Hỏi về những lưu ý khi xử lý kỷ luật người lao động nữ đang mang thai

Chị H là nhân viên trong công ty tôi, và H đang mang thai tháng thứ 5. Gần đây, công ty tôi phát hiện H nhiều lần tuyên truyền những nội dung không đúng về công ty với các phòng, ban trong công ty cũng như đơn vị khác. Công ty tôi muốn sử dụng biện pháp xử lý kỷ luật H bằng cách cắt lương 01 tháng làm việc và cách chức H. Đề nghị Luật sư tư vấn, công ty tôi có thể áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật nêu trên đối với H không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: Ngô Minh

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu trả lời mang tính tham khảo:
Thứ nhất, các biện pháp xử lý kỷ luật người lao động
Kỷ luật lao động là “khuôn mẫu” do người sử dụng lao động đặt ra, người lao động trong đơn vị phải tuân theo “khuôn mẫu” đó, nhằm đảm bảo và duy trì trật tự trong đơn vị hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, trật tự lao động. Người lao động nếu có hành vi vi phạm, không tuân theo kỷ luật hoặc tuân theo nhưng không đầy đủ hoặc không đúng có thể phải gánh chịu biện pháp xử lý kỷ luật nhất định tùy thuộc vào múc độ, tính chất của hành vi vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 03 hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:
(1) Khiển trách;
(2) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức: nhóm này bao gồm 02 hình thức xử lý kỷ luật riêng biệt, hình thức “cách chức” chỉ áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật mà đang đảm đương chức vụ nhất định, trường hợp hành vi vi phạm không ảnh hưởng đến đạo đức, nghề nghiệp hay trình độ chuyên môn, khả năng quản lý, người sử dụng lao động có thể xem xét áp dụng biện pháp kéo dài thời hạn nâng lương;
(3) Sa thải.
Trong 03 hình thức kỷ luật nêu trên, hình thức khiển trách là hình thức xử lý kỷ luật nhẹ nhất, và sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất, áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm ở mức độ lỗi nặng, khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, người lao động sẽ bị mất việc làm, do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động chỉ được sa thải người lao động trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định. Hơn nữa, ngoài 03 hình thức kỷ luật nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào khác đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được áp dụng đối với người lao động:
-         Thực hiện một trong các hành vi sau: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
-         Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;
-         Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cần lưu ý khi xử lý kỷ luật người lao động: Việc xử lý kỷ luật người lao động phải được lập thành biên bản; và không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Thứ hai, xử lý kỷ luật đối với người lao đông nữ mang thai
Khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động như sau:
“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”
Điều 155 Bộ luật Lao động quy định về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:
“3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao đông nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuooit, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Như vậy, do độ tuổi sinh sản của lao động nữ nằm trong độ tuổi lao động, nên trong quá trình làm việc, hầu hết lao động nữ đều trải qua thời kỳ mang thai, sinh con và nuôi con. Do đó, trong các nội dung cần bảo vệ lao động nữ, nội dung bảo vệ lao động nữ trong giai đoạn thai sản là nội dung quan trọng nhất. Theo đó, trong giai đoạn lao đông nữ mang thai, sinh con và nuôi con, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật họ, đặc biệt không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ. Vì trong giai đonạ mang thai, sinh con và nuôi con, lao động nữ khó khăn trong việc thực hiện quyền tự bào chữa, việc xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến tâm lý, sự phục hồi sức khỏe hoặc thực hiện thiên chức. Hơn nữa, biện pháp sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc lao đông nữa mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tinh thần của người lao động, đặc biệt ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người lao động nữa đang mang thai, sinh con và nuôi con.
Tuy nhiên, quy định như vậy không có nghĩa là lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật, việc này có thể dẫn đến lao động nữ lợi dụng quy định này vi phạm kỷ luật lao động khi đang mang thai, sinh con và nuôi con, do đó, pháp luật quy định hết thời gian mang thai, sinh con và nuôi con, người sử dụng lao động vẫn có quyền tiến hành xử lý kỷ luật đối với họ. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày hành vi vi phạm xảy ra; trường hợp hành vi vi phạm liên quanđến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý ký luật tối đa 12 tháng. Trường hợp hết thời gian người lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hết thời hiệu xử lý kỷ luật nói trên thì người sử dụng lao động có quyền kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đã không quá 60 ngày.
Đối chiếu trường hợp của công ty chị với quy định của pháp luật, do chị H đang mang thai tháng thứ 5, nên công ty chị không thể áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật đối với chị H theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của công ty chị, cũng như đảm bảo tính kỷ luật tại nơi làm việc, sau khi H hết thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, công ty chị có thể kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật đối với H 60 ngày theo quy định của pháp luật.

Trả lời bởi: Phạm Nguyệt Hằng