ĐÁNH GIÁ, TRAO ĐỔI NHU CẦU VÀ MÔ HÌNH MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI CÁC ĐỊA BÀN KINH TẾ, XÃ HỘI KHÓ KHĂN VÀ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN KHU VỰC MIỀN TRUNG

ĐÁNH GIÁ, TRAO ĐỔI NHU CẦU VÀ MÔ HÌNH MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI CÁC ĐỊA BÀN KINH TẾ, XÃ HỘI KHÓ KHĂN VÀ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN KHU VỰC MIỀN TRUNG Thực hiện Kế hoạch năm 2017 của Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585), trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các dự án Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện giai đoạn 2015-2020, ngày 06/10/2017 tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và một số địa phương ở Khu vực các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh…. Tổ chức Hội nghị đối thoại “Đánh giá, trao đổi nhu cầu và mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khu vực miền Trung”. Chủ trì Hội nghị đối thoại có TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585. Chương trình còn có sự tham dự của Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

  Mở đầu Hội nghị đối thoại, Ông Nguyễn Thanh Tú, đại diện Ban Quản lý Chương trình 585 đã trao đổi các vấn đề liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trao đổi về kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc kiện toàn mô hình và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trao đổi vè việc triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và một số định hướng. 
             Theo Ông Văn Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ tại Hội nghị đối thoại thì trong bối cảnh doanh nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng đông về số lượng, tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương. Trong điều kiện đó, việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề cần thiết, nhằm giúp cho doanh nghiệp có những kiến thức pháp lý cơ bản giải quyết những vướng mắc, tranh chấp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 08 tổ chức hành nghề luật sư, 02 chi nhánh công ty luật với 24 luật sư đăng ký hoạt động, con số này là quá ít để thực hiện các hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, năm 2016, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh”.
Ông Trương Quang Sáng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cho rằng: Trên cơ sở hỗ trợ của BQL Chương trình 585 - Bộ Tư pháp, năm 2016 Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật kinh doanh cho các cộng tác viên; theo đó, các Cộng tác viên đã phát huy vai trò trách nhiệm trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật, nâng cao kiến thức và kỹ năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Tuy  nhiên, qua thực tiễn khi tham gia hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, hiện nay, để thi hành Hiếp pháp năm 2013 Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội 2015 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác... Các đạo luật này có nhiều nội dung điều chỉnh quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, của các cấp chính quyền trong tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Để triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản này đến doanh nghiệp, đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực (con người và kinh phí). Tuy nhiên, Quảng Bình là một tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, còn phải nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các chương trình, dự án, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp.
Thứ hai, đội ngũ tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật,  cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mặc dù đã được thiết lập. Tuy nhiên, số lượng còn ít. Mặt khác, đội ngũ Cộng tác viên này chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên chưa đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu cũng như chủ động khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp để kịp thời tư vấn, hỗ trợ.
Thứ ba, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta ban hành nhiều, tính ổn định không cao; một số quy định còn chồng chéo, thiếu thống nhất, vì vậy có nhiều tình huống pháp lý chưa thể giải đáp kịp thời, thỏa đáng theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Luật sư Hồ Lý Hải – Đại diện Đoàn Luật sư Tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Trong đó chúng tôi cũng thấy Sở Tư pháp luôn đóng vai trò như là cơ quan đầu mối thực hiện việc triển khai các hoạt động phục vụ cho công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doang nghiệp như việc tổ chức các Hội nghị mà chúng tôi được tham gia: “Bồi dưỡng tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”; “Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”; “tập huấn cho đội ngũ Cộng tác viên tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh”;   “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp”. Tổ chức các buổi Tọa đàm “Thực tiễn thi hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính”. Đặc biệt gần đây chúng tôi được biết, Sở Tư pháp cùng với Hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 1199/CTPH-STP-HDN ngày 30/6/2016 về việc phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, theo chúng tôi thì họ cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản liên quan thiết thực để hỗ trợ kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề về pháp luật còn vướng mắc liên quan đến quá trình sản xuât kinh doanh. Như Chi cục thuế các huyện, thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm giúp cho các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết pháp luật và tháo gỡ những vướng mắc về lĩnh vực thuế..v.v.”
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Luật sư Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội cho rằng Trong gia đoạn hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc kết nối internet, xây dựngcác phần mềm ứng dụng để tập huấn, trao đổi, chia sẽ giữa cộng tác viên với cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng qua trọng. Điều đó sẽ làm gia tăng khả năng tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu chi phí cho chương trình. Vì vậy trong kế hoạch xây dựng và duy trì MLTVPL cho DN cần đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các thiết kế của chương trình. 
             
Tổng kết Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 cho rằng, việc đánh giá, trao đổi nhu cầu và mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, ngoài những kết quả đạt được, còn rất nhiều hạn chế, khó khăn và chưa thực sự phát huy hiệu quả hoạt động, cần được nghiên cứu kỹ và có những đề xuất, sửa đổi, bổ sung các hoạt động, mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp


Các tin khác