm hơn, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, hiện nay, điều kiện sống được nâng cao, ăn uống đầy đủ, trẻ thế hệ 9X đời cuối hoặc sinh những năm 2000 có sự phát triển về thể hình khá nhanh so với các lứa tuổi trước đó (chẳng hạn như trường hợp người mẫu 13 tuổi cao 1,7 m). Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề hình thể, còn tâm lý, trí tuệ các em vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành giáo dục cũng cho biết, nếu kết hôn ở tuổi 16 thì các “cô dâu” đều còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, tức là độ tuổi đang học lớp 10. Không thể nói rằng việc kết hôn, sinh con không ảnh hưởng đến việc học tập của người phụ nữ.

Do đó, theo các chuyên gia, trước khi xem xét đến việc hạ độ tuổi kết hôn, cần có một nghiên cứu khoa học xã hội về mọi mặt của lứa tuổi 16, từ vấn đề tâm sinh lý, khả năng đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ, và sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, tinh thần của các thế hệ tiếp theo,…. Khảo sát cần phải tiến hành với số lượng mẫu thống kê đủ lớn, bao gồm đủ các vùng miền và kết quả có tính khoa học được một hội đồng khoa học đánh giá chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính cho rằng “ngày nay nó thế” rồi đưa ra kết luận.

II- THÔNG TIN KHÁC

Báo Nhân dân điện tử đưa tin Phiên họp thứ 24 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII. Thảo luận dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) và dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu nhất trí với tinh thần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Thực tiễn thi hành Luật cho thấy, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tế; một số cải tiến mới trong hoạt động của QH, các cơ quan của QH cần được điều chỉnh nhằm phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH trong những năm tới. Việc sửa đổi Luật Tổ chức QH lần này nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng; đặc biệt, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, đây là dự án sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức QH hiện hành. Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi), gồm sáu chương với 140 điều. Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến cụ thể nhiều nội dung trong dự thảo Luật về các nội dung: QH, Ủy ban TVQH; Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH; đại biểu QH, Đoàn đại biểu QH, các cơ quan thuộc QH.Nhiều đại biểu đề nghị cần xác định và nêu rõ trong quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi Luật Tổ chức QH là sửa đổi cơ bản, toàn diện hay chỉ sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp. Việc sửa đổi dự án Luật lần này cần tạo sự hài hòa thống nhất với việc sửa đổi các luật khác có liên quan.

Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh về kết cấu của dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), trong đó cần đề cao vai trò trọng tâm của đại biểu QH và sắp xếp lại một số chương trong dự án Luật cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi này nên tập trung nghiên cứu, điều chỉnh về cơ cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; pháp điển hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của QH để thuận tiện cho đại biểu QH, các cơ quan của QH trong việc thực hiện các quy định cụ thể. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị xem xét tiếp tục giữ bố cục và cơ cấu của Luật Tổ chức QH như hiện nay. Nếu có, có thể sửa đổi, bổ sung những nội dung thật cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới và yêu cầu thực tiễn. Nhiều ý kiến tán thành với quy định chức danh Tổng Thư ký QH, và chức danh này không nhất thiết do đại biểu QH đảm nhiệm, là một công chức đứng đầu bộ máy giúp việc của QH.Một số ý kiến khác đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu QH.

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH đã thảo luận cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Về dự án Luật này, cơ bản, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành, đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể chung quanh các vấn đề, gồm: áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế; hoạt động quốc tế về hải quan; địa bàn hoạt động hải quan; hệ thống tổ chức hải quan; quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Cũng trong chiều qua, Ủy ban TVQH đã thảo luận thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của QH.