“Gương sáng pháp luật” là hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo

08/11/2021
“Gương sáng pháp luật” là hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo
Một trong những “kim chỉ nam” ngay từ ban đầu Ban Tổ chức chương trình “Gương sáng Pháp luật” luôn bám sát, là Quyết định 1521/QĐTTg ngày 6/10/2020 Thủ tướng ban hành (thực hiện kết luận 80- kL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân).
Trong Quyết định 1521/QĐ-TTg, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ,thậm chí gợi ý “giải pháp” cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là “đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm”; “Tổ chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật bằng các hình thức phù hợp”.

Đó là lý do trong khuôn khổ chương trình “Gương sáng Pháp luật”, không chỉ có gần 200 bài viết đề cử mà còn có những hoạt động khác như các buổi tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia và chính các nhân vật được đề cử. Nhiều câu chuyện thú vị đã được truyền tải thông qua những cuộc chuyện trò được truyền thông rộng rãi này (phát hình trực tiếp trên nền tảng internet, ghi nhận phản ánh trên báo in, báo điện tử...).

Ở thời điểm tham dự tọa đàm, Vụ trưởngVụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh chưa biết sẽ được Bộ Tư pháp vinh danh “Gương sáng Pháp luật 2021” hay không, nhưng trước đó ông đã nhận được “danh hiệu” “Tổng đài giải đáp thanh tra, khiếu tố, chống tham nhũng” nêu trong bài viết đề cử. TS. Minh cho biết “danh hiệu” đem lại niềm vui, sự tự hào, nhưng cũng là sức ép; vì từ hôm có bài báo thì rất nhiều người đã gọi điện cho ông đặt những câu hỏi hóc búa liên quan đến các công tác trên.

Ông Minh nhận xét, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi ban hành Luật PBGDPL, là đạo luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Có nhiều phương pháp, phương thức để tuyên truyền PBGDPL, nhưng cách giáo dục tốt nhất được đúc kết là nêu gương, do nêu gương là phương pháp rất gần gũi, thực tế, dễ thực hiện theo.

““Gương sáng Pháp luật” đã khắc họa những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, việc tốt cụ thể, thay vì đưa ra những điều khoản khô khan. Những gương sáng đó là hiện thân của nhận thức pháp luật, của tuân thủ pháp luật nên có sức lan tỏa rất lớn. Chương trình đã rất thành công, nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp”, ông Minh nói.

Có những câu chuyện của người tham dự tọa đàm vừa chứng tỏ sự cống hiến âm thầm cho cộng đồng của một đội ngũ hàng vạn người trong xã hội, vừa giúp người theo dõi hiểu ra nhiều kiến thức. Như câu chuyện của nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, nếu không có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 khiến hệ thống y tế phải căng mình từng ngày, từng giờ thì công việc hàng ngày của ông và đội ngũ cán bộ y tế dự phòng chỉ là đi vận động người dân xây dựng nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh… nên từng bị gọi vui là bác sỹ “phân - nước - rác”.

Những người tham dự tọa đàm cũng có thể là những cán bộ xã, giữ chức vụ được đánh giá là “nhỏ nhoi” như bà Đặng Thị Phúc, người dân tộc Dao, trú tại thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thế nhưng, thực sự đó là những bông hoa âm thầm dâng mật ngọt cho đời. Sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, bà Phúc cho biết, mảnh đất quê hương làng Ẻn của bà còn nhiều khó khăn nên mơ ước của bà là muốn cùng mọi người xây dựng một quê hương giàu đẹp, sung túc và làm nhiều công tác tuyên truyền, vận động phát triển sản xuất để người dân được no ấm và hạnh phúc. Là một đảng viên lão thành, bà chỉ suy nghĩ đơn giản đã được Đảng tin tưởng giao việc thì phải hoàn thành tốt, từ tuyên truyền nhân dân phát triển sản xuất, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tảo hôn, bình đẳng giới, trẻ em được học hành; vận động bà con đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, đóng góp xây dựng mở đường giao thông phát triển làng Ẻn.

Tham dự một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ chương trình “Gương sáng Pháp luật”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá đây là một hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo, hiệu quả.

Là người gắn bó lâu năm với công tác Mặt trận, thường xuyên gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Túc cho rằng, sau khi có Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đến nay, công tác pháp luật của chúng ta cómột bước tiến lớn, tức là pháp luật đã được phổ biến rộng hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là 10 năm gần đây chúng ta chú ý nhiều đến xây dựng pháp về lĩnh vực kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

“Riêng về phổ biến pháp luật, thì từ thời bao cấp sống chủ yếu bằng nghị quyết của Đảng, đã dần bước sang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, ông Túc nói.

“Chương trình “Gương sáng Pháp luật” do Báo PLVN chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp có thể coi là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, hướng tới mục tiêu sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ông Túc nói.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam