Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp - Đề xuất, kiến nghị

Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp - Đề xuất, kiến nghị

15/6/2016

Kể từ khi Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam được ban hành, công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp đã dần đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả tích cực. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức khoảng 500[1] hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật, góp phần không nhỏ hoàn thành một số nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp cũng như đóng góp cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật theo quy định tại Nghị định số 113/2014/NĐ-CP[2] thông qua việc hoàn thiện thể chế; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức kiểm tra công tác hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm chia sẻ thông tin, kết quả hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật; theo dõi, báo cáo tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật theo quy định…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân do sự bất cập trong quy định hiện hành của pháp luật, công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự phát huy hiệu quả, cũng như những yếu tố chủ quan trong nhận thức của đội ngũ cán bộ thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp, xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả của công tác hội nghị, hội thảo của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
1. Những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp
- Những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật hiện hành
+ Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg xác định hội nghị, hội thảo quốc tế là hoạt động hội họp có yếu tố nước ngoài, cụ thể là các hoạt động hội họp do các cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức có sự tham gia hoặc tài trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, để tăng cường và thực hiện các hoạt động đối ngoại, Bộ Tư pháp phải thực hiện rất nhiều các hoạt động tiếp khách quốc tế và về cơ bản, các hoạt động này cũng được xác định là hội họp có sự tham gia của nước ngoài. Như vậy, Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg chưa phân biệt rõ hai khái niệm tiếp khách quốc tế và hội nghị, hội thảo quốc tế, dẫn đến những khó khăn trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật.
+ Theo quy định của Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg thì hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung về nhân quyền sẽ thuộc thẩm quyền cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền hiện nay tương đối rộng, do vậy việc Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg chỉ quy định chung chung về nhân quyền đã dẫn tới tình trạng rất nhiều các hội nghị, hội thảo có nội dung gián tiếp liên quan đến nhân quyền như: vấn đề về nuôi con nuôi, đăng ký hộ tịch, quốc tịch, các quy định về quyền tài sản, quyền kinh doanh…cũng sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn cho cả cơ quan phê duyệt và cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động khi thực hiện thủ tục xin phép.
+ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP quy định quy trình tiếp nhận viện trợ phi dự án khi tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tài trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg lại không có quy định về nội dung này. Do vậy, phần lớn các hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật được tổ chức dựa trên nguồn kinh phí hỗ trợ của đối tác nước ngoài theo hình thức phi dự án không tiến hành các thủ tục tiếp nhận viện trợ theo quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
+ Trong nhiều trường hợp, việc xác định Thủ trưởng cơ quan Trung ương hay Thủ trưởng cơ quan địa phương có thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo còn gặp nhiều lúng túng, đặc biệt là đối với các hội nghị, hội thảo được tổ chức ở địa phương do Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg chưa có quy định cụ thể về nội dung này.
+ Phần lớn các hội nghị, hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức là các hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch hoạt động năm của các chương trình, dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản hoặc Kế hoạch hợp tác song phương giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp nước ngoài. Các hội nghị, hội thảo này về cơ bản đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp nhất trí về mặt chủ trương từ khi phê duyệt. Do vậy, Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg quy định thời hạn 15 ngày để các cơ quan được lấy ý kiến trả lời theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 4 Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg là quá dài, gây khó khăn và bị động cho các cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị hậu cần cho việc tổ chức hoạt động.
- Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật
+ Theo quy định tại Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg và Nghị định số 113/2014/NĐ-CP thì các hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật do cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các hội nghị, hội thảo do các tổ chức nước ngoài chủ trì thực hiện phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trước khi tổ chức hội nghị, hội thảo. Thời hạn gửi hồ sơ lấy ý kiến theo quy định là ít nhất 35 ngày trước khi tổ chức hội nghị, hội thảo và hồ sơ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 76/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng không lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, gửi hồ sơ quá gấp với thời gian tổ chức hội nghị, hội thảo, thiếu hồ sơ, hồ sơ không đầy đủ thông tin theo quy định, gây khó khăn cho Bộ Tư pháp trong quá trình cấp ý kiến pháp lý và mất thời gian cho cơ quan, tổ chức khi phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ.
+ Nghị định số 113/2014/NĐ-CP và Thông tư số 07/2015/TT-BTP đã có những quy định cụ thể về chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin, kết quả đối với các hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định này chưa thực sự nghiêm túc. Các cơ quan/đơn vị chưa bảo đảm đúng thời hạn gửi báo cáo; thiếu các tài liệu hội nghị, hội thảo; nội dung của báo cáo còn mang tính hành chính, chưa đi sâu vào đánh giá nội dung chuyên môn, do vậy việc chia sẻ kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp còn chưa thực sự hiệu quả.
+ Tiến độ triển khai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp còn tương đối chậm. Phần lớn các hội nghị, hội thảo được tổ chức đều nằm trong khuôn khổ các chương trình, dự án do Bộ Tư pháp hoặc các Bộ, ngành khác là cơ quan chủ quản nên việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chậm cũng có những ảnh hưởng nhất định đến tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình, dự án.
Nguyên nhân:
- Về thể chế: Hiện nay, công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo của Bộ Tư pháp chịu sự điều chỉnh của hệ thống các văn bản bao gồm: Quyết định số 272-QĐ/TW[3], Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg, Nghị định số 113/2014/NĐ-CP và Quyết định số 406/QĐ-BTP[4], trong đó Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg là văn bản nền móng, điều chỉnh một cách cơ bản và toàn diện công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, tuy nhiên, qua hơn 05 năm thực hiện, Quyết định cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các quy định mới được ban hành về quản lý công tác đối ngoại nói chung, trong đó có quản lý tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
- Về công tác tuyên truyền, phổ biến, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hội nghị, hội thảo quốc tế chưa được thực hiện thường xuyên và chưa có những hình thức phù hợp trong khi đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quyết định là khá rộng và thuộc các cơ quan, tổ chức khác nhau.
- Về nhận thức của cán bộ: Các cán bộ/bộ phận hợp tác quốc tế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế; chưa thực sự chú trọng và đánh giá cao tầm quan trọng của việc xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo và chia sẻ thông tin, kết quả sau hội nghị, hội thảo.
- Về vai trò của các cơ quan quản lý: Các cơ quan có thẩm quyền quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế chưa thực sự phát huy vai trò của mình, chủ yếu mới chỉ tập trung ở khâu theo dõi tình hình thông qua báo cáo hành chính định kỳ hàng năm của các cơ quan/đơn vị chủ trì thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý, nhắc nhở, đôn đốc chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. 
2. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân như đã đề cập ở trên, một số đề xuất, kiến nghị được đưa ra, cụ thể là:
2.1. Nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg bảo đảm sự thống nhất với các quy định của các văn bản có liên quan và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hội nghị, hội thảo quốc tế, cụ thể như sau:
- Về khái niệm hội nghị, hội thảo quốc tế (Điều 1 của Quyết định): Cần bổ sung quy định phân biệt giữa trường hợp hội nghị, hội thảo quốc tế và tiếp khách quốc tế hoặc quy định rõ họp báo quốc tế và tiếp khách quốc tế phục vụ hoạt động đối ngoại của cơ quan, tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này.
- Về thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế:
+ Đề nghị quy định cụ thể hơn về phạm vi các hội nghị, hội thảo có liên quan đến vấn đề nhân quyền phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tại điểm b, khoản 1 Điều 3.
+ Làm rõ thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan trung ương và Thủ trưởng cơ quan địa phương trong việc quyết định cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế ở địa phương và thẩm quyền cho phép các tổ chức nước ngoài tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại khoản 2 Điều 3.
- Về quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế:
+ Bổ sung quy định hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trong trường hợp sử dụng viện trợ phi dự án của nước ngoài, bảo đảm phù hợp với các quy định về quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
+ Bổ sung vai trò của Bộ Tư pháp trong việc cho ý kiến đối với các hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật do các tổ chức nước ngoài chủ trì thực hiện.
+ Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến của Bộ Công an khi hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu nước ngoài.
- Về thời hạn cho ý kiến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế: Đề nghị điều chỉnh quy định về thời hạn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tổ chức hội nghị, hội thảo tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 4 phù hợp với thời hạn được xác định tại Quyết định số 272-QĐ/TW; rút ngắn thời gian các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản từ 15 ngày xuống 10 ngày đối với các hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ trưởng cơ quan Trung ương, địa phương có nội dung đơn giản, không nhạy cảm hoặc đã nằm trong khuôn khổ các chương trình, dự án đã được phê duyệt.
- Về cơ chế báo cáo, chia sẻ thông tin: Bổ sung cơ chế chia sẻ thông tin, kết quả sau hội nghị, hội thảo; nghiên cứu, cân nhắc quy định mẫu báo cáo chung, thống nhất về kết quả hội nghị, hội thảo cho Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan Trung ương, địa phương, trong đó tập trung vào việc chia sẻ những kết quả đạt được sau khi kết thúc hội thảo; những nghiên cứu, tham luận được trình bày tại Hội thảo và đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu ban đầu đề ra…
- Về các biện pháp chế tài trong trường hợp vi phạm các quy định: Bổ sung quy định chế tài áp dụng trong trường hợp các cơ quan, tổ chức không tuân thủ các quy định về xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo; không đảm bảo về thời gian và hồ sơ xin phép, không báo cáo sau khi kết thúc hội thảo…
2.2. Nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, mở rộng các đối tượng tham gia và dưới nhiều hình thức phù hợp như: tổ chức hội thảo phổ biến, quán triệt trong phạm vi nội bộ cơ quan, đơn vị hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cùng tham gia; biên soạn và cung cấp các tài liệu hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép vào đoàn kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ…
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; chú trọng đến công tác theo dõi, hướng dẫn, tổng kết, chia sẻ thông tin về hội nghị, hội thảo quốc tế; định kỳ hàng năm tổ chức các Đoàn kiểm tra tại các Bộ, ngành ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương, các tổ chức xã hội nhằm nắm bắt những thông tin chính xác, kịp thời về tình hình tổ chức và quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế; đồng thời kịp thời phát hiện những sai phạm để đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh và đảm bảo cho các hoạt động nói trên tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
Vũ Hà Thu, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
 
[1] Theo Báo cáo số 1056/BTP-HTQT ngày 05/04/2016 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
[2] Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật
[3] Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/1/2015 của Ban chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại
[4] Quyết định số 406/QĐ-BTP ngày 29/3/2011 ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp