Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm ở Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính, Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp…) và đại diện các Sở, ban, ngành ở địa phương (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên – Huế,….).
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Hội thảo tập trung thảo luận về những vướng mắc, bất cập trong việc ban hành quyết định hành chính và kiến nghị, đề xuất những định hướng chính sách, nội dung cơ bản cần điều chỉnh trong Dự án Luật, làm cơ sở cho việc soạn thảo Dự án Luật này.
Đề cập đến những vướng mắc, bất cập trong việc ban hành quyết định hành chính, đa số đại biểu cho rằng, pháp luật hiện hành thiếu các nguyên tắc cơ bản cho việc ban hành quyết định hành chính, do đó chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của công dân. Ví dụ như không rõ khi nào thì một quyết định hành chính được coi là hợp pháp, không hợp pháp; khi nào một quyết định hành chính được coi là có hiệu lực hoặc vô hiệu; khi nào có thể hủy bỏ, thu hồi quyết định hành chính và hậu quả pháp lý của việc thu hồi hay hủy bỏ; trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính cũng thiếu rõ ràng, thiếu chặt chẽ, chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của các bên có liên quan… Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều quyết định hành chính được ban hành không hợp lý, không khả thi, đã gây ra nhiều dư luận trong xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm định hướng chính sách, nội dung cơ bản cần điều chỉnh trong Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính như về mục đích ban hành Luật, về phạm vi điều chỉnh của Luật này; về bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc ban hành quyết định hành chính; về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính; mỗi quan hệ giữa Luật Ban hành quyết định hành chính với các luật chuyên ngành khác,…
Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/7.
Đỗ Thị Nhung – Vụ PL Hình sự - Hành chính