HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP CỦA TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM TẠI BẮC NINH

HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP CỦA TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM TẠI BẮC NINH Thực hiện Quyết định số 1286/QĐ-585, ngày 6/6/2018 và Hợp đồng số 57/BTP-585, ngày 6/6/2018 của Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 giao Trung tâm Tư vấn pháp luật Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức 01 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về các quy định của Luật bảo vệ môi trường nói chung và môi trường làng nghề nói riêng tại Bắc Ninh, ngày 14 tháng 8 năm 2018, Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại tại Thành phố Bắc Ninh.

Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là các đại diện các Ban; Pháp chế, Kinh tế và Ngân sách, Văn hóa- Xã hội của  Hội đồng nhân dân tỉnh;  lãnh đạo và cán bộ pháp chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tư pháp, sở Tài nguyên và Môi trường,  Sở Công thương,  Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, đại diện của các doanh nghiệp, làng nghề và nghệ nhân làng nghề tại Bắc Ninh.
Nội dung của hội nghị tập trung vào các vấn đề: trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và Môi trường làng nghề nói riêng, những yêu cầu bảo vệ môi trường ở đô thị, khu dân cư  và xử lý chất thải, các nguồn lực về bảo vệ mội trường và việc bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp xử lý ô nhiểm, phục hồi và cải thiện môi trường, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trách nhiệm của  Mặt trận Tổ quốc Việt nam, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường….
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đưa ra những vướng mắc về Luật Bảo vệ môi trường 2014 như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 vẫn thiếu cơ chế để thực hiện quyền của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, và cơ chế buộc công chức, cơ quan nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình. Luật chưa có quy định quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân. Luật mới quy định về giám định thiệt hại về môi trường mà chưa có quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại. Pháp luật cũng chưa có quy định về phương thức chi trả tiền bồi thường đối với những người bị thiệt hại khi xác định được tổng mức thiệt hại và bên gây thiệt hại chấp nhận bồi thường với mức này. Vì vậy, Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại, nguyên tắc, trình tự xác định thiệt hại đối với từng chủ thể bị thiệt hại trong tổng thiệt hại, hoặc cơ chế để thực hiện việc “phân bổ” tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại trên nguyên tắc minh bạch, dân chủ, công bằng, công khai . Ngoài ra, cần áp dụng cơ chế bảo hiểm trách nhiệm về môi trường để chia sẻ trách nhiệm của người gây thiệt hại và đảm bảo tính kịp thời nhanh chóng có đủ khả năng tài chính để bồi thường. Mặc dù cơ chế này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng đến nay vẫn thiếu quy định để thực hiện. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường vẫn còn những hạn chế cần phải tháo gỡ. Cụ thể việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường chưa kịp thời. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách nhưng các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế…từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
          Hội nghị kết thúc vào 17h00 cùng ngày và nhận được sự đánh giá cao, ủng hộ của các đại biểu tham dự./.

Nguyễn Trâm Anh