BÀI GIỚI THIỆU VỀ NHÓM QUAN HỆ ĐỐI TÁC PHÁP LUẬT

BÀI GIỚI THIỆU VỀ NHÓM QUAN HỆ ĐỐI TÁC PHÁP LUẬT

Với mục tiêu tạo nên một diễn đàn công khai, uy tín để các cơ quan, tổ chức Việt Nam và các đối tác phát triển có thể gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, thông tin về chính sách và các vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như bày tỏ nhu cầu, mong muốn hỗ trợ và hiệu quả sử dụng viện trợ trong lĩnh vực này, từ đó, đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác vận động tài trợ và mở rộng khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu thành lập Nhóm quan hệ đối tác pháp luật. Ngày 25 tháng 4 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 954/QĐ-BTP ban hành Đề án thành lập Nhóm quan hệ đối tác pháp luật.

Theo Quyết định này, Nhóm quan hệ đối tác pháp luật có vị trí, chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:
            Về vị trí, chức năng
- Nhóm quan hệ đối tác pháp luật do Bộ Tư pháp thành lập và duy trì hoạt động với việc đề nghị sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức (bao gồm cả các tổ chức phi Chính phủ trong nước có năng lực và có hoạt động trong lĩnh vực hợp tác pháp luật) và các đối tác phát triển đã, đang và sẽ quan tâm tới lĩnh vực hợp tác pháp luật.
- Nhóm quan hệ đối tác pháp luật không phải là một tổ chức độc lập, không có tài khoản, con dấu riêng và chỉ hoạt động khi có các nhiệm vụ phát sinh.
- Nhóm quan hệ đối tác pháp luật có hai chức năng chính, bao gồm: (i) đối thoại, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật, tình hình hợp tác pháp luật và (ii) vận động, tìm kiếm và điều phối viện trợ trong lĩnh vực pháp luật.
Về nhiệm vụ
- Thu thập, tổng hợp và chia sẻ thông tin cập nhật về (i) chính sách, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, những phát triển mới trong hệ thống pháp luật, tư pháp Việt Nam; (ii) các chương trình, dự án, trợ giúp kỹ thuật của các nhà tài trợ trong lĩnh vực hợp tác pháp luật; (iii) nhu cầu hợp tác pháp luật của các cơ quan, tổ chức Việt Nam và các đối tác quốc tế;
- Phối hợp với các đối tác quốc tế đánh giá hiệu quả viện trợ trong lĩnh vực hợp tác pháp luật;
- Xây dựng và duy trì chuyên mục Nhóm quan hệ đối tác pháp luật trong Trang thông tin điện tử về hợp tác pháp luật phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành;
- Tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật và các hoạt động được xác định cụ thể tại Quyết định 954/QĐ-BTP.  
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Nhóm quan hệ đối tác pháp luật sẽ thực hiện các hoạt động sau đây:
            (1) Tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật hàng năm (hoạt động quan trọng nhất của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật)
- Chủ trì: Bộ trưởng Bộ Tư pháp và 01 đại diện của đối tác quốc tế.
- Thành phần: các cơ quan, tổ chức của Việt Nam (bao gồm cả các tổ chức phi Chính phủ có đủ năng lực) và các đối tác quốc tế quan tâm đến các lĩnh vực hợp tác pháp luật.
- Nội dung: (i) đối thoại, cập nhật và chia sẻ thông tin về chính sách cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, những điểm mới của hệ thống pháp luật Việt Nam, những lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu hợp tác về pháp luật của phía Việt Nam, mong muốn hợp tác và khả năng hỗ trợ của phía đối tác nước ngoài trong năm; (ii) chia sẻ thông tin về tình hình kết quả thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác diễn ra trong năm; từ đó đánh giá hiệu quả sử dụng viện trợ của năm qua, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, đề xuất các giải pháp trong năm tới.
- Thời gian: cuối quý IV hoặc đầu quý I hàng năm.
- Số lượng: mỗi năm 1 lần.
(2) Tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên đề (là hoạt động chủ yếu, quan trọng của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật).
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban điều hành và có thể mời 01 đại diện của đối tác quốc tế làm đồng chủ trì đối với những hội nghị, hội thảo lớn, quan trọng.
- Thành phần: các cơ quan, tổ chức của Việt Nam có liên quan, cùng một/một số/tất cả các đối tác quốc tế quan tâm đến các quan hệ hợp tác pháp luật (tùy thuộc vào nội dung của từng hội nghị, hội thảo chuyên đề).
- Nội dung: chia sẻ, cập nhật thông tin về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam, thảo luận sâu về những lĩnh vực chuyên môn quan trọng, những nội dung thời sự của hệ thống pháp luật Việt Nam, những nội dung về pháp luật liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm cung cấp cho các đối tác trong nước cũng như quốc tế cái nhìn sâu sắc hơn về những vấn đề mà pháp luật Việt Nam đang đối mặt. Bên cạnh đó, nội dung các sự kiện này còn có thể là trao đổi về các khả năng hợp tác với từng đối tác quốc tế cụ thể.  
Chủ đề cụ thể của các hội nghị này sẽ do Chủ tịch Nhóm quan hệ đối tác pháp luật quyết định dựa trên tình hình thực tế tại thời điểm dự kiến tổ chức sự kiện.
- Thời gian: phát sinh tùy thuộc vào nhu cầu thực tế và khả năng tài chính hàng năm.  
- Số lượng: đảm bảo duy trì ít nhất 1 lần/quý.
            (3) In ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, tài liệu
- Nội dung: xuất bản, phát hành một số ấn phẩm, tài liệu như Kỷ yếu hội thảo, tài liệu chuyên môn thu thập được trong quá trình hợp tác, các loại sổ tay, sách, báo, tài liệu chuyên môn nhằm lưu lại những thông tin, sự kiện quan trọng đã diễn ra, cũng như cung cấp các tài liệu cần thiết cho các hoạt động chuyên môn phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Thời gian: chỉ thực hiện khi Nhóm tổ chức các Hội nghị, hội thảo hoặc có các nội dung cần in ấn, xuất bản (ví dụ như các hội nghị, sự kiện quan trọng của Nhóm quan hệ đối tác sẽ được lựa chọn để biên tập thành Kỷ yếu để xuất bản và phát hành cho các đối tượng có liên quan. Bên cạnh đó, một số chuyên đề nghiên cứu, hội thảo, tập huấn đã được thực hiện với những nội dung quan trọng, thiết thực, hữu ích, bên cạnh việc chia sẻ trên các trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu về hợp tác pháp luật, Nhóm sẽ lựa chọn để in ấn và phát hành đến các đối tượng phù hợp).
- Số lượng: tùy thuộc vào nhu cầu thực tế.  
            (4) Tổ chức thực hiện các nghiên cứu chuyên đề
            Tùy thuộc vào yêu cầu thực tế và điều kiện tài chính, Nhóm quan hệ đối tác có thể tổ chức thực hiện các nghiên cứu chuyên đề phục vụ cho quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp tại Việt Nam hoặc mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật trong thời gian tới.
(5) Tổ chức các đoàn khảo sát
- Nhóm quan hệ đối tác pháp luật có thể tổ chức các đoàn khảo sát tại các cơ quan trung ương và các cơ quan ở  địa phương nhằm đánh giá thực chất các  nhu cầu, khả năng hợp tác, tìm hiểu kinh nghiệm thực hiện các hoạt động hợp tác cùng những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức đó đối với hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Số lượng các đoàn khảo sát phụ thuộc vào khả năng tài chính, nhưng tối đa không quá 4 đoàn trong năm. Việc tổ chức các đoàn khảo sát có thể kết hợp với các đoàn kiểm tra công tác hợp tác quốc tế do Bộ Tư pháp (Vụ Hợp tác quốc tế) chủ trì thực hiện để tiết kiệm kinh phí.
- Đối tượng khảo sát chủ yếu là: (i) Những cơ quan, tổ chức (bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ trong nước) tại trung ương và địa phương ít hoặc không có chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật để tìm hiểu nguyên nhân cũng như xác định nhu cầu, khả năng tham gia hợp tác của các cơ quan, tổ chức này; (ii) Những cơ quan, tổ chức tại trung ương và địa phương có nhiều chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật để tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm trong vận động, đàm phán và quản lý thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác về pháp luật, làm tư liệu, tài liệu để chia sẻ chung trên các diễn đàn của Nhóm quan hệ đối tác, đồng thời ghi nhận những đề xuất, góp ý nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Nhóm trong tương lai. Ngoài ra, tùy thuộc vào yêu cầu thực tế, Nhóm quan hệ đối tác pháp luật có thể khảo sát các đối tượng khác nhằm thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho các Hội nghị chuyên đề hoặc sự kiện khác của Nhóm.
(6) Xây dựng và duy trì chuyên mục Nhóm quan hệ đối tác pháp luật trong Trang thông tin điện tử về hợp tác pháp luật
 - Nội dung: xây dựng chuyên mục Nhóm quan hệ đối tác pháp luật trong Trang thông tin điện tử về hợp tác pháp luật nhằm chia sẻ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật. Nội dung chính của chuyên mục Nhóm quan hệ đối tác pháp luật bao gồm: tin tức về tình hình hoạt động của Nhóm, các kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật, thông tin về các đối tác quốc tế trong hợp tác pháp luật, các đề xuất nhu cầu hợp tác ...
- Tổ thư ký chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của chuyên mục này.
(7) Xây dựng các báo cáo phục vụ cho hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật và hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật nói chung.
            Tổ thư ký sẽ là đầu mối thu thập, tiếp nhận thông tin, chuẩn bị báo cáo (bao gồm báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật, báo cáo kết quả vận động, đàm phán chương trình, dự án, hoạt động hợp tác, báo cáo đánh giá hiệu quả hợp tác, báo cáo đánh giá năng lực hợp tác về pháp luật của các đối tác trong và ngoài nước), đề xuất đặt báo cáo về các lĩnh vực chuyên môn, ... phục vụ cho các hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật (như hội nghị, hội thảo, buổi làm việc với đối tác quốc tế... của Nhóm).
(8) Tổ chức các cuộc họp với các Nhóm quan hệ đối tác ngành, lĩnh vực khác để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm và các cuộc họp nội bộ Nhóm phục vụ yêu cầu quản lý và triển khai công việc của Nhóm.
(9) Ngoài ra, Nhóm quan hệ đối tác pháp luật có thể thực hiện các hình thức hoạt động khác phát sinh theo nhu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp