CHẾ ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

CHẾ ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

 

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2015 (đã được phê duyệt) của "Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật" do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, ngày 08 tháng 6 năm 2015, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp với JICA tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi phần quy định về giao dịch bảo đảm. Mục đích chính của Tọa đàm là giới thiệu, thảo luận và trao đổi về những chế định mới về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về lĩnh vực này.

“Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi phần quy định về giao dịch bảo đảm” là một trong những buổi tọa đàm đầu tiên được tổ chức tại Bộ Tư pháp trong năm 2015 dưới sự tài trợ của Dự án JICA. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Văn kiện hợp tác giai đoạn III (2015-2020) giữa Bộ Tư pháp và Dự án JICA. Theo đó, hai Bên sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật và đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tiếp theo các hoạt động được triển khai tại Văn kiện hợp tác giai đoạn II, các chuyên gia của Dự án JICA cũng như đội ngũ chuyên gia pháp luật của Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện những chế định cuối cùng của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6 năm 2015) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).

Tham dự Tọa đàm, về phía Nhật Bản có các chuyên gia dài hạn của Dự án JICA, về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Vụ Hợp tác quốc tế và Viện khoa học pháp lý cùng với đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức làm công tác lý luận và thực tiễn như giảng viên các trường đào tạo Luật, thẩm phán, các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

   

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã giới thiệu chung về chương trình tọa đàm, tiến trình xây dựng dự thảo nói chung và tiến trình xây dựng các chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói riêng. Ông Hải cho biết, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đến nay đã được chỉnh lý và trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2015. So với bản Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến toàn dân vào tháng 1/2015, bản Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội tháng 5/2015 có khá nhiều điểm đã được chỉnh lý và sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới.

Tiếp đó, ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Đăng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã có bài tham luận giới thiệu chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định từ Điều 301 đến Điều 367 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật Dân sự bước đầu đã tiếp cận với tư duy mới, tạo sự chuyển biến tích cực và khắc phục những hạn chế, bất cập của BLDS năm 2005 khi quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể: phương thức để biện pháp bảo đảm đối kháng với người thứ ba; khái niệm “hiệu lực đối kháng với người thứ ba”; thứ tự quyền ưu tiên giữa các bên liên quan đến tài sản bảo đảm; khái niệm cầm cố tài sản, thế chấp tài sản; bán tài sản cầm cố, thế chấp; các quy định liên quan đến đặt cọc, ký cược, ký quỹ và bảo lãnh… là những nội dung cần được thảo luận thêm và quy định thống nhất trong suốt dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

   

Đại diện Viện khoa học pháp lý, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự Kinh tế đã có bài tham luận đánh giá quy định của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo bà Thanh, một số nội dung của Dự thảo về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần được xây dựng trên cơ sở phù hợp với đời sống thực tiễn và quy định pháp luật của Việt Nam đồng thời có cân nhắc các quy định chung của các nước khác như Nhật Bản, Pháp...

Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ các tổ chức tín dụng cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà chưa được quy định trong dự thảo. Ví dụ như: trên thực tế, có nhiều tổ chức tín dụng đang triển khai hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến (online). Theo hình thức gửi này, tổ chức tín dụng sẽ không cấp thẻ tiết kiệm cho người gửi tiết kiệm mà những thông tin về việc gửi tiết kiệm sẽ được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử. Do đó, quy định về việc cầm cố tài sản Điều 324 của dự thảo chỉ phù hợp với trường hợp gửi tiết kiệm theo phương thức truyền thống, mà không phù hợp với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến như hiện nay. Nhân buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị các nhà làm luật nghiên cứu và quy định thêm về vấn đề này vào dự thảo Bộ luật dân sự.

Trên cơ sở những góp ý và thảo luận tại Tọa đàm, Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo. Thay mặt cơ quan chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định trên cơ sở những ý kiến góp ý của các chuyên gia và các đại biểu tại buổi Tọa đàm, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ phối hợp với Ban soạn thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành họp tư vấn thẩm định trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015./.