Những nội dung và điểm mới cơ bản của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

Những nội dung và điểm mới cơ bản của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

Bài phát biểu của Đ/c Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tại Hội nghị phổ biến Nghị định 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

Hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng, củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế. Trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật đã hỗ trợ tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đồng thời, các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật đóng vai trò là cầu nối thiết thực và hiệu quả, không chỉ dừng lại ở sự chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm pháp lý mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật Việt Nam.
I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Để tăng cường công tác quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, ngày 17/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Qua hơn 05 năm thực hiện Nghị định, công tác quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật đã từng bước đưa hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật đi vào nề nếp; hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật của Việt Nam đã tiếp tục được mở rộng về phạm vi, tăng dần về số lượng, đa dạng về hình thức với nội dung hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới về hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị định số 78/2008/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể như: (1) một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức thi hành như quy định về việc hỗ trợ tìm kiếm đối tác nước ngoài cho cơ quan chủ quản có nhu cầu hợp tác về pháp luật; (2) một số quy định về quản lý các hoạt động hợp tác pháp luật chưa cụ thể, cơ chế, hình thức và trách nhiệm phối hợp trong quá trình đàm phán, hình thành nội dung chương trình, dự án giữa cơ quan chủ quản với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan chưa được xác định rõ ràng; (3) thiếu các quy định về viện trợ phi dự án về pháp luật; chưa có cơ chế vận động tài trợ cho hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cơ chế chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác cũng như chưa có quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh; (4) công tác quản lý nhà nước về hợp tác pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; việc tổng hợp, điều phối, báo cáo, kiểm tra tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc; (5) nhiều quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP chưa đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nhất là về đối tượng áp dụng, viện trợ phi dự án, góp ý, thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế về pháp luật.
Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập như đã báo cáo ở trên, ngày 26/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, thay thế Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
Nghị định số 113/2014/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài tại Nghị định 78/2008/NĐ-CP trước đây và Nghị định số 38/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Nghị định 93/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Sự tiến bộ của Nghị định 113/CP thể hiện ở việc khắc phục những điểm yếu của Nghị định 78/CP và bổ sung thêm các quy định mới thể hiện nguyên tắc, quan điểm hiện đại trong quản lý và tiếp nhận nguồn viện trợ của nước ngoài, đặc biệt là viện trợ phát triển chính thức (ODA) như: tập trung, dân chủ; công khai, minh bạch; phân công, phân cấp; gắn quyền hạn với trách nhiệm; phát huy tính chủ động đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; hài hoà thủ tục... Nghị định đã đánh dấu sự phát triển về chất so với các văn bản khung trước đây về thu hút, quản lý và thực hiện hoạt động hợp tác pháp luật với nước ngoài. Nghị định này đã giải quyết khá toàn diện và đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu của quy trình sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế trong hợp tác pháp luật, từ vận động đến thực hiện, theo dõi và đánh giá chương trình, dự án hợp tác cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tham gia quản lý và thực hiện  chương trình, dự án  hợp tác pháp luật gồm cơ quan đầu mối, các cơ quan tổng hợp, các đơn vị chủ quản và thụ hưởng hợp tác pháp luật... Một ưu điểm khác của Nghị định 113/CP là tính đồng bộ với các văn bản pháp quy khác có liên quan về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ quốc tế, đặc biệt là  Nghị định 38 và Nghị định 93 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.   
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
1. Mục đích
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác phối hợp về hợp tác quốc tế về pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
2. Quan điểm
a) Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập và hợp tác quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp;
b) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở phân công, phân cấp hợp lý gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan;
c) Kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH
  1. Bố cục của Nghị định
Nghị định gồm 06 chương, 28 điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4), quy định về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Nguyên tắc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; Cơ quan chủ quản; Vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Chương II: Xây dựng, phê duyệt chương trình, dự án hợp tác pháp luật, gồm 05 điều (từ Điều 5 đến Điều 9), quy định về Chương trình, dự án hợp tác pháp luật; Xây dựng Đề cương, phê duyệt Danh mục tài trợ chương trình, dự án hợp tác pháp luật; Thẩm định, tham gia ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật; Phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật; Sửa đổi, bổ sung văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật.
- Chương III: Thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật, gồm 05 điều (từ Điều 10 đến Điều 14), quy định về Xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm; Hợp tác xây dựng pháp luật; Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật; Chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Chương IV: Giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật, gồm 04 điều (từ Điều 15 đến Điều 18), quy định về Trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; Chế độ báo cáo; Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật; Xử lý vi phạm.
- Chương V: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, gồm 08 điều (từ Điều 19 đến Điều 26), quy định về Trách nhiệm của: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan chủ quản.
- Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 27 và Điều 28), quy định về Hiệu lực thi hành và Trách nhiệm thi hành.
2. Nội dung cơ bản của Nghị định
 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1): Về phạm vi điều chỉnh: mục đích của việc ban hành Nghị định này là để hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, nhằm hạn chế tác động của âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng quan hệ hợp tác để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Để đạt mục đích nêu trên và đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của văn bản, Nghị định đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh hơn so với Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, cụ thể là Nghị định chỉ điều chỉnh hoạt động hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực có khả năng bị tác động bởi âm mưu “diễn biến hòa bình”, gồm: (i) xây dựng pháp luật; (ii) đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; và (iii) tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật.
Về đối tượng áp dụng (khoản 2): thực tế hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong thời gian qua có sự tham gia của không chỉ các chủ thể quy định tại Điều 1 và Điều 26 của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, mà còn có các chủ thể khác như Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước và cơ quan cấp dưới của các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.... Để đảm bảo tính bao quát của Nghị định, đồng thời phù hợp với quy định về đối tượng áp dụng của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, khoản 2 Điều 1 của Nghị định đã quy định đối tượng áp dụng mở rộng hơn so với Nghị định số 78/2008/NĐ-CP theo hướng áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.
Nguyên tắc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật (Điều 2): Nghị định xác định các nguyên tắc cơ bản, chi phối hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trên cơ sở kế thừa một số quy định tại Điều 2 của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP và bổ sung một số nguyên tắc mới cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau: tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và không trùng lặp; việc xây dựng, phê duyệt, quản lý và thực hiện chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật phải tuân theo các quy định của Nghị định này, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật  (Điều 4) :
Để có cơ chế điều phối tài trợ và nâng cao hiệu quả viện trợ trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật phù hợp với quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, Nghị định xác định cụ thể cơ sở và cơ chế vận động ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong việc vận động nguồn tài trợ.
Cụ thể, Nghị định quy định việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật; về căn cứ và cơ sở vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật; đồng thời quy định về nguyên tắc trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật ở từng Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, để khắc phục hạn chế của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, tạo cơ chế thuận lợi để Bộ Tư pháp thực hiện việc vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật, Điều 4 của Nghị định đã quy định cụ thể Bộ Tư pháp tổ chức vận động theo 03 hình thức là: Tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật hàng năm; Tổ chức các cuộc họp Nhóm quan hệ đối tác pháp luật; Xây dựng danh mục lĩnh vực ưu tiên hợp tác về pháp luật hàng năm.
Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên
Từ năm 2004 đến nay, Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên (Annual Legal Partnership Forum). Diễn đàn đã được các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các đối tác đánh giá cao nhờ hiệu quả tích cực vận động nguồn tài trợ cho hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.
Nhóm quan hệ đối tác pháp luật:
Cùng với Diễn đàn hợp tác phát triển trong lĩnh vực pháp luật, trên cơ sở Văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam (VDP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Công văn số 831/VPCP-QHQT ngày 25/01/2013), 23 Nhóm quan hệ đối tác ngành đã được thành lập và đang hoạt động hiệu quả (như: Nhóm quan hệ đối tác Y tế, Nhóm quan hệ đối tác trong lĩnh vực tài chính công, Nhóm quan hệ đối tác trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng...). Do đó, việc thành lập Nhóm Quan hệ đối tác pháp luật để thực hiện vai trò điều phối, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác cũng như hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác về pháp luật là cần thiết. Qua đó, giúp Chính phủ Việt Nam và các đối tác có cơ chế trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin định kỳ về công tác cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, những phát triển mới trong lĩnh vực pháp luật, đồng thời cập nhật các thông tin về các trợ giúp kỹ thuật, hiệu quả viện trợ và phối hợp hoạt động của các nhà tài trợ. 
Chương II - Xây dựng, phê duyệt chương trình, dự án hợp tác pháp luật (gồm 05 điều, từ Điều 5 đến Điều 9)
- Chương trình, dự án hợp tác pháp luật - Điều 5: Thực tế hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong thời gian qua cho thấy bên cạnh những chương trình, dự án có toàn bộ nội dung về pháp luật (chủ yếu do Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp là cơ quan chủ quản), thì còn có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác có một phần nội dung về pháp luật. Tuy nhiên, do quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP chưa thật sự rõ ràng, cụ thể nên thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức không coi chương trình, dự án có một phần nội dung hợp tác pháp luật là chương trình, dự án hợp tác pháp luật, phải áp dụng các quy định của Nghị định.
Để khắc phục tình trạng này, Điều 5 của Nghị định đã quy định chương trình, dự án hợp tác pháp luật là các chương trình, dự án hợp tác có toàn bộ hoặc một phần nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 của  Nghị định.
- Xây dựng Đề cương, phê duyệt Danh mục tài trợ chương trình, dự án hợp tác pháp luật - Điều 6: Quy định Bộ Tư pháp tham gia ý kiến đối với Đề cương chương trình, dự án hợp tác pháp luật và việc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi thông báo Danh mục tài trợ hoặc Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ kèm theo Đề cương chương trình, dự án hợp tác về pháp luật cho Bộ Tư pháp để tổng hợp, theo dõi. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy trình xây dựng Đề cương, phê duyệt Danh mục tài trợ chương trình, dự án hợp tác pháp luật quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, đồng thời tạo cơ chế để Bộ Tư pháp thực hiện tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, đảm bảo sự tham gia của Bộ Tư pháp ngay từ giai đoạn hình thành chương trình, dự án hợp tác pháp luật.
 Thẩm định, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật (Điều 7)
Thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định các văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định tại Điều 64 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, Điều 35 của Nghị định số 93/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong toàn bộ các Điều về quy trình thẩm định của 02 Nghị định này lại không quy định cụ thể Bộ Tư pháp thẩm định ở khâu nào. Điều này vừa gây khó khăn cho các cơ quan có chương trình, dự án hợp tác pháp luật, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với hoạt động này.
Để đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Nghị định số 93/2009/NĐ-CP, đồng thời khắc phục hạn chế của 02 Nghị định nêu trên về quy trình thẩm định, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật, Nghị định quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Tư pháp theo hướng: trong quá trình tổ chức thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền thẩm định có trách nhiệm gửi hồ sơ văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật để Bộ Tư pháp thẩm định (đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc cho ý kiến (đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản). Đồng thời, Nghị định quy định rõ về nội dung, thời hạn thẩm định, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật (Điều 9): Điều này quy định về quy trình sửa đổi, bổ sung văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật theo hướng dẫn chiếu đến quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan chủ quản có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nội dung thay đổi.
Chương III - Thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật (gồm 05 điều, từ Điều 10 đến Điều 14)
Nghị định quy định việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật như: hợp tác xây dựng pháp luật; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và chia sẻ kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Về nguyên tắc, sau khi kết thúc các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, cơ quan chủ quản có trách nhiệm nghiệm thu và chia sẻ kết quả hợp tác theo các hình thức được quy định. Quy định về việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác nhằm đảm bảo tính bền vững, lan tỏa và hiệu quả của hoạt động hợp tác, đồng thời tạo cơ chế để Bộ Tư pháp nắm bắt thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm - Điều 10. Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm là một văn bản rất quan trọng, xác định cụ thể các hoạt động trong khuôn khổ chương trình, dự án dự kiến sẽ tiến hành trong năm. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện từng hoạt động nói riêng và cả chương trình, dự án nói chung. Thực tế trong quá trình thực thi Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, do không có cơ chế nên Bộ Tư pháp không nắm được thông tin về các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật sẽ được thực hiện trong năm, vì vậy đã hạn chế rất nhiều tính chủ động của Bộ Tư pháp trong công tác quản lý.
Do đó, Điều 10 của Nghị định đã quy định về trách nhiệm của chủ dự án trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm theo hướng viện dẫn quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; đồng thời nhấn mạnh việc chủ dự án thông qua cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi phần nội dung hợp tác pháp luật trong Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm cho Bộ Tư pháp để tổng hợp, theo dõi, làm cơ sở thực hiện các hoạt động quản lý tiếp theo.
- Điều 13. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật: Hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật là một trong những hình thức mà phía nước ngoài có thể lợi dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, để bảo đảm vấn đề an ninh, hạn chế tác động của âm mưu “diễn biến hòa bình”, Điều 13 Nghị định quy định theo hướng các cơ quan, tổ chức khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về quản lý và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (hiện nay là Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời nhấn mạnh các Cơ quan, tổ chức Việt Nam khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức nước ngoài khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật có trách nhiệm 1) Lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trước khi tổ chức hội nghị, hội thảo; 2) Gửi báo cáo tóm tắt kết quả tổ chức hội nghị, hội thảo cho Bộ Tư pháp trong vòng 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hội nghị, hội thảo; 3) Sau khi kết thúc hội nghị, hội thảo, các cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo có trách nhiệm chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật cho Bộ Tư pháp.
Thời gian Bộ Tư pháp và các cơ quan cho ý kiến về việc tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế là không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến về việc tổ chức hội nghị, hội thảo.
Chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật (Điều 14): Quy định về các hình thức chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác nhằm đảm bảo tính bền vững, lan tỏa và hiệu quả của hoạt động hợp tác, đồng thời tạo cơ chế để Bộ Tư pháp nắm bắt thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật thông qua việc yêu cầu cơ quan chủ quản gửi kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật cho Bộ Tư pháp để tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế về pháp luật, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, cơ quan chủ quản còn cần chia sẻ thông tin theo một trong các hình thức : a) Đăng tải thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình; b) In ấn, phát hành các ấn phẩm về kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật; c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nghị định cũng nhấn mạnh việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương IV - Giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật (gồm 04 điều, từ Điều 15 đến Điều 18)
Nghị định quy định cụ thể hơn về chế độ báo cáo, bao gồm báo cáo kết thúc chương trình, dự án và báo cáo tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật hàng năm (báo cáo mang tính hành chính, tổng hợp tình hình); kiểm tra, thanh tra, bao gồm kiểm tra của các Bộ, ngành, địa phương và kiểm tra của Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm và đột xuất; xử lý vi phạm, bao gồm quy định về xử phạt vi phạm hành chính và về các trường hợp tạm đình chỉ và đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Chế độ báo cáo - Điều 16: với mục đích giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ quan chủ quản, Điều 16 của Nghị định đã quy định chế độ báo cáo tổng hợp tình hình hợp tác quốc tế gồm có: báo cáo hàng năm của các cơ quan chủ quản về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản (bỏ hình thức báo cáo 6 tháng so với quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP) và báo cáo tổng hợp hàng năm của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Điều này cũng bổ sung quy định về việc báo cáo kết thúc chương trình, dự án. Đây là hình thức báo cáo đã được quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, Nghị định chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải gửi báo cáo kết thúc chương trình, dự án hợp tác pháp luật cho Bộ Tư pháp, bên cạnh việc gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật - Điều 17: quy định phân cấp rõ ràng trong công tác kiểm tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật, theo đó: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương; Bộ Tư pháp kiểm tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trên phạm vi toàn quốc theo định kỳ hàng năm và đột xuất. Đồng thời, Điều này cũng quy định rõ tiêu chí tổ chức kiểm tra đột xuất để tạo cơ chế cho Bộ Tư pháp kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý hoặc đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh, các vi phạm pháp luật khi các cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật. Việc thanh tra thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật quy định viện dẫn đến quy định của pháp luật hiện hành về thanh tra.
- Xử lý vi phạm - Điều 18: Quy định về nguyên tắc cơ quan, tổ chức tham gia hợp tác quốc tế về pháp luật có hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; quy định cụ thể các trường hợp chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật bị tạm đình chỉ, đình chỉ, thẩm quyền tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật. 
 Chương V - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật (gồm 08 điều, từ Điều 19 đến Điều 26)
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP,  Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của Bộ Tư pháp (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan quản lý nhà nước về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài), Bộ Công an (bảo đảm an ninh trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật); Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đối ngoại; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và là đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi địa phương. Nghị định cũng quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc quản lý và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Để thực hiện Nghị định số 113/NĐ-CP và làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về pháp luật, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phải ban hành một loạt văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư  hướng dẫn thi hành Nghị định, các biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật v.v... Ngoài ra, công tác xây dựng và tăng cường năng lực, trong đó có việc tổ chức tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, hay việc cung cấp kiến thức thông tin và kỹ năng xây dựng, quản lý dự án trên cơ sở thường xuyên và chuyên nghiệp cho một đội ngũ đông đảo cán bộ ở trung ương và cơ sở tham gia quản lý và thực hiện hợp tác pháp luật là rất cần thiết.
Một hệ thống thể chế quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài được phát triển đồng bộ, song hành với đội ngũ cán bộ đối ngoại được đào tạo bài bản sẽ là cơ sở vững chắc bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
            Hà Nội, tháng 3/2015