“Muốn triển khai Ngày Pháp luật hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải làm gương”

29/10/2014
Đây là quan điểm của ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp. Đánh giá cao ý nghĩa của Ngày Pháp luật đối với việc giáo dục, đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, ông Ngô Ngọc Thành cho rằng: “Để Ngày Pháp luật đi vào cuộc sống một cách gần gũi, hiệu quả thì trước hết các cơ quan nhà nước phải gương mẫu thực hiện và duy trì Ngày Pháp luật”.
 

PV: Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của Ngày Pháp luật đối với đời sống nhân dân?

*. Năm nay là năm thứ 2 Ngày Pháp luật được triển khai theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Như chúng ta đã thấy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân có hành vi, thái độ xử sự đúng pháp luật, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Ngày Pháp luật cũng là dịp để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, có thể khẳng định Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

PV: Ở Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Ngày Pháp luật được triển khai như thế nào cho phù hợp và hiệu quả, thưa ông?

*. Với quan điểm muốn Ngày Pháp luật được triển khai thực chất và hiệu quả thì trước hết các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể phải làm gương, Trung tâm Lý lịch tư pháp xác định Ngày Pháp luật phải trở thành nền nếp thường xuyên. Chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải xác định rõ vị trí làm việc của mình để đề cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi cán bộ, công chức không chỉ có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật mà còn phải có ý thức tìm hiểu, quan tâm đến các luật mới được Quốc hội thông qua, những dự án luật đang được Quốc hội thảo luận, xin ý kiến nhân dân, không chỉ tìm hiểu để biết mà còn để vận dụng vào công việc của mình một cách phù hợp.  Đối với cán bộ, công chức khi thực thi pháp luật, nếu những quy định của pháp luật đã hết hiệu lực mà anh không biết, vẫn áp dụng thì rất nguy hại. Hưởng ứng Ngày Pháp luật không chỉ là cập nhật các quy định pháp luật mới mà còn phải biết đến những văn bản đã hết hiệu lực để tránh tình trạng luật hết hiệu lực rồi mà vẫn đưa vào áp dụng.

PV: Việc triển khai Ngày Pháp luật năm nay được gắn với quá trình triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ông mong muốn điều gì trong ngày này?

*. Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa rất quan trọng vì năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới. Tôi cho rằng, để người dân hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp thì bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của Hiến pháp đến nhân dân thì các cơ quan chức năng cũng phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thống nhất cách hiểu tinh thần và nội dung của Hiến pháp để từ đó có sự thống nhất trong cách vận dụng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp thành các luật, văn bản dưới luật. Muốn làm được điều này, tôi mong Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường giải thích Hiến pháp, trước tiên là cho các cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai, cụ thể hóa Hiến pháp vào cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                                Hồng Thúy (thực hiện)