Hội thảo về chia sẻ thông tin kết quả rà soát bước đầu pháp luật tư pháp

Hội thảo về chia sẻ thông tin kết quả rà soát bước đầu pháp luật tư pháp

01/03/2016

Ngày 01 tháng 03 năm 2016 tại Hà Nội, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về chia sẻ thông tin kết quả rà soát bước đầu pháp luật tư pháp tập trung vào giao dịch thương mại và giới thiệu các quy định mới của phần thứ năm Bộ luật Dân sự 2015. Hoạt động này được hỗ trợ bởi Dự án phát triển lập pháp quốc gia (NLD). Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, những người nhiều năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế (TPQT).
            Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận với các nội dung chủ yếu như tóm tắt về kết quả rà soát bước đầu pháp luật Tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại và đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế nhằm phục vụ yêu cầu Hội nhập quốc tế; giới thiệu về pháp luật tư pháp quốc tế của một số nước; thực tiễn của Canada trong xây dựng và thực thi Luật tư pháp quốc tế; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật tư pháp quốc tế trong Hợp đồng; khái quát những quy định mới của phần thứ 5 Bộ luật dân sự 2015; những điểm mới về pháp luật áp dụng trong Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 – Ông Ngô Quốc Chiến (Đại học Ngoại thương).

            Thông qua việc trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận trong hội thảo, các diễn giả, đại biểu tham dự đều thống nhất vai trò quan trọng của pháp luật Tư pháp Quốc tế trong quá trình hội nhập nhanh và sâu rộng của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật về tư pháp quốc tế của ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ như: nhiều quy phạm còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính hệ thống; còn có những quy định cứng nhắc, áp dụng máy móc và chưa theo kịp nhu cầu của xã hội; trong hệ thống luật còn nhiều lỗ hổng và chưa có quy định cụ thể. Điều này đặt ra những vấn đề nóng cần giải quyết nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập công ước VIENCE 1980, TPP và TEFTA (The Europe Free Trade Agreement). Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một Đạo luật riêng về Tư pháp Quốc tế thì mới điều chỉnh hết được những vấn đề căn bản trong lĩnh vực này. Ông Isabeau Vilandre (Giám đốc thường trú dự án NLD) cũng nêu ra ba cách tiếp cận để hoàn thiện tư pháp quốc tế ở Việt Nam. Thứ nhất là tập hợp những quy phạm TPQT nằm rải rác trong những văn bản pháp luật khác nhau (Bộ luật dân sự và các văn bản chuyên ngành). Thứ 2 là pháp điển hóa những quy phạm đó và thứ 3 là xây dựng một bộ luật riêng về Tư pháp quốc tế. Tiếp tục ý kiến của ông Isabeau về định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật Tư pháp quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới. Phát biểu tại Hội thảo, Ông Bạch Quốc An (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế) cũng nêu ra những vấn đề cần cân nhắc khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật tư pháp quốc tế: (1) nhu cầu thực tiễn về việc xây dựng Luật riêng về Tư pháp quốc tế; (2) phạm vi và vị trí của Luật riêng về tư pháp quốc tế trong mối quan hệ với Bộ luật dân sự và các đạo luật chuyên ngành nhằm tránh sự chồng lấn về phạm vi điều chỉnh; (3) thời điểm xây dựng. Đây là những vấn đề cốt lõi cần tính đến khi lựa chọn con đường cho Tư pháp Quốc tế Việt Nam.

            Hội thảo cũng đã công bố kết quả Báo cáo rà soát bước đầu pháp luật Tư pháp Quốc tế, báo cáo này đã được sử dụng làm cơ sở đề điều chỉnh Phần V, Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên báo cáo này mới đang dừng lại ở những bước đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng thêm nhiều để cung cấp được bức tranh toàn diện nhất của Tư pháp Quốc tế ở Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Tư pháp Quốc tế.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cũng trao đổi về những điểm mới về pháp luật áp dụng trong Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, qua đó giúp giải quyết được một số vướng mắc cụ thể đến từ đại điện của các doanh nghiệp cùng tham gia hội thảo.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với những hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những sự hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia giúp hoàn thiện nhanh hơn hệ thống luật Tư pháp Quốc tế tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập.