Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam - ASEAN: thành tựu đạt được trong năm 2015 và khả năng hợp tác trong tương lai

Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam - ASEAN: thành tựu đạt được trong năm 2015 và khả năng hợp tác trong tương lai

Năm 2015 là năm đặc biệt có ý nghĩa trong quan hệ hợp tác ASEAN với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015. Đây là thành quả sau 48 năm (1967 – 2015) nỗ lực hợp tác của tất cả các nước thành viên, ghi dấu mốc quan trọng của tiến trình liên kết ASEAN, tạo cơ sở và động lực cho giai đoạn phát triển cao hơn của Hiệp hội. Tính đến cuối năm 2015, ASEAN đã cơ bản hoàn thành các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, quan hệ đối ngoại và tăng cường bộ máy, tổ chức. Nhằm đề ra định hướng chiến lược và khuôn khổ cho liên kết ASEAN trong 10 năm tới, ASEAN đã thông qua gói văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với mục tiêu bao trùm đưa ASEAN trở thành  một Cộng đồng thực sự gắn kết và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực.
Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục tham gia đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các công việc để hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, là một trong hai nước thành viên có tỉ lệ hoàn thành cao nhất các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đến thương mại và đầu tư trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Việt Nam (thông qua cơ quan đầu mối là Bộ Tư pháp) đã có những nỗ lực và đóng góp to lớn trong việc triển khai thực hiện các Sáng kiến về pháp luật và tư pháp trong ASEAN, hướng tới hài hòa hóa pháp luật và giảm thiểu những khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các quốc gia thành viên.
Năm 2015, Việt Nam đã chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp trong việc tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN với kết quả đạt được như sau:
1.  Kết quả đạt được như sau:
1. 1. Hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN thông qua Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM), Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM)
Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị ASLOM và ALAWMM đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan triển khai thực hiện các Sáng kiến liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ; tham gia diễn đàn pháp luật ASEAN; chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN; cơ quan đầu mối thông tin pháp luật ASEAN; thảo luận về khả năng xây dựng Hiệp định hợp tác trong ASEAN về dẫn độ và an ninh hàng hải; xây dựng Công ước ASEAN về chống khủng bố; đóng góp ý kiến với báo cáo của các nhóm công tác ASEAN về hài hòa hóa pháp luật thương mại.
Thông qua các Hội nghị này, các quốc gia thành viên ASEAN đã thể hiện các cam kết chính trị và nỗ lực trong việc hài hòa hóa pháp luật quốc gia và xây dựng các điều ước quốc tế nhằm xây dựng một môi trường pháp lý làm cơ sở thúc đẩy các quan hệ hợp tác mọi mặt giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong thời gian từ 19-22/10/2015, Đoàn liên ngành Việt Nam đã tham dự Hội nghị ASLOM 16 và Hội nghị ALAWMM 9 đã được tổ chức vào tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Tại các Hội nghị này, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia rà soát tình hình triển khai các Sáng kiến được đề ra trong khuôn khổ các kỳ Hội nghị trước; nghiên cứu và cho ý kiến về các sáng kiến mới được đề xuất tại ALAWMM 9.
Cũng tại Hội nghị, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh khi nhiều nước ASEAN đã có những bước phát triển mới trong việc nghiên cứu, gia nhập các Công ước của Hội nghị La Hay, trong đó có cả Công ước Apostille về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước ngoài, Việt Nam đã đề xuất các nước ASEAN không nên tiếp tục xây dựng Hiệp định Mini Apostille của ASEAN (Sáng kiến do Việt Nam đề xuất từ trước) mà thay vào đó sẽ nghiên cứu việc gia nhập Công ước Apostille của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các nước nghiên cứu, đánh giá việc gia nhập Công ước trên, Việt Nam đề xuất sẽ xem xét tổ chức Hội thảo quốc tế để chia sẻ thêm thông tin về Công ước Apostille cũng như các Công ước khác của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế.
