Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2018

15/11/2018
Kính thưa Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam,
 Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa các Quý vị đại biểu; đồng chí, đồng bào,
1. Hôm nay, chúng ta long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt Bộ Tư pháp, Tôi xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; quý vị đại biểu cùng đồng chí, đồng bào đã đến dự, theo dõi buổi Lễ trọng thể này.
Kính chúc đồng chí, đồng bào mạnh khỏe. Chúc buổi Lễ thành công tốt đẹp.
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
2. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật lấy ngày 9 tháng 11 - ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2013, chúng ta triển khai Ngày Pháp luật hằng năm. Trong 05 năm qua, Ngày pháp luật trong tổng thể công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
2.1. Chủ đề Ngày pháp luật hằng năm được Bộ Tư pháp tham mưu lựa chọn bám sát yêu cầu thực tiễn của đất nước. Chẳng hạn như năm 2013, khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Hiến pháp, chúng ta chọn Chủ đề xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp…; thì Chủ đề năm 2018 tập trung vào yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và người dân….    
2.2. Nội dung Ngày pháp luật được lựa chọn triển khai phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; bao hàm hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội: Từ phổ biến, vận động chấp hành các Bộ luật, luật; đến các quy định cụ thể về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; môi trường đầu tư kinh doanh; an sinh xã hội; an toàn giao thông; đến phòng chống tham nhũng, lãng phí, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội…
2.3. Hình thức tổ chức và mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng rất đa dạng và phong phú; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều hơn. Có thể kể đến một số hình thức, mô hình cụ thể như: Lễ mít tinh; hội thảo; thi tìm hiểu pháp luật; Ngày hội pháp luật; xây dựng chuyên trang về Ngày Pháp luật; các hoạt động lồng ghép với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngày đại đoàn kết tại khu dân cư”…
3. Có thể nói, trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của các cơ quan, cùng với sự chủ động tham mưu của ngành Tư pháp; đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là điểm nhấn của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
3.1. Ngày Pháp luật đã thực sự trở thành Sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Tinh thần Ngày Pháp luật đã được lan tỏa, thẩm thấu trong đời sống xã hội; đến với từng cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Thực tế thảo luận sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại diễn đàn Quốc hội về các dự án luật, chương trình, đề án; hoạt động của Chính phủ, các Bộ ngành, đoàn thể; tổng hợp kiến nghị cử tri của Mặt trận Tổ quốc; rồi những vấn đề pháp lý mà dư luận, người dân quan tâm được phản ánh hằng ngày trên các phương tiện thông tin là những minh chứng cụ thể về nhận thức ngày càng được nâng cao của xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của pháp luật.
3.2. Kết quả thực hiện Ngày Pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đã có đóng góp quan trọng cho sự tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đóng góp đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, cách hành xử chúng ta về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình của người dân.
4. Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong triển khai Ngày Pháp luật. Cụ thể là cần khắc phục tính hình thức, dàn trải trong một số hoạt động; tập trung hơn nữa đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi mà người dân hơn ai hết rất cần được hỗ trợ trong tiếp cận thông tin pháp luật; nguồn lực cho công tác này cần được đầu tư thỏa đáng hơn.
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
5. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra mục tiêu về xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là ưu tiên hàng đầu, thì việc đẩy mạnh triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Yêu cầu đặt ra hiện nay và trong thời gian tới là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm về nội dung; đa dạng về hình thức; tiếp tục tạo chuyển biến về chất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để Ngày Pháp luật cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn chế.
6. Trong bối cảnh đó, chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, thực hiện công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật, cũng như triển khai Ngày Pháp luật.
Với lòng quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào kết quả hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 
Xin trân trọng cảm ơn./.