Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

15/10/2020
Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Sáng nay (14/10), Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ PBGDPL tổ chức Tọa đàm Chương trình chung tay xóa nghèo pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong công tác PBGDPL. Tọa đàm do TS. Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo PLVN và TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL đồng chủ trì. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 2020.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL
Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Đào Văn Hội đánh giá: Việc thực hiện chương trình Chung tay xóa nghèo cả về pháp luật và vật chất đã có những tác động tích cực đối với đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, đóng góp tích cực cho xã hội. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Báo PLVN đã thực hiện tốt sứ mệnh truyền thông tư pháp và pháp luật, phát huy tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp.
Từ trước khi có Luật PBGDPL, Báo PLVN phối hợp với bộ đội biên phòng, Ủy ban dân tộc thực hiện đề án đưa sách, báo pháp luật đến vùng sâu, vùng xa. Kể từ khi Luật PBGDPL năm 2012 được thông qua, trong đó có quy định đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL, khẳng định đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội thì Báo đã tăng cường bố trí nguồn lực, kinh phí, thực hiện bài bản công tác này và có sáng kiến thực hiện Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”.
“Cụm từ “chung tay” thể hiện ý chí mãnh liệt và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho người dân. Mỗi ngành có một vị thế, một trách nhiệm khác nhau nhưng cần “chung tay” để cùng nhìn về một hướng, để cùng chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm giúp công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt là góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khơi gợi, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện sứ mệnh đưa pháp luật đến với người dân”, Tổng biên tập Đào Văn Hội chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao Chương trình chung tay xóa nghèo pháp luật của Báo PLVN khi không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn góp phần tích cực đưa pháp luật đến với người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi được coi là “vùng trũng pháp luật”. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác PBGDPL cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến góp ý, trao đổi để cùng tìm ra những giải pháp hữu hiệu, thực chất hơn để cùng chung tay xóa nghèo pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trong thời gian tới.

Gợi mở nhiều giải pháp
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho rằng trước yêu cầu đổi mới về chất và mục tiêu bảo đảm tính bền vững của công tác PBGDPL, việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia công tác PBGDPL tiếp tục được xác định là giải pháp đúng đắn, cần thiết và cần được tiếp tục thực hiện trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Đại tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, cần tiếp tục bám sát đặc điểm của đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số để vận dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp theo hướng dễ hiểu, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thực đến người dân. Cùng đó, cần phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các đơn vị, nguồn lực về con người, tài chính và thời gian trong công tác PBGDPL; tăng cường tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật.

Bà Vũ Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Nội thì cho biết Sở luôn chú trọng đổi mới để có các cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL trên địa bàn. Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật qua mạng với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các fanpage, trang thông tin điện tử; tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; giải đáp pháp luật qua đường dây nóng; phát huy hiệu quả PBGDPL thông qua mô hình tự quản ở cộng đồng…
Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng được Sở đổi mới bằng nhiều hình thức khác nhau như thi online, thi bằng hình thức sân khấu hóa. Đặc biệt, năm nay, Sở đã tổ chức cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi bằng hình thức thi bằng các video bài giảng, hùng biện. Cách làm này đã đem lại kết quả rất tích cực.

Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành của Báo PLVN trong thời gian qua, ông Nguyễn Trần Hiệu, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan mong muốn Báo tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các hoạt động của ngành hải quan với các thông tin đa chiều, kịp thời ghi nhận, phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong thể chế, chính sách pháp luật để đề ra biện pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nói chung, pháp luật chuyên ngành hải quan nói riêng.
Ngoài ra, Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều các ý kiến từ đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia, các Sở Tư pháp địa phương… để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL nói chung và thực hiện Đề án Chung tay xóa nghèo pháp luật của Báo PLVN nói riêng.
K.Quy