1.2. Tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán các Hiệp định trong ASEAN, góp ý dự thảo các Văn kiện pháp lý, rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến ASEAN và xây dựng, thi hành pháp luật theo yêu cầu hội nhập ASEAN
Bộ Tư pháp đã cử các cán bộ đại diện tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán các điều ước quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, đặc biệt là các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và thực thi Hiến chương ASEAN nhằm hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như: Nghị định thư về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP). Tính đến ngày 21/12/2015, Bộ Tư pháp đã gửi hơn 100 lượt công văn góp ý dự thảo các Hiệp định, Nghị định thư, Công ước, Bản ghi nhớ, Tuyên bố, Công văn... liên quan đến các vấn đề pháp lý trong ASEAN.
Về rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến ASEAN, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan nhà nước ở địa phương tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực kinh tế, thương mại do các cơ quan ở Trung ương và các cơ quan chính quyền địa phương (Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân) cấp tỉnh ban hành với các điều ước quốc tế liên quan trong ASEAN, cũng như các điều ước quốc tế giữa ASEAN và các đối tác khác. Việc rà soát này nhằm phát hiện các quy định của pháp luật hiện hành còn chưa phù hợp với cam kết của Việt Nam trong ASEAN để từ đó có kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm thực hiện đúng, đủ cam kết với ASEAN. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tư pháp đưa ra những kiến nghị, hướng dẫn Bộ, ngành và các địa phương tiến phương tiến hành sửa đổi, bố sung hoặc hủy bỏ các văn bản liên quan nhằm thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế trong ASEAN, nhằm đạt mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như Hiến chương ASEAN đã đề ra.
            Về công tác xây dựng, thi hành pháp luật theo yêu cầu hội nhập ASEAN: trong năm 2015, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết. Trong số này, có nhiều văn bản quan trọng được ban hành nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia hợp tác ASEAN như: Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật thống kê (sửa đổi), Luật an toàn thông tin mạng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường ... Với việc thông qua các dự án Luật, Nghị quyết này đã góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm, trên các lĩnh vực, kể cả một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, an ninh, quốc phòng; thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, hài hòa với các chuẩn mực chung của quốc tế, tạo hành lang pháp lý an toàn cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có việc tham gia hợp tác ASEAN.
1.3. Hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Tư pháp
- Trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã cử 68 lượt công chức, viên chức Bộ Tư pháp là các chuyên gia pháp luật tham dự các đoàn đàm phán, diễn đàn, hội nghị, hội thảo tại các nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Xinh-ga-po , Lào, Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin…về pháp luật thương mại đầu tư, luật pháp quốc tế, nghiên cứu khoa học pháp lý, tương trợ tư pháp, cải cách thể chế…
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã cử 04 công chức tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về soạn thảo văn bản pháp luật tại Xinh-ga-po (khóa học là hoạt động thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Việt Nam và Xinh-ga-po ký ngày 12/3/2008) và 01 công chức tham gia khóa học “Hệ thống giải quyết tranh chấp” tại Xinh-ga-po. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã cử 06 công chức, viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng do Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Xinh-ga-po  (VSTC), cơ quan do Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Xinh-ga-po  - Bộ Ngoại giao Xinh-ga-po đồng chủ trì tổ chức tại Việt Nam với các chủ đề khác nhau: kỹ năng thuyết trình và diễn thuyết trước công chúng, kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh trình độ trung cấp, hành chính công, tư nhân hóa quy chế và chính sách cạnh tranh, tư nhân hóa và cải cách hành chính.
