GS.TS Lê Hồng Hạnh: Doanh nhân đừng coi thường rủi ro pháp lý

06/11/2014
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Doanh nhân đừng coi thường rủi ro pháp lý
Khẳng định pháp luật rất cần thiết cho doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng gửi gắm doanh nhân “đừng coi thường rủi ro pháp lý vì cái giá phải trả là cả sự nghiệp và gia sản”.

* Theo ông, “Ngày Pháp luật” cần thiết như thế nào cho doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các tranh chấp quốc tế ngày càng gia tăng?

- Doanh nhân và doanh nghiệp cần “Ngày pháp luật” như một biểu tượng của sức mạnh kiến tạo mà pháp luật mang đến cho xã hội, nhất là xã hội dân chủ. Đối với doanh nghiệp, doanh nhân cũng như đối với mọi người dân, pháp luật đối với họ như một giá trị mà càng hiểu biết về nó, càng nhận thức rõ bản chất và chức năng của nó thì càng cảm nhận sâu sắc rằng họ không thể thiếu pháp luật trong đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, doanh nhân, doanh nghiệp cần đến pháp luật chứ không chỉ “Ngày pháp luật”. Đương nhiên, “Ngày pháp luật” có ý nghĩa rất lớn vì sự tồn tại của tác động đối với nhận thức của xã hội, đối với việc nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của người dân. “Ngày pháp luật” nhắc nhở chúng ta rằng xã hội đang thượng tôn pháp luật trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Nhân “Ngày pháp luật” tôi nghĩ nhiều đến doanh nghiệp, doanh nhân. Đất nước không thể phát triển nếu thiếu doanh nhân, doanh nghiệp. Ai tạo việc làm cho người dân, ai tạo ra của cải vật chất cho xã hội và nuôi bộ máy nhà nước. Xã hội nào cũng cần đến doanh nhân và những doanh nghiệp mà họ tạo lập. Cha ông ta thường nói “phi thương bất phú” cũng theo nghĩa này. Doanh nhân là những người mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro khi bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chấp nhận rủi ro, dám đối mặt với thách thức là tố chất đặc trưng của doanh nhân. Tuy nhiên, chấp nhận những rủi ro thương trường, của những tính toán cơ hội chi phí thì không nguy hiểm bởi vì sự thất bại chỉ là sự mất mát tiền của. Điều đáng lo quá nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với những rủi ro pháp lý. Những rủi ro này quá đáng ngại song vì lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nhân đã bất chấp.

* Thực tế thì nhiều doanh nghiệp đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc khi thiếu hiểu biết pháp luật?

- Xin kể ra đây một số loại rủi ro đã đưa nhiều doanh nhân đến những thất bại toàn diện. Biết rằng sử dụng các loại hóa chất độc hại để sản xuất và bảo quản lương thực, thực phẩm là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng, là nguy cơ bị cộng đồng và người tiêu dùng tẩy chay nhưng nhiều doanh nhân vẫn cứ làm. Khi bị phát hiện và xử lý thì các doanh nhân này đã trở thành những người “bóc lịch” trong trại giam. Nhiều doanh nhân biết rõ việc nhập khẩu sừng tê giác, ngà voi là vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, công ước quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Công ước CITES) song vẫn tìm cách thực hiện bằng phương thức nhập khẩu các mặt hàng và để lẫn sừng tê giác hay ngà voi trong đó. Hậu quả là các doanh nhân này bị truy tố hình sự. Đó là những trường hợp doanh nhân bất chấp rủi ro pháp lý. Cũng có không ít doanh nhân do thiếu hiểu biết, chủ quan dẫn đến việc đối mặt với nhiều vụ kiện mà phần thua chắc chắn nhiều hơn phần thắng. Trong rất nhiều vụ xử các tranh chấp quốc tế, nhiều doanh nhân thua vì thiếu quan tâm thỏa đáng tới rủi ro pháp lý. Ký hợp đồng với đối tác nước ngoài xong rồi không thực hiện và cũng không có những giải pháp cần thiết để giảm nhẹ hậu quả. Cứ ngây thơ nghĩ rằng họ ở nước ngoài, ta ở đất của ta, họ làm gì được, chẳng lẽ sang Việt Nam bắt vạ. Có doanh nhân ký hợp đồng mua hàng nghìn tấn báo cũ từ đối tác nước ngoài. Ký xong hợp đồng rồi không thực hiện. Bị xử thua và bị cưỡng chế thi hành. Mất hàng trăm nghìn đô bởi một chữ ký vô duyên như vậy. Doanh nhân của ta thua đau lắm trước các đối tác nước ngoài đã quá trải nghiệm các rủi ro pháp lý. Nói chung là có rất nhiều những rủi ro pháp lý mà doanh nhân cần tránh.

Vì thế, nhân ngày pháp luật, muốn chia sẻ với doanh nhân một ý rằng: Đừng coi thường rủi ro pháp lý vì cái giá phải trả là cả sự nghiệp và gia sản.

* Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức học tập pháp luật nói chung, trong doanh nghiệp nói riêng chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng?

- Tôi không nghĩ như vậy. Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật. Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất có Luật tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cũng có lẽ chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất có Chương trình quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Như vậy, chủ trương chính sách đã có rồi. Vấn đề quan trọng là việc thực hiện ra sao. Tôi nghĩ quan trọng là phải tăng cường tính chủ động, sáng tạo của chính bản thân doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn GS!

                                                     Thu Hằng (thực hiện)