TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HỘI NGHỊ, HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT CỦA BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011-2015

TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HỘI NGHỊ, HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT CỦA BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011-2015

12/4/2016

Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế được Bộ Tư pháp thực hiện khá sôi động trong những năm gần đây. Để có cái nhìn tổng quan về công tác hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp trong thời gian qua, bài viết xin chia sẻ những nhận định, đánh giá của Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ giai đoạn 2011-2015 được đề cập tới trong Báo cáo tổng kết tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2015 ngày 5/4/2016 gửi Bộ Ngoại giao. Báo cáo đã tập trung đánh giá cụ thể những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức và quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Trong giai đoạn 2011-2015, các hội nghị, hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức đã bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần cho việc hoàn thành một số nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp, triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và quảng bá những thành tựu của Việt Nam trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp cũng có những tồn tại, hạn chế nhất định như tiến độ triển khai các hoạt động còn chậm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục xin phép, báo cáo, chia sẻ thông tin theo quy định… Nguyên nhân của những hạn chế nói trên xuất phát từ những mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất trong quy định của Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg với các văn bản có liên quan như Quyết định số 272-QĐ/TW ban hành Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Nghị định số 93/2009/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài…; nhiều nội dung về phạm vi điều chỉnh, thời hạn cho ý kiến, các chế tài xử phạt vi phạm…chưa được cụ thể hóa ; cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ về việc tuân thủ các quy định pháp luật khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế còn hạn chế.
Báo cáo cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc và nâng cao hiệu quả của của việc tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp, tập trung vào các nội dung sau:
- Rà soát, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung các quy định của Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg để bảo đảm sự thống nhất với các quy định của các văn bản có liên quan như Quyết định số 272-QĐ/TW, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, Nghị định số 93/2009/NĐ-CP, Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
- Nghiên cứu, sửa đổi, cụ thể hóa những nội dung trong Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg  dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, mở rộng các đối tượng tham gia và dưới nhiều hình thức phù hợp.
- Chủ động, tích cực tìm kiếm, vận động, đàm phán với các đối tác nước ngoài, bao gồm các quốc gia, các vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ về tài chính và chuyên gia để thực hiện các hội nghị, hội thảo quốc tế phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, tổ chức.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; chú trọng đến công tác theo dõi, hướng dẫn, tổng kết, chia sẻ thông tin về hội nghị, hội thảo quốc tế; định kỳ hàng năm tổ chức các Đoàn kiểm tra tại các Bộ, ngành ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương, các tổ chức xã hội nhằm nắm bắt những thông tin chính xác, kịp thời phát hiện những sai phạm để đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh và đảm bảo cho các hoạt động nói trên tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật./.
Vũ Hà Thu - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp