TỔNG KẾT TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DUY TRÌ MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH ĐĂK LĂK

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), thực Hiện hợp đồng giữa Ban quản lý chương trình 585 và Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực về việc tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả của công tác tổ chức, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin báo cáo kết quả công tác tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk, cụ thể như sau:

A. NỘI DUNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức tọa đàm  
  -  Chuyên đề: Trao đổi kinh nghiệm giữa Cộng tác viên và doanh nghiệp trong quá trình duy trì mạng lưới tư vấn và giới thiệu, giải đáp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
  -  Chủ trì tọa đàm: Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ rợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; LS. Lưu Thị Thu Hiền – Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đăk Lăk.
-  Đại biểu tham dự:  Đại diện doanh nghiệp, đại diện tổ chức hành nghề luật sư, các luật gia, hội viên của Hội doanh nghiệp địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan và đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới.
   
2. Nội dung tọa đàm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm HTPL&PTNNL đại diện cho Cơ quan chủ trì Chương trình đã giới thiệu về mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN, HTX theo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp.
Các chuyên gia và  đại biểu đã thảo  luận trao đổi về những nội dung của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, trong đó tập trung vào chính sách hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại Nghị định 38/2008/NĐ – CP ngày 13/4/2018. Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp đã trao đổi thảo luận về cách thức xây dựng các đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị, đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
3. Hoạt động tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật kinh doanh cho nghiệp
Trung tâm, đã tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp đề xuất những vướng mắc trong quá trình kinh doanh với các công tác viên tham gia mạng lưới. Các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn đã đề xuất câu hỏi  tư vấn theo mẫu gửi BTC.
Đối tượng thụ hưởng: Doanh nghiệp tham gia Tọa đàm và doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới là các cá nhân được lựa chọn và qua công tác đào tạo, tập huấn từ hoạt động thiết lập.
- Hình thức tư vấn: Tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp điền thông tin nội dung cần tư vấn cho các chuyên gia tư vấn, trên cơ sở phiếu tư vấn, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp bằng văn bản trả lời có xác nhận của trung tâm.
- Số lượng phiếu tư vấn: 16 phiếu
3. Nội dung hỏi đáp trả lời vướng mắc tại tọa đàm
Tọa đàm nhận được các  ý kiến đặt vấn đề trao đổi, hỏi đáp của các đại biểu tập trung vào nhóm các đề xuất như sau:

Tọa đàm nhận được một số ý kiến đặt vấn đề trao đổi, hỏi đáp của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
3.1. Đại biểu đại diện cho doanh nghiệp có ý kiến rằng doanh nghiệp thường xuyên gặp những vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên nhiều khi lúng túng không biết gửi câu hỏi vướng mắc pháp lý tới cơ quan nào để được hỗ trợ giải quyết trực tiếp, có lần gửi tới cơ quan nhà nước nhưng đợi rất lâu không có văn bản trả lời.
Trả lời
Chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp, chủ trì Tọa đàm đã giải thích rõ giải đáp vướng mắc pháp luật cho doanh nghệp là một trong những hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải thực hiện, cụ thể tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 66/2008/NĐ - CP của Chính phủ đã quy định trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu và tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, khi doanh nghiệp có vướng mắc pháp lý thuộc lĩnh vực nào thì có thể liên hệ trực tiếp đến cơ quan nhà nước ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ quản lý lĩnh vực đó để được đề nghị giải đáp, ví dụ liên quan đến đất đai thì liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến lĩnh vực thuế thì liên hệ với Cục thuế…..Hình thức liên hệ đề nghị giải đáp có thể thông qua điện thoại, email hoặc gửi văn bản trực tiếp để hỏi. Nếu cơ quan tại địa phương trả lời chưa thỏa đáng hoặc không trả lời được thì có thể gửi tiếp văn bản nên cơ quan trung ương để được hỗ trợ giải đáp. Ngoài ra các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vướng mắc pháp lý có thể gửi văn bản trực tiếp đến các tổ chức hội mà mình là hội viên để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ đại diện cho doanh nghiệp gửi văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp cùng với cơ quan nhà nước giải đáp cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Ngoài ra các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vướng mắc pháp luật có thể gửi văn bản trực tiếp tới hệ thống mạng lưới tư vấn pháp luật thuộc Chương trình 585 (Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đọa 2015 – 2020) do Ban Quản lý Chương trình 585, Bộ Tư pháp chủ trì giao cho Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực tổ chứ triển khai tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trong đó có tỉnh Nghệ An.
Mặt khác, để hướng dẫn chi tiết Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hiện tại Chính phủ đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 66/2008/NĐ-CP hỗ trợ pháp lý cho danh nghiệp thì dự thảo có quy định rất rõ việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hệ thống mạng lưới tư vấn viên, theo đó các doanh nghiệp khi có vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp tới tới hệ thống mạng lưới tư vấn việc được các Bộ Ngành công nhận để được tư vấn, giải đáp. Tùy từng loại hình doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ có thể được hỗ trợ phí tư vấn theo mức 10%, 30%, 100%....
3.2. Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghệ còn băn khoan, vướng mắc chưa hiểu rõ những đối tượng cụ thể nào được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ và chính sách sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước như thế nào?
Trả lời
Về vấn đề này, căn cứ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghị định 39/2018/NĐ - CP đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư và chủ trì Tọa đàm đã giải thích rõ về đối tượng, điều kiện và chính sách hỗ trợ trợ ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể:
- Về đối tượng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh
- Về điều kiện: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện: có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần
- Về nội dung hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới;  Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;  hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…. Ví dụ, liên quan hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ thì doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được “Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm”
(Các nội dung hỗ trợ cụ thể được quy định chi tiết tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP)
3.3. Khi doanh nghiêp có vướng mắc pháp lý muốn nhờ mạng lưới tư vấn pháp luật để giải đáp vướng mắc thì có thể liên hệ với cá nhân, tổ chức nào để được tư vấn.  Doanh nghiệp có phải hỗ trợ gì về kinh phí cho chuyên gia tư vấn không ?
Việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động thiết lập, duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó được xác định như thế nào?
Trả lời
1. Đội ngũ cộng tác viên tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp bao gồm các Luật sư, Luật gia tại các Đoàn Luật sự, Hội Luật gia, Văn phòng luật sư ở trung ương và địa phương, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Hội và cơ quan Nhà nước. Cơ quan được giao làm đầu mối thiết lập, duy trì, điều hành mạng lưới ở cá địa phương là Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực.
Khi doanh nghiệp có vướng mắc pháp lý có thể hỏi trực tiếp tại các buồi Tọa đàm thiết lập, duy trì mạng lưới hoặc liên hệ trực tiếp với đội ngũ luật sư, luật gia là cộng tác viên tham gia mạng lưới hoặc liên hệ với Trung tâm hỗ trợ pháp luật phá triển nguồn nhân lực để gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo về vấn đề pháp lý cần tư vấn.. Trên cơ sở đó Trung tâm tư vấn pháp luật sẽ trực tiếp trả lời vướng mắc của doanh nghiệp hoặc giới thiệu Luật sự, Luật gia là cộng tác viên tham gia mạng lưới để tư vấn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tư vấn không phải trả bất kỳ khoảng phí nào vì đây là chương trình được hỗ trợ kinh phí của Nhà nước (Chương trình 585)
2. Việc quản lý sử dụng, kinh các hoạt động của Chương trình 585 được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong đó có  nội dung chi hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như sau:
“a) Chi hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng cộng tác viên tham gia mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật:
- Biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng;
- Chi tổ chức các khoá tập huấn: Kinh phí thuê hội trường, máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy; tài liệu; thù lao, ăn ở, đi lại của giảng viên, báo cáo viên; nước uống và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc tổ chức lớp học.
b) Chi họp, góp ý nội dung Đề án xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật; họp góp ý, thẩm định Quy chế hoạt động của mạng lưới tư vấn pháp luật.
c) Chi cho việc duy trì và hoạt động của mạng lưới: Chi phí hoạt động thường xuyên; hỗ trợ các buổi sinh hoạt nhóm, hội thảo về pháp chế doanh nghiệp.
d) Chi hỗ trợ kinh phí cho Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật: Chi công tác phí, chi bồi dưỡng tư vấn pháp luật.
Theo đó, các nội dung chi cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật nhận mức hỗ trợ 20.000 đồng – 30.000 đồng /giờ tư vấn. Mức chi tập huấn bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên, cộng tác viên tham gia mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
3.4. Chính sách hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.  Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Cho tôi hỏi, chính sách hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? 
 Trả lời: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chính sách hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được quy định cụ thể như sau:
- Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về các nội dung sau: Xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng trên một khóa đào tạo và không quá 01 khóa đào tạo trên năm;
- Miễn phí tra cứu, khai thác, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu;
- Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước;
- Miễn phí cung cấp thông tin, truyền thông về kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
B. KIẾN NGHỊ
Đa số các ý kiến đều nhất trí cao, trong thời gian qua Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có lẽ chưa bao giờ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sán tạo lại được đặc biệt quan tâm như hiện nay. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 được ban hành cùng với với các bản liên quan đặc biệt là Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2025 sẽ góp phần quan trọng, tạo đột phá  trong việc khơi thông nguồn vốn cho hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
- Tiếp tục cung cấp thông tin tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp về các chính sách hỗ trợ theo quy định của  Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ được quy định tại các Luật chuyên ngành và các Nghị định quy định riêng về hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đặc thù trong đó đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và Chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
 

Trần Thanh Tùng