BỘ TƯ PHÁP BÁO CÁO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TÌNH HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT NĂM 2015
Năm 2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định số 113/2014/NĐ-CP với những nội dung, yêu cầu mới trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về HTQT pháp luật. Trong năm 2015, nhiều văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quản lý hoạt động đối ngoại nói chung và HTQT về pháp luật nói riêng cũng đã được ban hành, đặc biệt là Quyết định số 272/QĐ-TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 07/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Các văn bản này cùng các văn bản đã được ban hành trước đó tạo cơ sở cho quản lý các hoạt động HTQT về pháp luật cũng như đặt ra yêu cầu tăng cường quản lý HTQT về pháp luật theo định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo cáo của 25/40 cơ quan, tổ chức ở Trung ương, 06 cơ quan của Quốc hội và 35/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Tư pháp cho thấy các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đang thực hiện 53 chương trình, dự án, trong đó 20 chương trình, dự án hợp tác song phương và 26 chương trình, dự án hợp tác đa phương và 7 chương trình, dự án hợp tác sử dụng nguồn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài. Bên cạnh đó, 17 cơ quan, tổ chức ở Trung ương có tiếp nhận viện trợ phi dự án với các hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế và tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát, trao đổi tài liệu, giáo trình, nghiên cứu đề tài khoa học…
Các chương trình, dự án, hoạt động HTQT về pháp luật đã tập trung hỗ trợ cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Hiến pháp năm 2013 như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức chính quyền tại địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tiếp cận thông tin, Luật ban hành quyết định hành chính, Luật dân tộc. Đồng thời, các hoạt động hợp tác về pháp luật cũng phục vụ có hiệu quả cho quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, xây dựng và thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có việc ký kết Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh việc duy trì các nội dung, chương trình hợp tác truyền thống, hoạt động HTQT về pháp luật đã bước đầu có sự chuyển hướng theo yêu cầu tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Năm 2015, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phát triển dự án hợp tác với Lào trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật.
Các đối tác hỗ trợ HTQT về pháp luật trong năm 2015 có sự chuyển dịch từ các đối tác song phương sang các đối tác đa phương. Các đối tác đa phương hỗ trợ chính cho Việt Nam gồm các tổ chức của UN (UNDP, UNICEF, UN Women), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).... Các đối tác song phương chủ yếu là các đối tác lớn, có kinh nghiệm như Chính phủ Ôtxtrâylia, CHLB Đức, Đan Mạch, các cơ quan hợp tác phát triển CIDA - Canada, JICA -Nhật Bản, USAID - Hoa Kỳ, KOICA - Hàn Quốc, AusAIDS-Australia. Các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho hoạt động hợp tác pháp luật chủ yếu là các đối tác Tổ chức tầm nhìn thế giới quốc tế, Quỹ Rosa Luxemburg Stifung, Oxfarm – Anh, Trung tâm nhân quyền Nauy thuộc đại học Oslo. Việc lựa chọn đối tác để hợp tác cũng được đặc biệt quan tâm, trong đó lưu ý lựa chọn các đối tác có nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thiện pháp luật, cải cách thể chế, cải cách pháp luật phù hợp với Việt Nam.
Trên cơ sở tình hình thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, Báo cáo đã đưa ra những đánh giá chung về ưu điểm, và tồn tại hạn chế của hợp tác quốc tế về pháp luật năm 2015. Ưu điểm của hợp tác quốc tế về pháp luật năm 2015 là các hoạt động hợp tác tiếp tục được duy trì, phát triển và là kênh hỗ trợ, cung cấp thông tin tham khảo cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. Việc thực hiện các hoạt động cơ bản tuân thủ quy định về quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, trong đó chú trọng thực hiện theo những yêu cầu, quy định mới của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP. Các đề xuất hợp tác đều bắt nguồn từ nhu cầu hợp tác của các cơ quan Việt Nam. Nội dung và hình thức đã bước đầu có những chuyển hướng theo chiều sâu, thiết thực hơn, tiếp tục khai thác có hiệu quả lợi thế, kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về HTQT về pháp luật đã được nỗ lực triển khai toàn diện theo các nội dung quy định tại Nghị định số 113/2014/NĐ-CP. Với việc ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BTP, thể chế về quản lý hoạt động HTQT về pháp luật cơ bản đã được hoàn thiện. Năm 2015, Bộ Tư pháp cũng đã có những đổi mới trong thực hiện vai trò vận động, điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, bước đầu triển khai hoạt động kiểm tra, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn đối với việc hợp tác quốc tế về pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật được cải thiện, bảo đảm thực hiện tốt hơn quy trình, thủ tục trong quản lý thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, trực tiếp là quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, cơ bản không để xảy ra những sai sót, vi phạm về an ninh, đối ngoại trong hoạt động HTQT về pháp luật. Việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trong quản lý thực hiện hoạt động HTQT về pháp luật được bảo đảm.