Ký kết Hiệp định tài chính Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”

Ký kết Hiệp định tài chính Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”

02/12/2015

 

Chiều ngày 02/12/2015 (theo giờ châu Âu), tại Brussels, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu – Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Cao ủy Hợp tác và phát triển Ủy ban châu Âu đã ký kết Hiệp định tài chính giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu về Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”.

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng tăng cường hợp tác và phát triển nhằm giải quyết tốt hơn nữa những thách thức trong tương lai trên con đường hướng tới xã hội phồn vinh, dân chủ và công bằng. Hỗ trợ Việt Nam tăng cường quản trị và xây dựng nhà nước pháp quyền được Liên minh châu Âu (EU) xác định là một trong hai lĩnh vực hỗ trợ chính cho Việt Nam trong Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020.

 

 Ảnh nguồn: Liên minh châu Âu

Việc ký kết Hiệp định tài chính với EU tạo cơ sở pháp lý để hai bên chính thức thực hiện Dự án trong năm 2016 và các năm tiếp theo, góp phần hỗ trợ các các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền con người, xây dựng nền tư pháp vững mạnh và bảo vệ công bằng xã hội. Dự án này hướng tới mục tiêu tổng thể là “Tăng cường xây dựng nhà nước pháp quyền thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn”, phù hợp với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra; góp phần hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với mục tiêu cụ thể là “tăng cường tiếp cận công lý cho nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo”, Dự án sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng yếu thế nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền.

 

 Ảnh nguồn: LAURENT DUBRULE

 

Dự án được thực hiện nhằm đạt được 4 kết quả chính sau:

-          Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật;

-          Hỗ trợ người dân nói chung và một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý;

-          Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận hệ thống pháp luật và tư pháp.

-     Tăng cường tính hiệu quả, tính giải trình và minh bạch của hệ thống tư pháp, phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống pháp luật và tư pháp

 

 Ảnh nguồn: LAURENT DUBRULE

Dự án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các cơ quan tư pháp và pháp luật; nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và các nguyên tắc quy định trong các luật của Việt Nam, về các cơ chế và thủ tục trong việc sử dụng, áp dụng luật và các cách thức lựa chọn hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp luật và đại diện, bào chữa; tăng cường cơ hội, khả năng tiếp cận tư pháp của các nhóm đối tượng yếu thế; và bảo đảm việc thực thi các cam kết quốc tế có liên quan của Việt Nam và thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013 thông qua hỗ trợ một số hoạt động xây dựng pháp luật.

 Trong lĩnh vực hợp tác về pháp luật, EU là đối tác quan trọng, đã hỗ trợ Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, bảo đảm thực hiện quyền con người, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ và bảo vệ công bằng xã hội. Sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình đối tác tư pháp (JPP) giai đoạn 2010-2014 do EU đồng tài trợ cùng Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Thuỵ Điển đã tạo ra những dấu ấn nhất định trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định tài chính và triển khai thực hiện dự án mới này sẽ là cơ hội để EU tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các quy định Hiến pháp mới 2013 trong đó có nhiều quy định về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.