TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT VỊ THANH TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH HẬU GIANG

TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT VỊ THANH TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH HẬU GIANG Ngày 16/8/2019, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên đề: "Kiến thức pháp luật về thành lập, quản trị và phục hồi doanh nghiệp".

Thực hiện Quyết định số 1330/QĐ-585 ngày 12/6/2019 của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và Hợp đồng số 28/BTP-585 ngày 12/6/2019 giữa Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và Trường Trung cấp Luật Vị Thanh về tổ chức hoạt động Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019. 
Ngày 08/8/2019, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-TCLVT về việc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019, cụ thể hóa nội dung thông qua các chuyên đề: (1) Quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đăng ký thành lập, hoạt động của doanh nghiệp; (2) Quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, những kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ bản trong doanh nghiệp; (3) Quy định pháp luật về phục hồi doanh nghiệp.
- Về thời gian và địa điểm: Nhà trường đã đảm bảo các yêu cầu về thời gian và địa điểm.
- Về thành phần: đảm bảo đúng yêu cầu về đối tượng tham gia lớp bồi dưỡng, trong nhóm các thành phần: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty; Chủ doanh nghiệp tư nhân; Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã; Các cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp và Hợp tác xã; Cán bộ, nhân viên khác tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo doanh nghiệp cùng với học sinh, sinh viên Trường Trung cấp Luật Vị Thanh.
- Giảng viên: đảm bảo đúng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm theo quy định và theo đề án kèm theo Hợp đồng đã được Ban quản lý phê duyệt.

Ngày 16/8/2019, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên đề: "Kiến thức pháp luật về thành lập, quản trị và phục hồi doanh nghiệp". Lớp bồi dưỡng có sự tham gia nghiêm túc của hơn 70 đại biểu đến từ Hậu Giang và các địa phương lân cận.

Với các kiến thức được cung cấp, các đại biểu đã tham gia với tinh thần học hỏi. Giảng viên lớp bồi dưỡng đã trả lời các vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể: 
+ Hỏi: Theo quy định hiện nay, thì việc đăng ký doanh nghiệp có khó không, vì việc đăng ký phải thông qua nhiều thủ tục?
Trả lời: theo quy định hiện hành, nhằm tăng cường thu hút hoạt động kinh doanh nên việc đăng ký được thực hiện khá đơn giản và có sự hướng dẫn của cơ quan đăng ký kinh doanh, tùy theo loại hình doanh nghiệp mà cần phải chuẩn bị các hồ sơ theo yêu cầu (từ Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014), sau đó cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ theo Điều 27 và Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
+ Hỏi: Nhà trường cũng như một số trường trung cấp, cao đẳng hiện đang hoạt động theo quy định về giáo dục nghề nghiệp, tôi muốn kinh doanh bên lĩnh vực này và đặt tên công ty có cụm từ trùng với tên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, không biết có được không?
Trả lời: trong trường hợp trùng tên với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tức là trùng với tên cơ quan nhà nước nên phải có sự đồng ý của cơ quan này, đồng thời cũng cần phải xem xét có vi phạm về cách đặt tên và các điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp theo các Điều từ 38 đến 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không.
+ Hỏi: giáo viên có được thành lập doanh nghiệp hay không? Trả lời: Khoản 3 Điều 14, Luật Viên chức 2010 quy định viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, giáo viên (viên chức) tuyệt đối không được phép thành lập doanh nghiệp.
+ Hỏi: tôi có bạn là người nước ngoài, muốn về Việt Nam thành lập doanh nghiệp tư nhân, có được không?
Trả lời: Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, Luật không cấm người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân, trừ các trường hợp sau:
(1) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(2) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
+ Hỏi: Bác (bà con) tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân, nhưng bác vừa mới mất, có phải doanh nghiệp của bác tôi phải chấm dứt hoạt động?
Trả lời: Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết hoặc mất tích thì doanh nghiệp được xem như một tài sản được để lại thừa kế. Như vậy, trong trường hợp chủ doanh nghiệp có người thừa kế thì doanh nghiệp tư nhân không phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, người được thừa kế doanh nghiệp tư nhân phải làm thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân không có người thừa kế thì theo quy định tại Bộ luật Dân sự thì doanh nghiệp tư nhân sẽ thuộc sở hữu nhà nước.
+ Hỏi: Doanh nghiệp tư nhân không có quyền tham gia thành lập doanh nghiệp khác. Vậy chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp khác không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh”.
Như vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân vẫn có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần nhưng không được phép làm chủ doanh nghiệp tư nhân khác, chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
+ Hỏi: Hiện nay, tôi đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân. Vậy tôi có quyền tham gia thành lập một công ty TNHH hai thành viên trở lên khác hay không? Nếu được thì hồ sơ đăng ký như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp luật liên quan không cấm cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân thành lập, tham gia thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên. Theo quy định tại khoản 3 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ không được phép làm chủ doanh nghiệp tư nhân khác, chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Cụ thể: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh”.
Hồ sơ đăng ký đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH một thành viên được quy định tại Khoản 03 Điều 25 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.
+ Hỏi: Doanh nghiệp nào là doanh nghiệp không cổ phần hóa được?
Trả lời: Theo khoản 19 Điều 3 Nghị định số 128/2014/NĐ-CP thì Doanh nghiệp không cổ phần hóa được là doanh nghiệp mà theo Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thuộc danh mục cổ phần hóa, sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa nhưng vẫn không cổ phần hóa được hoặc không đáp ứng đủ điều kiện cổ phần hóa.
+ Đề xuất: hoàn thiện pháp luật về phục hồi DN, HTX lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ cần có những giải pháp hỗ trợ tốt hơn nữa. Các chính sách hỗ trợ có thể là về mặt tài chính (như miễn giảm thuế; Nhà nước tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi trên cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi hoạt động kinh doanh); ưu đãi đầu tư, kinh doanh…
Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp thành công với sự hỗ trợ về kinh phí của Chương trình 585.

Phạm Hoàng Giang