Hội thảo góp ý vào Dự thảo Báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Hội thảo góp ý vào Dự thảo Báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Hôm nay (10/5), tại thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án UNDP “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” tổ chức hội thảo: “Góp ý vào Dự thảo Báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà quản lý ở một số Bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý của nhân dân và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp tháng 5/2013).

Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... của 07 tỉnh, thành phố Miền Trung (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đã Nẵng) và một số chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu...

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên - Thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng đã cung cấp một số thông tin liên quan đến kết quả tổng kết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ và một số vấn đề trọng tâm trong sửa đổi Hiến pháp lần này.

Theo phát biểu của Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có giới nghiên cứu khoa học, các trường, viện nghiên cứu, các nhà quản lý, các doanh nhân, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đất nước. Một số vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội thảo như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước: Một nhà nước được xác định là nhà nước pháp quyền khi nhà nước đó được tổ chức và vận hành theo một số nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực; hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp; tính thống nhất của hệ thống pháp luật; có cơ chế bảo vệ Hiến pháp; tính độc lập của tòa án;

Thứ hai, về chế định Chính phủ: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải bảo đảm yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của của Chính phủ theo tinh thần đã được ghi nhận trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, cụ thể là đảm bảo “xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ; nâng cao năng lực dự báo, ứng phó và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh…; nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách…”.

Thứ ba, về chế định chính quyền địa phương: Hiến pháp quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở ba cấp tương tự như nhau và chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, dẫn đến khó phân định được nhiệm vụ của từng cấp; cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương chưa được quy định, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp chính quyền.

Thứ , về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Trong nhà nước pháp quyền, việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân là trách nhiệm của tất cả các chủ thể được giao thực thi quyền lực nhà nước và phải được Hiến pháp ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ bằng các cơ chế hữu hiệu.

Thứ năm, về cơ chế bảo hiến: Trong Nhà nước pháp quyền, bảo vệ Hiến pháp đồng nghĩa với việc bảo vệ dân chủ, nhân quyền, dân quyền. Đồng thời, bảo vệ Hiến pháp cũng là một trong những nguyên tắc cốt lõi của nhà nước pháp quyền.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trình bày tham luận về một số vấn đề lớn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, về tổ chức của chính quyền địa phương, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là quy định mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này liên quan đến Hội đồng Hiến pháp. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp liên quan đến các nội dung nêu trên của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu địa phương.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự đóng góp ý kiến nhiệt tình, tâm huyết và chất lượng từ các đại biểu địa phương. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ và là nguồn tư liệu quý báu để phục vụ cho Bộ Tư pháp trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, của Quốc hội, hoàn thiện những phương án cần sửa đổi, bổ sung đối với các quy định cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tập trung vào các quy định liên quan đến Chính phủ và chính quyền địa phương./.

Nguyễn Văn Quân (Phòng HC-TH, Vụ PL Hình sự - Hành chính); ảnh Phạm Hồng Quang