Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào (mở rộng) lần thứ III

Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào (mở rộng) lần thứ III

Từ ngày 26 đến ngày 28/9/2016, Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào lần thứ ba (mở rộng) được tổ chức tại Thanh Hóa dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Xay-xỉ Xẳn-ti-vông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào.

Tham dự Hội nghị có trên 100 cán bộ là Lãnh đạo của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới; lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định của Việt Nam và 8 tỉnh còn lại của Lào. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Hợp tác song phương Việt-Lào, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư lệnh Biên phòng của phía Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.

Trong suốt những năm qua, Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào đã trở thành sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành Tư pháp hai nước. Hội nghị lần thứ III tiếp tục khẳng định mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa ngành Tư pháp hai nước, khẳng định sự tiếp nối, vun đắp và phát triển nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, tài sản vô cùng quý báu mà các thế hệ cán bộ của hai ngành Tư pháp luôn có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và phát triển hơn nữa.
Những kết quả hoạt động hợp tác trong thời gian qua cho thấy ngành Tư pháp hai nước đã tiếp tục thực hiện theo đúng các mục tiêu ngay từ Hội nghị lần thứ nhất tháng 6 năm 2011 (cũng tại Thanh Hóa) đã đề ra và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị lần thứ 2 tháng 7 năm 2014 (tại Viêng chăn, Lào): Mục tiêu về tăng cường mối quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Lào ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, thực chất hơn, góp phần giữ vững, ổn định, gìn giữ biên giới hòa bình Việt Nam – Lào, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân; bảo đảm cơ hội, điều kiện, khả năng phát triển và hội nhập, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nước trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đây là mục tiêu mà hai ngành Tư pháp luôn theo đuổi, được khẳng định tại mỗi Hội nghị được tổ chức.

Kết quả từ các Hội nghị lần trước cho thấy rõ sự gia tăng về số lượng và sự nâng cao về chất lượng, hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án. Từ Hội nghị lần thứ nhất chỉ có một vài tỉnh thì đến nay đã có 11 cặp Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh biên giới Việt – Lào đã ký và triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác/Biên bản ghi nhớ trực tiếp với nhau, đặc biệt, từ Hội nghị này, ngoài các tỉnh có chung đường biên giới, các Sở Tư pháp các địa phương khác như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác với các tỉnh của Lào. Công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt-Lào đã ngày càng được tăng cường. Hai nước cũng đã tăng cường trao đổi rất nhiều đoàn cấp cao, các cấp làm việc hiệu quả, cùng phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân hai nước. Các nội dung hợp tác cũng ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn.   

Để đáp ứng các yêu cầu phát triển của cả hai nước, trong thời gian tới, ngành Tư pháp hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác sâu, rộng, hiệu quả hơn nữa. Hội nghị lần này, hai Bên sẽ cùng nhau thảo luận và tìm ra các nội dung hợp tác mới giữa các địa phương hai nước; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở cả cấp Trung ương (thông qua Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào – Dự án ODA đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào trong lĩnh vực tư pháp) và ở cấp địa phương (thông qua các Trường Trung cấp Luật cho các địa phương của Lào); cùng trao đổi cụ thể, chuyên sâu về công tác quản lý quốc tịch, hộ tịch ở các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào, về tình hình thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước cũng như trao đổi chuyên sâu về công tác thi hành án, tương trợ tư pháp giữa các địa phương có chung đường biên Việt – Lào thực hiện theo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào.

Tin tưởng rằng, với tinh thần hợp tác “vừa là đồng chí vừa là anh em”, Hội nghị sẽ đánh giá đúng, khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị đường biên lần thứ hai, tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để xây dựng được cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh đường biên Việt – Lào.
Những kết quả quan trọng đạt được trong Hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt, toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Lào, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp có chung đường biên của hai nước phát triển sâu sắc hơn và hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước./.
Vụ Hợp tác quốc tế