Khóa tập huấn trung cấp của Wordbank - ngày khai mạc lớp chuyên đề Giải ngân

Khóa tập huấn trung cấp của Wordbank - ngày khai mạc lớp chuyên đề Giải ngân

Ngày 26/05/2016, bước sang ngày thứ 3 của Khóa tập huấn trung cấp của Wordbank, cũng là ngày khai mạc lớp chuyên đề Giải ngân. Chuyên đề này được đánh giá là một trong những chuyên đề quan trọng nhất của khóa đào tạo, thu hút được đông đảo cán bộ tham dự. Phần lớn học viên tham lớp học đều đang đảm nhiệm vị trí kế toán, kiểm toán viên cũng như lãnh đạo của các Ban Quản lý dự án (BQLDA) sử dụng nguồn vốn của Wordbank. Để đảm bảo phù hợp với các đối tượng tham dự đồng thời nâng cao hiệu quả đào tạo, lớp học được thiết kế tương đối khác so với 2 lớp trước đó, tăng dung lượng trao đổi giữa học viên với chuyên gia, và giữa học viên với nhau thông qua những bài tập thực tế, tạo không khí sôi nổi nhằm khuyến khích tinh thần hỏi đáp của học viên.
Phần đầu của buổi học, chuyên gia của Worldbank đã trình bày những căn cứ pháp lý quan trọng mà các BQLDA cần nghiên cứu kỹ - đó là hiệp định và thư giải ngân; tiếp đó là 4 hình thức giải ngân cơ bản ứng với 4 loại thư giải ngân được quy định trên hệ thống Clientconnection của Wordbank. Để áp dụng đúng và linh hoạt các hình thức này thì BQLDA cần nắm được điều kiện áp dụng và những thủ tục cần thực hiện. Chuyên gia cũng nêu điểm giống và khác nhau cơ bản giữa các dự án áp dụng mức trần tài khoản cố định và dự án áp dụng mức trần biến đổi, đồng thời nêu ra kinh nghiệm làm thư giải ngân sao cho đáp ứng được nhu cầu tài chính của dự án trong thời gian sắp tới. Ngay sau nội dung này, học viên đã được tiếp cận với một phương thức làm bài tập trắc nghiệm tương tác trực tiếp. Theo đó học viên sẽ phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến nội dung khóa học, như cách xác định loại trần tài khoản áp dụng, cách thức đề xuất chuyển tiền và ghi sổ chi phí trong thư giải ngân và một số nội dung khác. Các câu trả lời của học viên được thống kê và biểu thị bằng chỉ số trực quan trên màn chính của lớp học. Chuyên gia sẽ đi từng câu hỏi, giải đáp những nội dung mà học viên còn chưa sáng tỏ. Phương pháp này được đa số học viên đánh giá là hiệu quả và giúp học viên nhớ bài tốt hơn.
Kết thúc giờ giải lao, lớp học tiếp tục với nội dung Quản lý tài khoản chỉ định & Xác định các chi phí hợp lý. Sang buổi chiều, chuyên gia đã tập trung giới thiệu những công việc cần làm và vấn đề phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị đóng dự án cũng như sau khi đóng dự án, cụ thể là Thu hồi tài khoản chỉ định, tạm ứng sau ngày đóng dự án, thanh toán phí kiểm toán, thuế thu nhập, thanh toán tiền giữ lại. Sau khi hoàn tất phần lý thuyêt, các nhóm được phân công xử lý các tình huống thực tế khá phức tạp, yêu cầu học viên phải vận dụng kiến thức mình được học về những quy định của Worldbank, đồng thời cũng phải xem xét cả những khía cạnh do pháp luật Việt Nam quy định để giải quyết được tình huống. Nhiều tính huống còn yêu cầu học viên vận dụng cả những kinh nghiệm thực tế cũng như độ nhanh nhạy, linh hoạt của mình để xử lý.
Nội dung cuối cùng được giới thiệu trong lớp chuyên đề này là cách sử dụng chìa khóa bảo mật bằng bàn phím trên màn hình, giải đáp các câu hỏi về ký đơn, giải ngân bằng điện tử và giới thiệu hệ thống mới của Worldbank sắp được đưa vào triển khai thực hiện. Đó là hệ thống E-Business (Hệ thông giao dịch qua mạng khách hàng mới thay cho hệ thống Clientconnection). Hệ thống mới sẽ có nhiều cải tiến và thay đổi và sẽ được áp dụng thí điểm cho một số BQLDA trước khi đưa vào vận hành chính thức. Nếu hệ thống mới được triển khai thành công, Wordbank sẽ tiếp tục củng cố vững chắc vị thế thống lĩnh của mình trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và khoa học hiện đại vào quản lý các nguồn vốn, tăng tính chính xác và minh bạch lên mức cao nhất. Điều này cũng sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho các BQLDA nhất là khi nguồn vốn IDA (vốn vay ưu đãi) mà Worldbank dành cho Việt Nam sắp kết thúc, thay vào đó là nguồn vốn IBRD (vốn vay kém ưu đãi hơn) do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Nguyễn Quang Huy – Ban QLDACT Bộ Tư pháp