Bộ Tư pháp, thông qua Trường Đại học Luật Hà Nội, tiếp tục đưa pháp luật ASEAN vào chương trình đào tạo, cụ thể là môn học Pháp luật cộng đồng ASEAN, chính thức được đưa vào giảng dạy từ Học kỳ I của năm học 2011- 2012 cho các hệ chính quy (văn bằng 1, văn bằng 2) và hệ vừa làm – vừa học. Trong năm học 2014- 2015, Trung tâm Luật châu Á – Thái Bình Dương đã thực hiện giảng dạy 2490 tiết cho sinh viên, học viên các hệ chính quy (văn bằng 1, văn bằng 2) và hệ vừa làm - vừa học đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học về pháp luật ASEAN, trong đó có Hội thảo cấp trường “Hoàn thành lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN – những khía cạnh pháp lý và bài học kinh nghiệm” vào tháng 11/2015 để chào đón sự kiện ASEAN đưa ra Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN ngày 22/11/2015. Hiện tại, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đang phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế và pháp luật ASEAN – Hội Luật gia Việt Nam chuẩn bị thực hiện một hội thảo cấp Trường “Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và những tác động đối với hệ thống thể chế của Việt Nam” vào quý I năm 2015, phối hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội tổ chức Hội thảo “Pháp luật ASEAN về lao động và các vấn đề xã hội” vào quý IV năm 2016; tham gia thực hiện các chuyên đề trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Hệ thống quản lý phát triển xã hội ở các nước ASEAN và mô hình Việt Nam cần xây dựng để hướng tới Cộng đồng ASEAN”, thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED do Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN – Hội Luật gia Việt Nam chủ trì đề tài và đã nghiệm thu các chuyên đề. Dự kiến Đề tài sẽ nghiệm thu vào tháng 3/ 2016.
1.4. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ASEAN
Trên cơ sở thực thực hiện Quyết định số 04/QĐ-BCĐ về “Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN năm 2015” ngày 26/4/2014 của Ban chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN, Bộ Tư pháp đã ban hành “Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá pháp luật và tư pháp trong ASEAN của ngành Tư pháp năm 2015 - 2016”. Mục đích xây dựng Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ, vai trò, chất lượng và hiệu quả của Bộ Tư pháp khi tham gia hợp tác ASEAN và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp về Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh Việt Nam đang cùng các nước thành viên tiến gần đến mốc hình thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015.
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã xây dựng tủ sách pháp luật ASEAN: với các đầu sách liên quan đến xây dựng và đánh giá tác động chính sách của Malaysia, tạp chí Luật so sánh Châu Á và tạp chí nghiên cứu pháp luật của Singapore như: Asian Journal of International Law (Volume Issue 1 January, Volume 5 Issue 2 July 2015). Asian Journal of Comparative Law (Volume 7 (2012)); Singapore Journal of Legal Studies (December 2010 and December 2012); Regulatory Enforcement and Inspections…
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, soạn thảo các văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp đã lồng ghép và truyền tải các quy định pháp luật của ASEAN trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cộng đồng ASEAN nói chung và pháp luật trong ASEAN hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa thực sự được quan tâm đầu tư để triển khai một cách tích cực.                                                                                                     
2.  Những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ nêu trên, việc tăng cường quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – ASEAN còn gặp một số tồn tại, khó khăn, cụ thể như sau:
- Mặc các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau hội nhập sâu rộng và hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015 nhưng hiện nay hợp tác trong ASEAN chỉ tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Trong khi đó, lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN lại chưa được quan tâm và đáp ứng mong muốn cho việc phục vụ Cộng đồng ASEAN.
- Hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp giữa các quốc gia thành viên hiện nay vẫn còn có sự khác biệt khá lớn, gây cản trở cho việc hiện thực hóa hội nhập khu vực, cụ thể: Bru-nây, Xinh-ga-po, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin theo hệ thống luật án lệ (common law); Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan theo hệ thống luật thành văn (civil law); In-đô-nê-xi-a lại kết hợp cả hệ thống luật án lệ lẫn thành văn... Điều này ảnh hưởng tới các hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ... giữa các quốc gia thành viên..
- Các văn kiện ASEAN còn chứa đựng nhiều quy định chung chung, hình thức dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các thỏa thuận chưa được rà soát, đánh giá, kiểm tra làm cho quá trình hợp tác khu vực chưa được hiệu quả.
- Cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì và cơ quan tham gia trong quá trình đàm phán các Hiệp định trong ASEAN nói riêng và trong hợp tác về pháp luật và tư pháp nói chung chưa hiệu quả, một phần do tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Việt Nam khác các nước dẫn đến việc còn bị động hay thiếu hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.
- Thời gian thẩm định các văn bản pháp lý của ASEAN trong một số trường hợp quá ngắn làm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản thẩm định.
- Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ASEAN trong thời gian qua chưa được tiến hành thường xuyên và vẫn còn ở diện hẹp do gặp nhiều khó khăn trong việc sưu tầm các văn bản pháp luật của các nước thành viên được dịch ra tiếng Việt.
- Đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phụ trách hợp tác ASEAN hiện còn thiếu (hiện chỉ có 1 cán bộ trực tiếp phụ trách hợp tác khu vực ASEAN và hợp tác song phương với ASEAN) nên chất lượng, tiến độ còn chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, khả năng về ngoại ngữ còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn khi tham gia hợp tác với ASEAN.
- Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về nguồn lực và kinh phí dẫn đến khó khăn trong triển khai các hoạt động.
  1. Phương hướng hợp tác về pháp luật và tư pháp trong ASEAN trong thời gian tới
Trong bối cảnh ASEAN đã hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và hướng tới một Cộng đồng liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý, một Cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài”, vai trò pháp luật và tư pháp ngày càng được khẳng định và trở thành một nhân tố không thể thiếu. Để tăng cường vai trò hợp tác về pháp luật và tư pháp trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN đã hình thành và hiện thực hóa một ASEAN hoạt động trên cơ sở luật lệ, một số phương hướng cần được thực hiện như sau:
  • Tăng cường hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và các nước ASEAN thông qua việc chủ động/phối hợp triển khai các Sáng kiến/ nội dung/đề xuất nhằm tăng cường hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia thành viên; nâng cao hiệu quả hoạt động của ASLOM và vai trò, đóng góp của ALAWMM vào quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý trong khu vực.
-  Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và đề xuất chính sách liên quan đến hợp tác pháp luật và tư pháp trong khuôn khổ ASEAN cũng như với các quốc gia thành viên ASEAN;
-                     Đưa pháp luật các nước ASEAN và các điều ước quốc tế của ASEAN vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.
- Tiếp tục cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ ASEAN và các nước thành viên ASEAN.
- Tăng cường năng lực và kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác hợp tác với ASEAN về trình độ tiếng Anh và kiến thức chuyên sâu về hợp tác ASEAN.
- Tạo điều kiện cho cán bộ pháp luật Việt Nam tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào các công việc của Ban Thư ký, các công tác tư pháp và pháp luật của ASEAN như đàm phán các điều ước quốc tế; tham gia các diễn đàn pháp lý trong khu vực cũng như các khóa đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật.
- Tích cực, chủ động và tăng cường hợp tác “song phương trong đa phương”, đưa hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đi vào chiều sâu, hướng tới sự “thống nhất trong đa dạng” đồng thời học hỏi kinh nghiệm trên cơ sở tìm hiểu rõ và tận dụng được thế mạnh của hệ thống pháp luật và tư pháp các nước thành viên trong khối qua đó góp phần tăng cường hợp tác đa phương về pháp luật và tư pháp.
-   Đẩy mạnh việc tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN, pháp luật ASEAN và tình hình hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN thông qua quá trình xây dựng, triển khai thi hành pháp luật, và đề xuất chính sách liên quan đến hợp tác pháp luật và tư pháp trong khuôn khổ ASEAN cũng như với các quốc gia thành viên ASEAN.
Tham gia hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội, lợi ích to lớn, thiết thực về nhiều mặt, nhất là khi ASEAN trở thành một thực thể chính trị - kinh tế khá gắn kết; có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á và là đối tác không thể thiếu của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước lớn. Những thành tựu đáng ghi nhận mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 vừa qua là điều đáng tự hào, song cũng là thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh hình thành Cộng đồng liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý, một Cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài” khi đã hình thành Cộng đồng chung sau năm 2015.
Lê Thị Hiên - Vụ Hợp tác quốc tế
 
( Ngày 01 tháng 03 năm 2016 )