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật cụ thể là: việc tuân thủ Nghị định số 113/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan của một số cơ quan, tổ chức còn có những hạn chế nhất định, như chưa phân định rõ được hội nghị, hội thảo về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nên qua theo dõi cho thấy có một số hội nghị, hội thảo về pháp luật thuộc các chủ đề nhạy cảm nhưng chưa xin phép; chưa thực hiện đầy đủ quy trình tiếp nhận viện trợ phi dự án hoặc việc tiếp nhận không đúng quy định; việc cung cấp, chia sẻ thông tin, báo cáo kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và theo thời hạn quy định ... So với các yêu cầu, nguyên tắc trong sử dụng và vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, sự chủ động tích cực và tư duy chiến lược dài hạn trong HTQT về pháp luật chưa được như mong muốn; số lượng các chương trình, dự án HTQT về pháp luật có xu hướng giảm và tập trung chủ yếu ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Việc tham gia của các cơ quan địa phương vào hoạt động HTQT về pháp luật còn hạn chế, chủ yếu là tham gia vào các hoạt động cụ thể do cơ quan, tổ chức ở Trung ương thực hiện. Theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, các Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh trong việc quản lý chương trình, dự án hợp tác pháp luật tại địa phương và vận động, điều phối các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về pháp luật. Kết quả kiểm tra tại Sở Tư pháp Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh cho thấy Sở Tư pháp còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này; nội dung và hình thức của hoạt động điều phối HTQT chưa phong phú, đa dạng. Phạm vi điều phối chỉ tập trung ở các chương trình, dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản mà chưa có sự phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các chương trình, dự án HTQT về pháp luật do các Bộ, ngành khác là cơ quan chủ quản để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Việc thành lập Nhóm quan hệ đối tác về pháp luật với vai trò là một hình thức trong vận động, điều phối HTQT về pháp luật theo quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP chậm được thực hiện so với Kế hoạch đã đề ra.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với các nền kinh tế, các nhà tài trợ đã xem xét, thay đổi chính sách ODA dành cho Việt Nam theo hướng giảm dần các chương trình, dự án ODA, trong đó có cả lĩnh vực pháp luật.Bên cạnh đó, do việc triển khai các chương trình hợp tác, kế hoạch hoạt động cần có sự thống nhất giữa phía Việt Nam và phía nước ngoài nên quá trình đàm phán để định hướng, thống nhất các hoạt động hợp tác còn khó khăn, chưa đáp ứng được định hướng, yêu cầu chuyển hướng hợp tác của Việt Nam. Một số cơ quan Bộ, ngành và địa phương khi thực hiện hoạt động HTQT về pháp luật chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của hoạt động HTQT về pháp luật hoặc chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sử dụng hiệu quả sự hợp tác này. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công việc HTQT về pháp luật tại bộ phận này còn mỏng, thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm, chưa chú trọng đến việc tổng hợp, điều phối hoạt động HTQT về pháp luật, cũng như chưa chủ động đưa ra các đề xuất để phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc vận động, đàm phán các chương trình, dự án, hoạt động HTQT về pháp luật.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, tồn tại cùng những nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại đó, Báo cáo đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hợp tác quốc tế về pháp luật cụ thể là cácc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định đúng định hướng HTQT về pháp luật của cơ quan, đơn vị mình trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ được giao; có các biện pháp hiệu quả bảo đảm tất cả các chương trình, dự án, kế hoạch... và các hoạt động HTQT cụ thể về pháp luật tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế, ngăn ngừa những tác động không mong muốn từ các hoạt động HTQT trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, các cơ quan này cần phải quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, tổ chức tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế về pháp luật, nhất là việc xây dựng chương trình, dự án, tiếp nhận viện trợ phi dự án; chia sẻ thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình tổng hợp nhu cầu, điều phối việc thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật; thường xuyên rà soát, đánh giá để có giải pháp bảo đảm hiệu quả, chủ động, kế thừa bền vững trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Các Bộ, ngành và địa phương lựa chọn, phân công cán bộ có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị để triển khai các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật; thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật để tạo ra nhận thức thống nhất, nâng cao cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.Đối với các Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Báo cáo cũng kiến nghị tăng cường sự phối hợp liên ngành để thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý những vấn đề phát sinh và thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước. Đối với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, cần kịp thời thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về pháp luật cần phải kịp thời hướng dẫn, theo dõi, định kỳ kiểm tra để phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước trong hợp tác pháp luật. Trong năm 2016, Bộ Tư pháp có kế hoạch để hoàn thiện, cập nhật, chia sẻ thông tin hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật theo đúng quy định./.
Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp