Ông
Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc
gia UNDP tại Việt Nam, đồng chủ trì diễn đàn. Tham dự diễn đàn còn có ông Nguyễn
Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách
tư pháp trung ương. Các đại biểu tham dự diễn đàn có đại diện Ban Chỉ đạo cải
cách tư pháp trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội,
Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành ở Trung ương, một
số viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật
sư Việt Nam, Sở Tư pháp, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân một số tỉnh,
thành phố; đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc
tế, các nhà tài trợ, và các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực pháp luật và tư
pháp.
Bộ luật
Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21 tháng 12
năm 1999, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2000. Từ khi ra đời đến nay, Bộ
luật hình sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý xã hội,
phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các
tổ chức và của công dân, đấu tranh có hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm,
góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa. Tuy nhiên, những vướng mắc bất cập của Bộ luật hình sự sau 12 năm
thi hành, cũng như sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế, xã hội cùng với xu
thế hội nhập quốc tế của đất nước là các cơ sở để xây dựng các đề xuất sửa đổi,
bổ sung Bộ luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong
tình hình mới, đảm bảo tính tương thích giữa pháp luật trong nước với các công
ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước về phòng chống tham nhũng, phòng
chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ trẻ em…., nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc
tế của Việt Nam.
Đối thoại
chính sách pháp luật lần này tập trung vào thảo luận và nêu ra những nội dung
cơ bản của chính sách hình sự của Việt Nam và những yêu cầu của thời kỳ hội nhập
toàn diện. Các đại biểu tham dự diễn đàn nghe đại diện Bộ Tư pháp trình bày
khái quát về thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự 1999 và định hướng sửa đổi, bổ
sung Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đại diện Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội trình bày về pháp luật hình sự Việt Nam và những yêu cầu về
hình sự hoá các hành vi vi phạm theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham
nhũng; đại diện Bộ Công an trình bày về việc hoàn thiện chính sách hình sự và
yêu cầu hình sự hoá các hành vi vi phạm theo Công ước chống tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người
bổ sung cho Công ước.
Cùng với các luật gia
Việt Nam, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc UNDP, UNODC và UNICEF đã có trao
đổi, thảo luận, cung cấp thêm các kinh nghiệm so sánh quốc tế về các chủ đề
được thảo luận tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ
trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định: “Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn,
rộng hơn vào đời sống quốc tế và khu vực. Quá trình này cũng đặt ra những yêu
cầu mới đối với hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về hình sự nói riêng.
Đi cùng với quá trình toàn cầu hóa là sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ
chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, buôn bán người, khủng bố, rửa tiền… cũng
như khả năng du nhập của loại tội phạm này vào Việt Nam. Do vậy, bên cạnh những
yêu cầu nội tại của đất nước, việc sửa đổi BLHS cũng cần được triển khai theo
hướng đảm bảo tiếp cận sát hơn với các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý thuận
lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quá trình hội nhập quốc
tế, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.” Thứ trưởng nhấn mạnh:
xây dựng Bộ luật Hình sự thể hiện tính nhân dân, nhân đạo và nhân quyền; Bảo
đảm chính sách pháp lý hình sự để Việt Nam thực hiện đầy đủ nhất các cam kết
quốc tế về chống tham nhũng, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia, chống rửa
tiền…
Bà Louise Chamberlain nhận
định: "Rất hài lòng rằng các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ
Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong tiến trình quan trọng này
nhằm bảo đảm việc cải cách hệ thống tư pháp hình sự thực sự hiệu quả và đồng
thời bảo đảm quyền con người và quyền công dân tại Việt Nam."
Đây là đối thoại chính sách
pháp luật theo chuyên đề được tổ chức hàng năm kể từ năm 2011 trở lại đây. Đối
thoại chính sách này đã trở thành diễn đàn quan trọng để đại diện Chính phủ và
các đối tác phát triển thảo luận về những ưu tiên chủ chốt trong chương trình
cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam.