Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 38/2013/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định như chưa có quy định chặt chẽ về những lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi dẫn đến tình trạng sử dụng phân tán, kém hiệu quả, làm trầm trọng thêm nợ công và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài; quy trình thủ tục phê duyệt còn dài ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án; quy định của Nghị định còn chưa đồng bộ và phù hợp với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và Luật quản lý nợ công; các quy định về Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) chưa thực sự rõ ràng, do đó chưa gặp khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tế, đặc biệt là quy định về sự cần thiết, tính hợp lý đối với việc thành lập Ban QLDA. Chính vì vậy, ngày 16/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay thế cho Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013.
Nghị định số 16/2016/NĐ-CP được ban hành nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp và Luật đầu tư công, trong đó có quy định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đãi của nhà tài trợ nước ngoài và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, nhưng vẫn đảm bảo sự kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP để tạo sự ổn định của các quy định về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.
Nghị định số 16/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/5/2016, bao gồm 7 Chương và 68 điều, gồm Chương I: Những quy định chung, Chương II: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, Chương III: lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án, Chương IV: ký kết điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chương V: quản lý thực hiện chương trình, dự án, chương VI: quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chương VII: điều khoản thi hành.
I. Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 11 điều quy định về các thuật ngữ, khái niệm sử dụng trong Nghị định, phương thức cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi, lĩnh vực ưu tiên sử dụng các loại vốn này; nguyên tắc, cơ chế quản lý và sử dụng; công tác vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
II. Chương II: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án
Chương này gồm 9 điều bao gồm các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; nội dung, trình tự và thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền.
III. Chương III: lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án
Chương này gồm có 09 Điều bao gồm những quy định về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư chương trình, dự án và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, chủ dự án trong việc chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt đầu tư chương trình, dự án. Tương tự như trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định đầu tư cũng được tinh giản đáng kể, đặc biệt đối với các dự hỗ trợ kỹ thuật và phi dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản.
Chương IV: Ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi
Chương này có 06 điều bao gồm những nội dung liên quan tới ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi, gồm: cơ sở đề xuất ký kết; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đề xuất ký điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung và gia hạn điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Quy định của chương này được xây dựng dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật và Nghị quyết số 67/NĐ-CP ngày 8/9/2014 của Chính phủ về việc phân công cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế.
Chương V: Quản lý thực hiện chương trình, dự án
Chương V gồm có 19 điều với những nội dung liên quan đến hoạt động quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chủ dự án và Ban Quản lý Dự án trong quá trình này.
Chương VI: Quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi
Chương VI gồm có 8 điều tập trung các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi được xây dựng dựa trên những quy định hiện hành của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nói chung các Bộ, ngành và địa phương, cũng như liên quan tới quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nói riêng, đảm bảo quy định hiện hành của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Chương VII: Điều khoản thi hành
Chương này gồm có 03 điều quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định. Để đảm bảo những chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thuộc Danh mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ sẽ được tiếp tục thực hiện khi Nghị định mới có hiệu lực, Nghị định đưa ra quy định chuyển tiếp nhằm đảm bảo cho các Danh mục cá chương trình, dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực không phải trình duyệt lại.
Nhìn chung, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP được ban hành hứa hẹn tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi và là công cụ hữu hiệu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời kỳ mới.
Vũ Hà Thu - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp